Thôi rồi... xe ơi!

(Dân trí) - Có nơi đâu như ở VN, người dân bao năm “căng hải” hoặc đạp xe mướt mải thì lại còn yên thân. Giờ chân được lên đời bằng xe máy, ôtô tưởng được sướng hơn chút thì hóa ra lại càng thậm khổ. Nay lo đóng phí, mai sốt vó vì phạt nọ, phạt kia…

Đi xe máy khổ đằng xe máy... (ảnh minh họa)
Đi xe máy khổ đằng xe máy... (ảnh minh họa)
 

Cấp báo bão “Hoang mang…”!
 

Bên Tây nghe nói một số người vẫn kiêng “thứ Sáu ngày 13” vì sợ đen đủi. Còn dân tình VN ta, không chỉ riêng dân Hà Nội đâu, có lẽ từ bây giờ sẽ khó mà quên được “thứ bảy ngày 10” này bởi với đại đa số dân thì quả là… đùng một cái bỗng thấy mình vi phạm.

 

Chắc hẳn là vậy rồi, vì ngay chúng tôi là những người làm báo mà còn “té ngửa” khi hay tin… không thể nào tin được này. Nữa là bao người dân khác tối ngày tất bật mưu sinh với phương tiện di chuyển chính là chiếc xe máy, được giải phóng phần nào cho đôi chân mà nói như trong một clip quảng cáo là lẽ ra phải được “Nâng niu bàn chân Việt”, thì tin trên quả là... chấn động!!!

 

Trong số hàng ngàn phản hồi được bạn đọc tới tấp gửi tới Dân trí sáng 10/11, chúng tôi chỉ có thể trích đưa lên Diễn đàn một số ít ý kiến đại diện. Rất mong được bạn đọc thông cảm vì… chính chúng tôi cũng đang quay cuồng cả trong dòng “thác lũ” của thông tin gây choáng váng, lẫn  phản ứng sôi sục như… sóng thần từ phía dư luận.

 

Lại một cơn bão mang tên ‘Hoang mang, Lo lắng’ cho những người tham gia giao thông rồi. Tôi là một người ở tỉnh khác không có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng lại mua xe ở HN. Vậy cho tôi hỏi thủ tục sang tên đổi chủ như thế nào nhỉ? Tôi phải mang xe về địa phương làm thủ tục hay làm thủ tục ở HN vậy? Nghị định này chỉ áp dụng thí điểm hay là rộng trên toàn quốc vậy? Hoang mang quá!” - Xuân Hợp: xuanhop2503@gmail.com

 

“Thật không thể nén nổi bức xúc! May mà hôm nay mình ở nhà đọc báo mới biết được cái quy định này. Đề nghị xem lại luật này vì áp dụng với 1 đất nước như VN hiện tại là không phù hợp. "Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định." -> Cái câu cuối cùng đọc xong khiến người ta chẳng muốn đi làm lại đăng ký nữa. Cái xe trị giá 5 triệu mà đi đăng ký lại mất 1 triệu - 5 triệu - 10 triệu thì chắc… vứt xe đi cho lành. Trong khi lương tháng của dân đến là "cao"....” - Nguyễn Thị Trang:  trangnt6190@gmail.com

 

“Đọc Nghị định 71 mà bất bình quá. Không hiểu các quan chức được dân bầu lên để làm việc vì dân hay “hành dân là chính”? Quy định nào cũng thế, nếu có ban hành ra cũng phải có thời gian để dân còn thực hiện và có hướng trước chứ. Đây ngày 09/11 thông báo ngày 10/11 phạt luôn. Choáng! không biết xoay sở thế nào đây. Tích cóp mua được cái xe cũ cũng đã qua mấy đời, giờ làm sao biết là qua những ai để còn xác minh. Quy định gì mà vô lý thế???” - Ngô Huế:  Hue1284@gmail.com....

 

Vô số câu hỏi chất vấn từ phía dư luận  người dân lại bật lên, mà trước hết là: Quy định đó có phù hợp với Hiến pháp không?

 

“Quyết định này vi phạm Hiến pháp về quyền sở hữu. Người sở hữu tài sản có quyền cho người khác mượn tài sản của mình mà không bị cản trở hay đánh thuế. Lâu nay đối với bất động sản (BĐS)  - là 1 tài sản rất lớn - đều áp dụng thông lệ này: Chủ BĐS cho người khác mượn (không phải cho thuê) thì có luật nào  đánh thuế hay phạt người sử dụng tài sản đâu? Sao bây giờ đòi phạt người đi mượn xe máy, ôtô thì quá vô lý!” - VPHP:  viphamhienphap@yahoo.com

 

Hai là trước khi ban hành ra một quy định mới động chạm tới rất nhiều người dân,  các cơ quan chức năng đã tham  khảo ý kiến quần chúng nhân dân chưa? Hơn nữa, một nghịch lý ai cũng có thể nhận thấy ngay là quy định mới phải chăng muốn gia tăng số lượng xe tham gia giao thông?

 

“Đề nghị các bộ ngành khi ra một quy định gì mới động chạm tới XH, rất cần tham khảo ý kiến của dân. Như thế mới dân chủ, công bằng, văn minh và hiện đại. Trước đây đã ra quy định một người chỉ được đứng tên một xe máy hay ôtô, nhưng quá vô lý  và đã phải bỏ quy định này. Nay lại nảy sinh ra quy định phải đi xe máy chính mình đứng tên, ai cũng thấy rõ ràng là không hợp lý. Giả sử nhà nghèo chỉ có duy nhất một chiếc xe để làm phương tiện đi lại và mưu sinh, lúc thì người này cần xe đi, lúc khác người kia cần xe đi… Vậy phải nhờ người đứng tên trên giấy tờ xe chở đi sao?

 

Hơn nữa, quy định này càng làm tăng phương tiện cá nhân, trong khi đang cần hạn chế phương tiện cá nhân. Hai vấn đề này đang mâu thuẫn nhau. Xin các vị đừng làm khổ thêm người dân chúng tôi nữa…. Các vị đừng vì quản lý không được mà có những quy định thiếu cơ sở khoa học như thế!” – Vũ Sơn:  vusonlinh2006@yahoo.com.vn

 

Ba là khi hoạch định chính sách, các nhà chuyên môn đã cân nhắc kỹ tính khả thi chưa. Nhất là khi đưa vào áp dụng trong tình hình hiện nay, chắc không chỉ từ phía người dân mà nhiều cơ quan, ban ngành khác cũng có thể nhận thấy: Vẫn lại lợi bất cập hại!

 

“Theo tôi đây là một tối kiến, vì quy định này chẳng những không góp phần giảm ùn tắc mà còn làm tăng số lượng xe (vì khó mượn xe mà). Lại càng gia tăng tiêu cực để “lách luật”, tốn rất nhiều tiền của nhân dân trong việc đi lại để tìm chủ cũ. Thậm chí có tìm được họ còn có thể bị chủ cũ vòi vĩnh gây khó khăn thêm. Chẳng hiểu các bác giới chức nghĩ gì nữa? Trong khi với các vụ tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn rất hình thức, không hiệu quả....Vậy mà các bác ấy lại lo thất thoát mấy đồng thuế nhỏ từ dân nghèo???” - Trần Minh Trung: mrtran1216@gmail.com...
 
... Đi ôtô cũng khốn khổ với ôtô!!! (ảnh minh họa)
... Đi ôtô cũng khốn khổ với ôtô!!! (ảnh minh họa)

 

Bỏ thì thương, vương thì tội

 

Bàn tiếp về cái Được và cái Mất, bạn đọc càng “bắt lỗi”, “nhặt sạn” được nhiều hơn trong cái mà nhiều người gọi là “mớ bòng bong quy định” hiện nay trong lĩnh vực giao thông. Phân tích của bạn đọc một mặt lẩy ra được những điểm mấu chốt của vấn đề, mặt khác cũng đưa ra ngay được những dẫn chứng khẳng định một điểm chung: Sự vô lý không có lẽ, hay nói cách khác vẫn là đẩy cái khó cho Dân.

 

“Việc này có mấy cái lợi dưới đây, nhưng người dân thì toàn bị thiệt:

 

1 - Ai chưa có xe chính chủ thì đừng có lấy, mượn của người khác mà ra ngoài đường điều khiển. Đông đúc gây tắc đường.

 

2 - Nếu có lấy, mượn ra đường để các anh (chức năng) phát hiện ra thì càng làm… tăng ngân sách (thu về cho) Nhà nước.

 

3 - Kích cầu cho ngành sản xuất và bán xe, vì trong gia đình ai chưa có xe thì phải chuẩn bị mà mua cho đủ (mỗi người 01 xe, thanh niên nào đến tuổi được đi xe thì bố mẹ phải lo mua xe ngay, chứ chẳng lẽ lớn rồi còn cứ chịu ngồi sau để bố mẹ chở nữa?)

 

Theo dự đoán thì tình hình kinh tế hiện còn khó khăn lắm, chắc ít ai mua xe mới đâu. Nên chỉ đành có xe thì đi, không có thì ngồi sau hoặc đi xe công cộng. ----> Vậy là giảm lưu lượng giao thông khá lớn đấy???” - Van tham gia giao thong:  kienquyet@gmail.com

 

Và cứ cho là làm vậy thật sự cần thiết đi, thì tại sao không có những động thái chuẩn bị phù hợp tạo điều kiện thuận lợi để dân không luôn bị đẩy vào thế bị động, bị buộc phải chấp nhận vì… “chạy trời sao cho khỏi nắng”?

 

“Tại sao mọi người lại bình luận nhiều thế nhỉ khi mình chỉ là người dân. Xin hỏi các ông CSGT có dám làm thủ tục sang tên đổi chủ với thủ tục nhanh gọn cho những xe không chính chủ đã lỡ mua đến 3,4 đời chủ với chi phí thấp không? Tại sao không học nước bạn Thái Lan: trước khi thi hành thì người ta khuyến khích người dân thay đổi miễn phí. Ra thông báo trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng, phát hành bằng văn bản miễn phí đến tay người dân để người dân biết mà chuẩn bị thi hành. Chúng tôi vẫn mong nhận được những quyết định hợp lòng dân, thay cho các quyết định quá vô lý thế này” - Nam Trần Văn:  namtv@yahoo.com

 

“Giải pháp trên nếu cần áp dụng thì chỉ nên đối với những chiếc xe đăng ký mới, hoặc thời gian đăng ký trên giấy tờ bắt đầu từ 1/11/2012. Như vậy sẽ bớt đi tiêu cực, lo lắng... đến người sử dụng phương tiện giao thông và các đối tượng khác. Hãy tặng 1 Like cho ý kiến hay nhé!” - Nguyễn Huy Thịnh:  nguyenhuythinh1986@gmail.com

 

Vì những lý do “lịch sử” để lại, kể cả về khách quan lẫn chủ quan, hiện tại tỉ lệ xe không có giấy tờ chính chủ được người dân ước tính là rất cao. Do vậy liệu lực lượng chức năng phải tuyển thêm bao nhiêu biên chế để kiểm tra và xử phạt cho xuể. Nếu không mà chỉ làm “tùy hứng” thì lại không công bằng và cũng không thể triệt để, rồi lại chỉ khổ người ngay (không lẽ lúc nào cũng kè kè hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn…chỉ để chứng minh mình có quan hệ với chủ nhân trên giấy tờ xe?), chứ kẻ gian lại vẫn… ung dung.

 

“Đúng là một quy đinh quá phi lý, đánh rắn giữa khúc. Lẽ ra ngay từ đầu khi cho lưu hành rộng rãi xe máy, ôtô cần  ban hành luôn. Chứ để đến bây giờ xe máy, ôtô đầy đường mới bắt đầu ban hành thì chẳng phải để ép dân sao? Nói hạn chế xe trong mỗi gia đình để bớt ách tắc giao thông, nhưng ban hành QĐ này thì người nào không có xe mà dù có giấy phép lái xe cũng không dám đi xe của người khác ra đường ư? Các vị ơi, xin hãy đứng ở vị trí của dân để ban hành QĐ. Đừng có đứng ở mãi đâu đâu mà nghĩ xa vời như vậy. Sao vẫn cứ kiểu làm việc: để cho tự phát triển trôi nổi mãi, rồi mới ban hành QĐ đi sau thời đại như thế?...Bất công quá!” - Lê Quyết:  haidaocodon2005@yahoo.com.vn

 

“Dạ thưa các bác! Trước đây đã có quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe, nhà em đông người nên đã phải cắn răng bỏ tiền ra mua xe + mua cả đăng kí tên người ở vùng khác. Chắc các bác biết đấy, hiện phải có đến 90% xe là không chính chủ. Vậy giờ em đi làm kiểu gì, ra đường chỉ cần nhìn thấy biển số là bị phạt ngay, các bác chức năng tinh lắm...” - Hoi Gi:  hoicaigi6688@gmail.com

 

 “Nghị định của Chính phủ đưa ra để quản lý, xử phạt trong thực tế. Nhưng thực tế thì đa phần các xe làm gì đăng ký chính chủ được chứ, vì quá trình mua bán nhiều lần trước đó gây khó khăn cho người sở hữu hiện tại khi người đăng ký chính chủ đó đã mất hoặc di chuyển chỗ ở nhiều lần, đi công tác nước ngoài, cư trú tại nước ngoài… Vậy thì hàng triệu xe đó của người dân sử dụng sẽ xử lý ra sao? Còn việc mượn xe của người thân để tham gia giao thông rất thường gặp với người dân Việt lại sẽ trái với quy định pháp luật. Vậy cứ thực hiện nghị định trên sẽ gây ra tâm lý bất an khi tham gia giao thông, xáo trộn trong cuộc sống người dân như thế nào?” - Thuật: thelight20032004@yahoo.com

 

“Tại sao nhà nước không giảm thuế sang tên khoảng 2%, thì theo tôi bất cứ người nào mua xe cũng muốn sang tên đổi chủ cả. Vì hiện nay thuế sang tên quá cao, cứ 10 lần mua bán thì bằng giá trị của xe. Thử hỏi ở VN mấy % người mua được xe mới? Mà nghèo mới mua xe cũ, thuế lại cao nên mọi người mới chây ỳ không chịu sang tên đổi chủ đó thôi” - N T Hải:  hai1974tva@yahoo.com.vn

 

Quá khổ sở vì xe! E rằng cứ đà này chẳng bao lâu nữa dân ta đành… gửi lời chào vĩnh biệt các thể loại xe mất thôi. Hay chọn cách khác như Chung Lê nothingcvn@yahoo.com ngao ngán: “Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng (có đúng địa chỉ không nhỉ?), chúng cháu chịu thua bác rồi!”

 

Hoặc cứ cố “còn nước còn tát” để góp chung tiếng nói cùng Bình Dân park_chon@yahoo.com:

 

“Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại quyết định này. Nếu thực thi thì người dân sẽ rất khó khăn trong vấn đề đi lại. Mọi người có quyền giúp đỡ, chia sẻ, dùng chung các phương tiện giao thông để nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt chi phí. Nếu thực thi quyết định này thì truyền thống giúp đỡ, tương thân tương ái của người dân Việt Nam sẽ thế nào??? Tại sao lại phải chính chủ? thế người dân không được phép thuê, mượn, cho sử dụng mà không sang tên sao? Đây rõ ràng là một quyết định không đúng với luật dân sự, không hợp với lòng dân, tận thu tiền của người dân, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của các phương tiện giao thông. Chắc chắn quyết định này sẽ gây bức xúc rất lớn trong quần chúng nhân dân. Rất mong các cơ quan chức năng hủy bỏ quyết định này!!!”.

 

Nhưng qua cái vụ làm lại chứng minh thư, liệu còn có thể hy vọng được chăng??? Quá khổ vì xe!!! Đúng là bỏ thì thương mà vương thì quá lắm tội tình...

 

Khánh Tùng