Thế nào là “bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu”?

Liên quan đến Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ý kiến đóng góp của hai đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng và Phan Văn Quý được đặc biệt chú ý.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, quy định lương tối thiểu chưa đúng luật vì không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, như vậy là vô tình vi phạm Điều 92 của Dự thảo Bộ luật Lao động. Ông kiến nghị đưa việc bù lạm phát, trượt giá vào luật; đồng thời luật hóa việc thưởng mỗi năm một tháng lương cho người lao động. Đại biểu Phan Văn Quý chỉ ra rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu dựa trên chỉ số giá sinh hoạt năm trước và chỉ số giá sinh hoạt dự báo đã được Quốc hội phê duyệt, nhưng suốt 4 năm, mức lạm phát thực tế cao hơn mức được duyệt. Ông đề nghị đưa nội dung “bù lạm phát” vào Thương lượng tập thể thuộc Điều 72, mục 1, chương V của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), khắc phục độ trễ của việc điều chỉnh lương tối thiểu, xóa khoảng cách giữa lương danh nghĩa và lương thực tế.

 

Nhớ lại, mức lương tối thiểu trong chế độ tiền lương đầu tiên của nước ta năm 1960 là 27 đồng 30 xu. Tiền ăn ở nhà ăn tập thể là 16 đồng/tháng. Nếu tự nấu ăn thì không tới 10 đồng/người. Mỗi tháng, người nhận mức lương tối thiểu, có hơn 11 đồng chi tiêu cho gia đình.

 

Ngày nay, kinh tế nước ta vượt xa thời ấy, nhưng so ra mức lương tối thiểu lại không sống được. Quả là vấn đề rất cần được nghiêm túc xem xét!

 

Có một số hiện tượng nổi bật: Theo Viện Chiến lược, Bộ Tài chính, hệ số giữa mức lương tối thiểu với GDP bình quân có xu hướng giảm, từ 0,46 năm 2006 xuống 0,35 năm 2010. Như vậy, phát triển không song hành với an sinh, hạnh phúc. Theo Bộ Nội vụ, lương bình quân chung có xu hướng tăng lên so với mức lương tối thiểu, năm 2006 bằng 2,3 lần, năm 2010 bằng 3,68 lần. Như vậy, trái với tiêu chí “xã hội công bằng”. Theo Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐVN), đến nay, lương tối thiểu hầu như chỉ tính cho bữa ăn, không còn phần nuôi con và các chi phí khác. Theo Viện Tiền lương, Bộ Nội vụ, sau 8 lần điều chỉnh, lương tối thiểu hiện nay chỉ bằng 46,9% nhu cầu tối thiểu. Như vậy, tiền lương không gắn với phát triển nguồn lực lao động, không còn là yếu tố đảm bảo tái sản xuất sức lao động, một bộ phận đặc biệt của sản xuất xã hội.

 

“Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” (Nghị quyết Đại hội 11). Ở các nước phát triển, chính phủ không đứng ra đại diện cho NLĐ định mức lương mà để cho họ tự mặc cả (có thể thông qua đại diện là công đoàn) thỏa thuận với chủ DN mức tiền lương. Nhà nước chỉ đứng giữa, tạo cơ chế hỗ trợ cho cả hai phía. Nhà nước VN quy định mức lương tối thiểu là có ý muốn ngay từ đầu tạo ra lá chắn bảo vệ lợi ích cho NLĐ. Tuy nhiên, nếu cách làm cứng nhắc, không uyển chuyển kịp thời, thì lại hóa ra trói tay NLĐ trước mong muốn lợi nhuận tối đa của chủ DN. Tổ chức công đoàn hoàn toàn có khả năng nhận trách nhiệm giúp cho Nhà nước khắc phục tình trạng chậm trễ đó, kích thích tinh thần hăng say sáng tạo của NLĐ và giảm thiểu đình công.

 

Theo Tống Văn Công

Lao Động