Thi THPT quốc gia: Gian lận thi cử sẽ trở nên tinh vi hơn

Trong các giải pháp chống gian lận thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mới chỉ chú trọng về giải pháp kĩ thuật.

Thi THPT quốc gia: Gian lận thi cử sẽ trở nên tinh vi hơn - 1
Cái gốc vẫn là con người

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra từ 24 đến 27.6 nhưng đến thời điểm này các vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang bị phanh phui  chưa thể giải quyết dứt điểm. 

Chuẩn bị cho kỳ thi mới, Bộ GDĐT đã công bố nhiều đổi mới kĩ thuật với mong muốn đảm bảo an toàn, trong sạch chống gian lận thi cử như mã hóa bài thi trắc nghiệm, “trộn” thí sinh tự do với các đối tượng dự thi khác, siết chặt thanh tra, kiểm tra, bảo quản đề thi, bài thi… Các chuyên gia giáo dục thẳng thắn chỉ ra còn những lỗ hổng Bộ GDĐT cần tiếp tục lấp đầy.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng: "Mọi giải pháp kĩ thuật hay công nghệ cuối cùng đều do con người làm ra. Dù quy chế có chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, yếu tố con người tham gia trong quá trình tổ chức, giám sát kỳ thi vẫn là quyết định".

Thi THPT quốc gia: Gian lận thi cử sẽ trở nên tinh vi hơn - 2
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: NV

Ông Vinh chỉ rõ: Khi đã có ý định gian lận thì những kẻ gian lận sẽ có đối sách với quy chế của Bộ. Vụ việc ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy vi phạm đã ở mức có tổ chức trên diện rộng thì việc lộ trước đề thi hay gian lận trong phòng thi sẽ có thể xảy ra và rất khó truy tìm chứng cứ. Vì thế, vẫn phải thận trọng giám sát từng khâu công việc và nên có nhiều bên giám sát.

Ghi nhận những nỗ lực cải tiến về mặt quy trình, kĩ thuật của Bộ GDĐT nhưng ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, người có công lớn trong việc lên tiếng về những bất thường trong kỳ thi 2018 vẫn lo ngại về 2 vấn đề lớn. 

Theo ông Tùng, yếu tố quan trọng nhất là con người thì Bộ GDĐT cũng chưa có giải pháp cụ thể. Hiện nay việc giải quyết gian lận ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chưa tới nơi tới chốn. Việc không công khai danh tính những đối tượng mua điểm sẽ không thể triệt tiêu sự gian lận.

Thi THPT quốc gia: Gian lận thi cử sẽ trở nên tinh vi hơn - 3
Cùng với đó, ông Tùng cho rằng gian lận trong phòng thi sẽ rất nguy hiểm khi không để lại dấu vết.

“Trước đó, tôi cũng đã có ý kiến đề nghị lắp camera nhưng trong kỳ thi này, Bộ GDĐT chưa làm được - đây là lỗ hổng lớn. Bởi thi trắc nghiệm, tiêu cực sẽ diễn ra trong thời gian nhanh, chỉ cần có đáp án có thể tô trong vòng 2-3 phút thôi. Trong khi giám thị chỉ có 2 người trong phòng, giám sát, công an 1 người phải lo vài phòng. Đặc biệt, nếu gian lận trong phòng thi hay đã có chủ ý từ trước thì không để lại dấu vết”, ông Tùng cho hay.

Có thể gian lận qua xét tuyển thẳng

Một hình thức gian lận khác có thể xảy ra mà ít được đề cập tới đó là gian lận qua xét tuyển thẳng. Hiện nay, ngoài quy định của Bộ GDĐT, nhiều trường đại học, cao đẳng đã mở rộng các đối tượng ưu tiên, đối tượng xét tuyển thẳng.

Trong đó, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.

Một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác thi, tuyển sinh của Bộ GDĐT cũng đề cập đến những "xì xào" về vấn đề gian lận để xét tuyển thẳng. Vị này cho biết: “Lâu nay, mọi người vẫn bàn tán, có nghi ngờ về kết quả thi học sinh giỏi, thi khoa học kĩ thuật, thi trường chuyên, lớp chọn. Hiện nay, nhiều trường ĐH tuyên bố tuyển thẳng những thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, tuyển học sinh học giỏi trường chuyên nên sẽ xuất hiện gian lận cả trong các kết quả này”.

Theo Huyên Nguyễn

Báo Lao động