Ý kiến chuyên gia

Thu hút người tài?

(Dân trí) - Nhà nước hiện đang nghĩ ra hàng loạt chế độ ưu đãi - thu nhập của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ...Đó là những cố gắng đúng. Nhưng chưa đủ.

Dẫn nhập

Dẫn nhập

Nhà nước hiện đang nghĩ ra hàng loạt chế độ ưu đãi - thu nhập của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng, được ưu tiên giúp đở trong việc di trú, đi lại nhà ở, giúp gia đình của chuyên gia ổn định tại Việt Nam

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/hut-nhan-tai-bang-luong-cao-20141214231529639.htm

Đó là những cố gắng đúng. Nhưng chưa đủ.

Chính sách đúng.

Ai cũng biết rằng khoa học và kỷ thuật góp phần rất lớn vào phát triển kỷ nghệ và tiến bộ xã hội. Bảo rằng thế kỷ thứ XXI là thế kỷ của tri thức là lặp lại một cái biết rồi, khổ quá nói mãi.

Người quản lý xã hội phải lấy những quyết định đi theo chiều hướng đó, cậy trên và nhờ khoa học kỷ thuật để tối ưu hóa cách quản lý hầu mưu cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho dân tình.

Trước chúng ta, chiến lược " Lisbonne", đưa ra bởi Hội đồng Châu Âu năm 2000, nhắm làm sao đưa kinh tế của Cộng đồng chung Âu châu thành kinh tế tích cực có khả năng cạnh tranh cao bằng cách dùng nghiên cứu khoa học như một trụ cột của chiến lược (1).

Chiến lược Lisbonne tổ chức những liên hệ cần thiết giữa của các nước thành viên để hài hòa các sinh hoạt nghiên cứu và sáng chế để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và cung cấp việc làm.

Đối với Việt Nam, khoa học và kỷ thuật là tối cần. Để nước ta không chỉ là một nước cung cấp nhân công rẻ tiền hay một thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước khác.

Tức là phải phát triển khoa học kỷ thuật. Phải công nghệ hóa, phải phát triển sản xuất. Tức là cần những nhà khoa học và những chuyên viên có tài.

.Tiền lương và đặc quyền đặc lợi như «chiếc cầu vàng» để thu hút các nhà khoa học?

Nếu đi hỏi một chuyên gia hiện ở Đại học Waterloo hay ở Đại học London điều gì hấp dẫn nhất cho ông hay bà thì câu trả lời sẽ là môi trường làm việc tức là phòng thí nghiệm, bạn đồng sự, văn hóa nghiên cứu. Tiền bạc và sự trọng nể cũng cần nhưng không là điều thiết yếu đầu tiên.

Khái quát hơn, Roland Viau, một nhà nhân chủng học người Canada (2) trong quyển La Motivation dans la Création Scientifique - Những động cơ của sự sáng tạo khoa học, đã phân biệt động cơ nội tại và động cơ bên ngoài. Tiền bạc, lương bỗng và vị trí xã hội nằm trong những động cơ bên ngoài, có thể làm cho một số nhà khoa học suy nghĩ nhưng không chắc đủ để họ sáng tạo.

Sáng tạo còn là thành quả của những liên hệ giữa nhà khoa học, chủ đề nghiên cứu và môi trường trong đó nhà khoa học làm việc – Viện khoa học, những người đồng hành đồng nghiệp. - cùng chia sẻ văn hóa sáng tạo. Môi trường làm việc cũng là động cơ bên ngoài (3).

Còn động cơ nội tại ? để thỏa mản trí tò mò, để trả lời những câu hỏi của cuộc sống của bản thân hay của những triết lý, đạo đức họ theo đuổi – Làm khoa học, với những phương pháp khoa học nhưng không tách rời tâm lý, triết lý –

Trong chừng mực nào đó, người làm khoa học là một người chạy đua một mình - thỏa mãn trí tò mò của mình - mặc dù hạnh phúc của nhân loại cũng có thể là một trong những động cơ của họ (4)

.Rõ ràng hơn, ông Pierre-Michel Menger, một xã hội học gia, nói, nhà khoa học cũng như một nghệ sĩ, họ có thiên tài hay năng khiếu, dí nhiên rồi nhưng cũng cần động cơ và đền bù.

Ở đây, chi tiết hơn, ông Menger gọi bổng lộc là đền bù chứ không phải động cơ.

Sở thích, đam mê là những động cơ, những động cơ không tính toán, có thể được khuyến khích bởi môi trường nhưng phần chính là xuất phát từ cá nhân và chính nhừ thế cá nhân sẽ đủ nghị lực để ...băng suối vượt đèo, khắc phục mọi khó khăn để đi đến thành quả.

Nghĩa là ông Menger đi xa hơn. Khoa học gia cần động cơ hơn là cần đền bù (5).

Thay lời kết

Muốn tiến tới một xã hội tri thức cần phát triển nhiều phương diện. Chỉ mỗi việc thu hút người tài cũng phải nghĩ tới tất cả các góc cạnh của vấn đề. Lương cao và điều kiện vật chất thôi chưa đủ. Môi trường làm việc tốt cũng là một điều kiện cần cho các khoa học gia. Thu hút người tài thôi cũng chưa đủ. Phải cần lo cải tổ giáo dục để nâng cao trí tuệ và chuyên ngành chuyên nghề của thế hệ trẻ để dần dần sẽ không phải tuyển người tài từ nước ngoài.

Nguyễn Huỳnh Mai

Tài liệu tham khảo:

1. http://fr.wikipedia.org/wiki/Strat%C3%A9gie_de_Lisbonne

2. http://fr.wikipedia.org/wiki/Roland_Viau

3. Viau R., La Motivation Dans la Création Scientifique - Những động cơ của sự sáng tạo khoa học, NXB Đại học Quebec, 2007.

4. http://rr0.org/time/1/9/9/5/Unabomber_Manifesto/motivationsscientifiques.html

5. http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/thien-tai,-nang-khieu-va-kha-nang-sang-tao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm