Phiếm đàm

Thêm một góc nhìn về vụ nữ tử tù mang thai

(Dân trí) - Làm lãnh đạo thì quyền lợi nặng, nhưng trách nhiệm lại nhẹ như lông hồng, còn là nhân viên thì quyền rơm, nhưng vạ lại nặng trình trịch như đá.

>> Điều tra vụ nữ tử tù mang thai khi biệt giam

>> Chân dung nữ tử tù mua tinh trùng để mang thai trong trại giam


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Chuyện một nữ tử tù ở trại giam Quảng Ninh tìm cách mang thai thành công để thoát án tử hình đã làm xôn xao dư luận với nhiều điều khó hiểu.

Điều khó hiểu thứ nhất là nơi giam tử tù phải là nơi quản lý nghiêm ngặt nhất mà sao lại có thể có sự liên hệ được giữa các phạm nhân nam và nữ để nữ tử tù này bàn bạc xin tinh trùng của phạm nhân và hứa sẽ trả tiền nếu có thai.

Điều khó hiểu thứ hai là làm thế nào mà phạm nhân nam này những hai lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nylon kèm bơm tiêm và để đưa trót lọt cho nữ tử tù

Và điều khó hiểu thứ ba, cũng là điều khó hiểu nhất là theo đánh giá chuyên môn của bác sĩ sản khoa Lê Thị Phương (hiện đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh), việc thụ tinh thành công bằng cách bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung là trường hợp hết sức hiếm, vì trong môi trường âm đạo, tinh trùng có thể sống được 1-2 ngày, nhưng trong điều kiện thường, việc bảo quản chỉ được 2-24 tiếng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, tính chất môi trường...Hơn thế nữa, kể cả trong điều kiện môi trường thuận lợi, loại bỏ tinh trùng yếu và cho thụ thai bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung người phụ nữ thì tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 20%. Chưa tin, bèn điện thoại hỏi một vị giáo sư tiến sĩ sản khoa, nguyên là giám đốc Viện Bảo vệ bà mẹ trẻ em, ông ấy cũng nói tương tự như vậy.

Vì thế, đồng quan điểm vói bác sĩ sản khoa, Bạn đọc Nguyễn Văn Kha nanisa.vn@gmail.com ngạc nhiên: “Cho tinh trùng vào túi linon, chờ đi vệ sinh rồi tháo cùm bơm vào thụ thai. Sau bao nhiêu tiếng đồng hồ tinh trùng để ở ngoài vẫn thụ tinh được. Đúng là chuyện lạ!”

Bạn đọc Minh Quân cũng ngạc nhiên: “Bệnh viện thụ tinh nhân tạo còn chật vật, đằng này tự dùng xi lanh bơm tinh trùng vào mà chửa quả là rất giỏi.”

Bạn đọc Trung Hau ngộ ra: “Một phụ nữ có thai được hóa ra đơn giản vậy? Nếu dùng bơm tiêm mà có thai được thì sao phải cần đến khoa hoc nào là thụ tinh nhân tạo, nào là thụ tinh trong ống nghiệm làm gì cho rắc rối?...”

Còn bạn đọc Lê Nhật Minh lại hóm hỉnh hồi tưởng lại truyền thuyết dân gian: “Xưa chuyện dẫm vào vết chân lạ, uống nước suối về mang bầu còn có người tin, ngày nay ai chả hiểu đó là lý do bào chữa cho cái việc chửa hoang.”

Ấy vậy mà tử tù này lại vẫn có thai bằng cách kỳ lạ như vậy.

Thôi thì cứ coi như đó là một trường hợp hy hữu vì trên đời này không có cái gì là không thể xẩy ra. Nhưng tôi qua chuyện này lại có thêm được một góc nhìn về vụ nữ tủ tù mang thai nói trên. Ấy là tại sao thủ phạm giúp cho tử tù này có thai lại là một nam phạm nhân tuổi mới 27 với thân thế nhỏ nhoi, ngôi thứ thấp hèn trong trại, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, mà không phải là một phạm nhân cộm cán, một “đại ca” quyền thế ở trại mà nếu thành công thì phạm nhân cộm cán, hay “đại ca” quyền thế đó được nữ tử tù trả công 50 triệu ... hay thủ phạm là một ai khác?

Điều đó khiến tôi lại bất giác nhớ đến vụ chặt ào ào, chặt ngày chặt đêm ba ngàn cây xanh cổ thụ ở nội thành Hà Nội, gây sự bức xúc cho không chỉ dân Hà Nội mà còn khiến dân cả nước bất bình. Sau một thời gian điều tra, mới tá hỏa ra việc động trời như vậy mà thủ phạm chính lại chỉ là một nhân viên đang làm hợp đồng ở Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình. Thấy tội nặng, anh nhân viên hợp đồng này thành khẩn tự đề nghị được chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng thành phố rất nghiêm khắc với sai phạm trên, buộc anh ta phải thôi việc. Còn số cán bộ lãnh đạo và quản lý của Hà Nội có liên đới đến vụ này chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc và một người bị cách chức ở đơn vị này chuyển sang đơn vị khác tiếp tục làm việc.

Từ hai sự việc trên, tôi cứ nghĩ làm lãnh đạo thì quyền lợi nặng, nhưng trách nhiệm lại nhẹ như lông hồng, còn là nhân viên thì quyền rơm, nhưng vạ lại nặng trình trịch như đá.

Ai cãi tôi rằng đó chẳng qua là chuyện hy hữu ư? Thế các vị có nhớ chuyện cách đây mấy năm, ở một cơ quan nọ, đăng lên mạng một bài có nội dung sai phạm. Ai là thủ phạm của chuyện đó? Loanh quanh tìm mãi, cuối cùng hóa ra thủ phạm lại chính là cô đánh máy – tức là một nhân viên thấp cổ bé họng nhất cơ quan, đã đánh máy nhầm, còn người biên tập, người duyệt không có lỗi gì cả.

Cho nên, tôi động viên các con tôi cố gắng phấn đấu làm to, vì càng làm to thì trách nhiệm càng nhẹ, chứ là nhân viên quèn, quyền rơm vạ đá có ngày “chết tươi” đó.

Nguyễn Đoàn