Thế giới không “phẳng”, thế giới không “nhanh”! (Kỳ 2)

Bối cảnh phức tạp của thế giới trong mấy thập kỷ qua cho thấy, quyền được lựa chọn - một tiêu chí có ý nghĩa nhân văn, đang được diễn giải theo các nội dung khác nhau, và bối cảnh đó có căn nguyên từ khuynh hướng tư tưởng, mục tiêu chính trị - kinh tế, từ lợi ích mà mỗi quốc gia theo đuổi.

 


Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ngày càng trở nên trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và ngày càng trở nên trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Hệ quả là sự tồn tại của một thế giới đa trị, mà nổi lên là các xu hướng: hoặc vừa tự chủ, vừa học hỏi để không mất phương hướng giữa sự quay cuồng đầy hấp dẫn của toàn cầu hóa; hoặc vì lợi ích thiển cận mà tìm cách phóng chiếu, áp đặt giá trị riêng của quốc gia này lên quốc gia khác; hoặc tự đánh mất mình… Đó là căn nguyên đẩy thế giới vào những chuyển dịch kinh tế - chính trị - xã hội đa dạng nhưng không kém phức tạp. Vì thế, phải chăng trước khi hoàn tất Thế giới phẳng (The world is flat), Thomas L. Friedman đã không tiếp cận (hay không muốn tiếp cận?) sự đan xen của các tham vọng, các giá trị, các xu hướng tinh thần? Phải chăng sự khảo sát từ “giới hạn trong các sân golf, nhà hàng năm sao, xe Limousine” đã chi phối đến mức hầu như Thomas L. Friedman không xem xét một cách toàn diện, cập nhật mọi biến chuyển, tình trạng của thế giới để xử lý trong quan hệ vừa bất biến, vừa khả biến?

Đó là những câu hỏi cần trả lời, và Chuyên luận của tác giả Nguyễn Hòa đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân Điện tử được xem như một cách tiếp cận về một số vấn đề L. Friedman đã đặt ra, mong được bạn đọc tham khảo, trao đổi ý kiến.

Thế đấy, ngày nay khó có thể phủ nhận vai trò của internet khi làm nên một không gian mở trong tiếp xúc thông tin, truyền bá tri thức, gắn kết con người, song vai trò ấy to lớn đến mức nào thì vẫn phụ thuộc vào trình độ nắm bắt và xử lý thông tin, khả năng tiếp nhận, ứng dụng tri thức khai thác từ internet, năng lực sáng tạo các giá trị mới,... của người sử dụng. Đặc biệt là phụ thuộc vào vai trò định hướng của hệ thống giá trị văn hóa đã làm nên con người văn hóa, làm nên các giá trị văn hóa của cộng đồng mà người sử dụng internet là thành viên. Và về vấn đề này, cần quan tâm tới điều RFA đề cập ngày 31-3-2010: “Nước Úc là một quốc gia dân chủ tiến bộ có xã hội dân sự rất mạnh mẽ lại tuyên bố sắp sửa đặt ra một điều luật buộc các công ty cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt những trang mạng có tính cách đồi trụy, có tính cách khiêu dâm, có tính cách bạo hành hay khủng bố, để cho những phần tử trong gia đình, những phần tử trẻ, những người trong xã hội có thể không bị lây nhiễm bởi những tệ nạn xã hội đó”. Hay một bản tin trên RFI đã viết: “Theo Libération, sau khi dẹp xong các cuộc biểu tình của phe áo đỏ... Bộ Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Thái Lan đã cho đóng 210.000 trang web với lý do là những trang này có nội dung khiêu dâm đồi trụy. Các trang web thân với phe đối lập, thậm chí các trang báo mạng tự do cũng bị kiểm duyệt gắt gao. Chính phủ Thái Lan còn tấn công hệ thống thông tin đại chúng truyền thống. Hàng chục đài phát thanh phải ngừng hoạt động sau khi thông tin về các đợt tấn công đầy bạo lực của cảnh sát Thái Lan. Ngay cả kênh truyền hình People’s TV và tuần san Thai Red News cũng bị phạt”. Giải thích sự việc này, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nói: “Các kênh thông tin này bị đóng cửa do phạm tội kích động bạo lực”. Còn theo một bản tin trên tuoitreon: “Thông báo từ Chính phủ Singapore cho biết chính sách mới sẽ yêu cầu các website dạng trang tin điện tử đăng tải thông tin về những vấn đề liên quan đến Singapore phải được cấp phép thường niên, nhằm kiểm soát thông tin tự do trên internet. Chính sách cũng chỉ rõ cơ quan thẩm quyền có thể “áp dụng các hình phạt tài chính, đình chỉ hoạt động hay thu hồi giấy phép” đối với bất kỳ website nào không tuân thủ các điều khoản quy định. Phương tiện truyền thông phải chịu trách nhiệm về những gì họ công bố. Ngoài ra, MDA cho biết chính sách mới có thể mở rộng phạm vi đến các website cá nhân và website tin tức nước ngoài đăng tải tin tức về Singapore… Trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore Yaacob Ibrahim cho biết: “Các phương tiện truyền thông của chúng tôi là đối tượng hoạt động theo quy định. Vậy tại sao phương tiện truyền thông trực tuyến không là một phần trong khuôn khổ pháp lý?”. Bộ trưởng Yaacob Ibrahim nói tiếp: “Tôi không cho rằng điều này là một sự kiểm soát chặt chẽ. Nếu có bất kỳ điều gì, nó là công tác điều chỉnh những gì đang xảy ra trên internet, và đảm bảo rằng nó ngang bằng với phương tiện truyền thông của chúng tôi”.

Ngày 28-12-2010, VietNamNet đăng bài Thế giới đã mất gì trong kỷ nguyên internet?, trong đó có đoạn: “Tuy nhiên, theo tạp chí Newsweek, trong thế giới hiện tại, khi mà sự kết nối hiển hiện ở mọi nơi, thì một vài giá trị truyền thống hoặc một số thứ đơn giản từ lâu không còn được chúng ta lưu tâm”. Theo bài báo, một trong các giá trị truyền thống đó là: “Phép lịch sự: Trong số các tiện ích có trên internet, thì sự ẩn danh trên mạng có lẽ là một trong các vấn đề đi ngược với phép lịch thiệp của xã hội. Những người ẩn danh trên Internet, từ kẻ thích đả kích cay độc trong phần bình luận cuối bài cho tới các blogger phát tán ảnh chụp người nổi tiếng trong tư thế không mấy đẹp đẽ để làm trò vui, đã từ bỏ cái mà biên tập viên Matthew Moore của tờ Telegraph gọi là “nghệ thuật phản đối lịch sự”...”. Cũng cần nhắc tới sự kiện Quốc hội Mỹ, dù có được sự ủng hộ của Hiệp hội điện ảnh, Hiệp hội công nghệ ghi âm, Phòng thương mại của Hoa Kỳ, Liên minh phần mềm doanh nghiệp, các doanh nghiệp phát triển phần mềm như Microsoft, Apple, Adobe,... đã tạm thời ngừng biểu quyết thông qua Dự luật SOPA (Dự luật chống vi phạm bản quyền) cho tới khi nhận được sự nhất trí rộng rãi. Coi SOPA là Dự luật có thể “giết chết internet”, các công ty lớn như Google, AOL, Wikipedia, WordPress, Mozilla, eBAy, Reddit, Facebook, Google, LinkedIn, Yahoo, Twitter, Zynga đã lên tiếng phản đối trên các tờ báo lớn ở Hoa Kỳ như New York Times, Washington Post, Washington Times và Wall Street Journal... Cùng với một số nội dung bị phản đối, lại có người cho rằng: “SOPA là một vũ khí lợi hại của nhà cầm quyền Mỹ. Khi mà những người nắm giữ bản quyền nội dung không thể lôi những website nước ngoài đến tận tòa án Mỹ thì SOPA giúp họ “xóa sổ” website đó trên internet, ngăn các truy cập cũng như cấm cửa nhiều đường làm ăn họ”. Từ sự xuất hiện của SOPA, có thể thấy: Hiện tượng xâm phạm bản quyền trên internet đã tới lúc không thể chấp nhận? Chính phủ Hoa Kỳ muốn nhân sự tình trạng này triển khai biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất (trong chừng mực nào đó, có thể coi đây là một biện pháp bảo vệ an ninh trên internet?).

Như vậy, trong thế giới hiện đại, tính chất phức tạp của việc sử dụng internet có thể đẩy tới sự giảm thiểu tính văn hóa của nhiều ứng xử, được sử dụng để bảo vệ hoặc tấn công, thậm chí có thể đẩy tới xung đột quan niệm và lợi ích, nên không ngẫu nhiên có người lo ngại về “khả năng sát thương về kinh tế, sát thương về văn hóa”, lo ngại nguy cơ “đe dọa cân bằng về chính trị, văn hóa” từ internet. Do vậy, dù biện hộ thế nào cũng khó có thể phủ nhận một điều là ngay lúc này đây, mọi sự trên internet đâu có “phẳng”. Đó là chưa nói tới sự cạnh tranh quyết liệt trong khai thác lợi nhuận từ internet giữa Microsoft và Google, Yahoo - trận chiến ở đó hàng tỷ USD chỉ là con số nhỏ nhoi. Chưa nói tới tình trạng internet trở thành phương tiện lừa đảo, ăn cắp thông tin, ăn cắp tiền tệ… Như ngày 1-10-2010, VOA cho biết: “Nhà chức trách thành phố New York truy tố 37 người liên quan tới một vụ phạm tội xuyên quốc gia qua internet, rút gần 900.000 đô la ra khỏi các tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ... Những tên tội phạm thời hiện đại này sử dụng Zeus, một phần mềm tiên tiến để thâu thập thông tin của các ngân hàng tư bằng cách theo dõi các nạn nhân khi họ sử dụng máy tính. Từ đó chúng sắp đặt nhiều vụ chuyển tiền về tay chúng”, và “các giới chức Anh đã bắt giữ 20 người có liên quan tới một vụ ăn cắp ngân hàng 6 triệu euro qua internet. Các thủ phạm này cũng gốc Đông Âu, cũng sử dụng cùng một chương trình Zeus như những người bị bắt tại New York”. Theo tổng hợp của tác giả San Dy trên báo Thời Nay: “Ngày 23-4, tài khoản Twitter của hãng thông tấn AP đăng thông tin cho biết đã xảy ra hai vụ nổ bom tại Nhà trắng khiến Tổng thống Obama bị thương. Vào thời điểm đó, tài khoản này đã có hàng nghìn lượt theo dõi nên thông tin trên nhanh chóng lan rộng và khiến cả nước Mỹ hoang mang. Ngay sau đó, người phát ngôn Nhà trắng - Jay Carney, xuất hiện trong một cuộc họp báo và cho biết tổng thống vẫn an toàn. AP thông báo tài khoản của họ đã bị lấy cắp đồng thời tạm dừng hoạt động tài khoản Twitter. Những thông tin trên lập tức khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo. Trong vòng ba phút, chỉ số Dow Jones mất 130 điểm, chỉ số Standard & Poor’s 500 mất 145 điểm. Cùng lúc, cổ phiếu của những công ty lớn như Microsoft, Exxon Mobil, Apple, Johnson & Johnson,… đều giảm 1%. Sau vài phút, thiệt hại ước tính lên tới con số 136,5 tỷ USD. Sau đó, Cục Điều tra LB Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra tìm thủ phạm. Và nhóm tin tặc Syria có tên “Syrian Electronic Army” lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tung tin đồn. Nhóm tin tặc này từng thực hiện các vụ tiến công vào tài khoản Twitter của các hãng truyền thông như National Public Radio (NPR), BBC, Reuters, CBS. Năm 2013, chính nhóm này đã đăng thông tin đảo chính và nổ tại Qatar trên tài khoản Twitter và Facebook của kênh Al Arabiya”.

Cũng về vấn đề này, một bản tin trên baodientu.chinhphu.vn ngày 5-11-2010 cho hay: “Toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU cùng Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ tham gia cuộc diễn tập “phản kích một cuộc tấn công giả định của tin tặc trên các dịch vụ mạng internet quan trọng” vào ngày 4-11-2010. Cuộc diễn tập mô phỏng tình trạng kết nối internet kém dần lan từ nước này sang nước khác và trong kịch bản tồi tệ nhất có tình huống mọi kết nối giữa các quốc gia đều thất bại... Các quốc gia tham gia cuộc diễn tập sẽ phải phối hợp để ngăn chặn “tình huống sụp đổ hoàn toàn hệ thống” được giả định. Ủy ban châu Âu cho biết sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm nữa với những tình huống phức tạp hơn trên quy mô toàn cầu”. Hẳn là vì thế, ngày 31.5.2013, trả lời các nhà báo trên chuyến máy bay tới Singapore dự Đối thoại an ninh Shangri-La, ông C. Hagel - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng các cuộc tấn công mạng là “sự đe dọa một cách âm thầm, lén lút, và xảo quyệt đối với nước Mỹ cũng như các nước khác… Mối đe dọa an ninh trên mạng là có thực, cực kỳ nguy hiểm… Những cuộc xung đột trên mạng có thể dẫn tới hậu quả âm ỉ, lặng lẽ nhưng rất nguy hiểm, từ việc đánh sập lưới điện tới phá hoại hệ thống tài chính, hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ. Đây không phải là mối đe dọa đối với riêng Hoa Kỳ, mà còn ảnh hưởng tới tất cả những nước khác”. Và tại Hội nghị toàn cầu về virus máy tính (AVAR 2010) tổ chức tại Bali - Indonesia, R. J. Zwienenberg - Giám đốc điều hành AVAR 2010, Giám đốc nghiên cứu bảo mật Norman, đã nói: “Hiện tại có những quốc gia có thể chi vài trăm triệu USD cho một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại, hoặc hàng tỷ USD cho các vệ tinh viễn thông và do thám, song vẫn chưa tính đến đất nước họ có thể bị hạ gục dễ dàng bởi các nhóm tin tặc. Sự phát triển của tội phạm mạng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết cả về quy mô, tính chuyên nghiệp, trình độ kỹ thuật, tiềm lực tài chính. Thách thức lớn nhất đặt ra hiện nay đối với các chuyên gia an ninh mạng, là nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ người dùng một cách hiệu quả nhất”.

2. Các vấn đề không liên quan internet, song góp phần định tính thế giới

Cùng với những hay - dở, tích cực - tiêu cực từ internet, những chuyển dịch trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 làm nảy sinh vô số sự kiện nằm ngoài quan niệm truyền thống. Một tổng thống da màu đầu tiên nhậm chức ở Hoa Kỳ. Người theo UDD tưới máu, theo đúng nghĩa đen của hành động này, trước Tòa nhà chính phủ ở thủ đô Thailand. Rồi ông M. Zelaya ở Honduras không còn đường về với ghế tổng thống. Một tổng thống Gaddafi bị bắt giữ và hành quyết. Một cựu tổng thống Mubarak phải nằm trên cáng cứu thương đến tòa án và đứng trước án tử hình. Một Iran luôn đứng trước sự đe dọa từ bên ngoài mà nguyên nhân là do một số quốc gia không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, còn nguyên nhân sâu xa thì không có gì khác, ngoài dầu lửa. Rồi một Giáo hoàng đứng trước sự chỉ trích gay gắt, thậm chí như gây sức ép phải từ chức vì vụ bê bối ấu dâm của một số tu sĩ thuộc Giáo hội Thiên chúa La Mã - điều chưa từng xảy ra với Vatican sau hơn 500 năm. Gần hơn, dù các nghi thức cổ truyền, cách thức bầu chọn nghiêm ngặt vẫn được thực hiện, thì ngày 13.3.2013 khi vệt khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine ở Vatican báo hiệu Hồng y J.M. Bergoglio người Argentina được chọn làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo với tên gọi là Giáo hoàng Francis I, và lần đầu tiên Giáo hội công giáo đã có một Giáo hoàng đến từ Mỹ Latin. So với lịch sử của Giáo hội công giáo, đó có phải là một sự kiện bình thường?

Một thế giới “không phẳng” còn thể hiện qua thái độ, hành động khác nhau của các quốc gia trước biến đổi khí hậu, dẫu sự nguy hiểm không loại trừ quốc gia nào. Trong diễn văn đọc tại Học viện Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ vào tháng 5.2015, Tổng thống Obama nhận định biến đổi khí hậu có thể gây ra “nguy cơ tức thời” đối với an ninh quốc gia. Và ông nói: “Tôi khẳng định biến đổi khí hậu là mối họa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu và cũng là nguy cơ tức thời đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Các bạn nên nhớ rằng biến đổi khí hậu sẽ tác động tới cách thức quân đội bảo vệ lãnh thổ. Vì thế chúng ta phải hành động ngay lập tức”. Trước bối cảnh đó, những cuộc đàm phán do LHQ chủ trì nhằm đạt tới sự đồng thuận về văn bản thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012, đặt tiêu chí ràng buộc về nghĩa vụ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vẫn chưa có kết quả khả quan. Theo RFI, tới ngày 31.3.2010, trong 194 quốc gia thành viên Hội nghị khung về biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC) chỉ có 110 quốc gia tuyên bố ủng hộ Hiệp ước Copenhagen, trong đó có 75 nước đưa ra cam kết cụ thể về mức độ, thời điểm. Vì thế, ông Yvo de Boer - Thư ký UNFCCC, cho rằng con số ấy “không đủ để hạn chế sự hâm nóng trái đất, tức là kìm chế, không để cho nhiệt độ trên trái đất tăng quá 2°C”. Bất đồng chưa được điều hòa tiếp tục được thể hiện tại Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Cancun - Mexico. Lời kêu gọi Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính “hãy dẹp qua một bên những khác biệt quan điểm, cam kết đi đến một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý” đâu dễ được lắng nghe. Đòi hỏi phải hành động dứt khoát nhằm giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, trong nỗ lực giảm thiểu tác động của hiện tượng tăng nhiệt địa cầu có thể đưa tới một thỏa thuận, nhưng kết quả như thế nào vẫn phải được kiểm chứng. Như ông J. Pershing - đứng đầu phái đoàn về biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ tại Hội nghị Cancun, nói: “bất cứ thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu nào cũng phải có khả năng được kiểm chứng bởi tất cả các quốc gia liên hệ... Điều hết sức quan trọng là phải có sự hiểu biết rõ rệt về những gì mà các nước phải thi hành, họ đang tiến về đâu. Làm sao biết được điều đó, làm sao gây dựng niềm tin vào tiến trình này của một quốc gia trước hành động của các nước khác”.

Trong điều kiện loài người chưa tìm ra nguồn năng lượng thay thế, thì nhiên liệu hóa thạch vẫn giữ vai trò chủ lực, như Tin tham khảo thế giới cho biết: “Mới đây, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tuyên bố rằng dù thế giới có thực thi những chính sách kinh tế tốt đẹp nhất, thì việc sử dụng nguyên liệu có gốc cacbon vẫn tiếp tục tăng... Bất chấp những phát minh mới về ô tô chạy điện hoặc các nguyên liệu có thể tái chế khác, xăng và dầu điêzen dường như tiếp tục là nguyên liệu chủ yếu cho các loại xe ô tô trong các thập niên tới…” (Thông tấn xã Việt Nam, 7-12-2010). Do còn có tranh cãi, nên Hội nghị Cancun không đạt được thỏa thuận toàn diện có tính pháp lý, chỉ đi tới một thỏa hiệp “là nền tảng mà trên cơ sở đó một thỏa thuận toàn diện có thể được xây dựng”, “vẫn để ngỏ câu hỏi liệu các biện pháp nào, bao gồm việc cắt giảm khí thải, sẽ có tính ràng buộc về pháp lý” (BBC, 11-12-2010). Tức là một số nguyên nhân cơ bản của biến đổi khí hậu vẫn hiện hữu. Và theo đại diện của Greenpeace thì: “Cancun có thể cứu vãn được tiến trình nhưng vẫn chưa cứu được vấn đề khí hậu”. Và ngày 15-12-2010, VOA đưa cái tin khôi hài là: “Một nhật báo ở Anh ước tính lượng khí thải carbon của hội nghị hai tuần ở Cancun là 25 nghìn tấn, nhiều hơn lượng khí thải trong hai tuần của một số quốc gia Phi châu”!. Hơn một năm sau, tháng 12.2011, tại Hội nghị lần thứ 17 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 17) tại Durban - Nam Phi, vấn đề vẫn chưa biến chuyển. Hội nghị “vẫn không thể đi tới một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý đầy đủ, mạnh mẽ, công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu... Sự hậu thuẫn của 120/194 nước vào phút chót đã cứu hội nghị Durban trước “một bàn thua trông thấy”, nhưng thực chất đây cũng chỉ là một cam kết chính trị yếu ớt, thể hiện đúng bản chất phức tạp của vấn đề và là kết quả tất yếu của việc các nước đặt lợi ích kinh tế cao hơn ý chí chính trị. “Thành quả hiếm hoi” sau “đêm trắng” cuối cùng của hội nghị là nhất trí về lộ trình thương thảo cho cam kết mới... COP 17 là một trong các hội nghị nóng bỏng, gay cấn nhất trong lịch sử các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu toàn cầu.... Sự gay cấn thể hiện rõ ngay từ ngày đầu, kéo dài suốt tiến trình thảo luận 14 ngày của hội nghị khi sự bất đồng quan điểm không chỉ thể hiện giữa hai nhóm nước phát triển, đang phát triển, mà trong chính nội bộ của hai nhóm nước này” (vietnamplus). Tuy nhiên theo bản tin Đô thị thế giới “thành chiến địa” trên BBC ngày 29-3-2011 thì: “Bản đánh giá của cơ quan UN-Habitat trực thuộc LHQ nói rằng các thành phố trên thế giới chịu trách nhiệm khoảng 70% khí thải trong lúc chỉ chiếm có 2% đất đai trên quả địa cầu… Các tác giả bản đánh giá cảnh báo sẽ có “một tình trạng đối đầu chết người giữa biến đổi khí hậu và đô thị hóa” nếu không có hành động nào được áp dụng… Joan Clos, Giám đốc điều hành của UN-Habitat, cho rằng tình trạng đô thị hóa toàn cầu thật đáng lo ngại nếu xét từ mức độ cắt giảm khí thải. Ông cho BBC News biết: “Chúng ta đang chứng kiến cảnh các đô thị càng ngày càng lớn và nay chúng ta bước qua ngưỡng 50% của tổng dân số trên quả địa cầu hiện sống tại các vùng đô thị”, “Hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy đà này sẽ giảm bớt, chúng ta biết đô thị hóa đồng nghĩa với mức tiêu thụ năng lượng càng ngày càng nhiều. Theo số liệu của LHQ, ước lượng 59% dân số trên thế giới sẽ sống tại các đô thị trước năm 2030… Bản đánh giá ghi nhận trong lúc các đô thị lớn góp phần tạo ra biến đổi khí hậu thì các thành phố nhỏ hơn phải gánh chịu hậu quả. Các tác giả của bản đánh giá cũng nói rằng đi kèm theo các rủi ro vật chất do biến đổi khí hậu gây ra, một số đô thị sẽ bị khó khăn hơn trong việc cung cấp những dịch vụ căn bản. “Các biến đổi này sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp nước dùng, tới hạ tầng cơ sở, chuyên chở, hệ thống sinh thái của hàng hóa và dịch vụ, cung cấp năng lượng và sản xuất công nghiệp”, “Các nền kinh tế địa phương sẽ bị gián đoạn và người dân sẽ bị tước đoạt của cải cũng như đàn gia súc”.

Vậy rồi đây, điều gì sẽ xảy ra nếu những quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển vẫn dùng dằng, hoặc hứa một đằng làm một nẻo, trong khi lẽ ra mọi quốc gia phải cố gắng phối hợp để hạn chế quá trình biến đổi khí hậu? Bởi, sau khi kết thúc các cuộc đàm phán của UNFCCC thì cam kết khí hậu mang tính giải pháp xem ra vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Như tại Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP 19) do LHQ tổ chức ở Warsaw, các nước chỉ cam kết hướng tới một thỏa thuận khí hậu chung vào năm 2015, gồm các thỏa thuận sẽ cắt giảm phát thải từ mất rừng. Hy vọng vẫn còn ở phía trước khi gần đây tại COP 20 tổ chức cuối năm 2014 ở Lima - Peru, sau hai tuần làm việc đã “thông qua một thỏa thuận khung tối thiểu về chống biến đổi khí hậu và để lại những vấn đề hóc búa cho hội nghị kế tiếp. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một tín hiệu tích cực cho việc đạt được một dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ được thảo luận, và thông qua tại COP 21 ở Thủ đô Paris của Pháp vào tháng 12-2015” (Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao kết quả hội nghị COP 20, vietnamplus - 15-12-2014). Tuy nhiên, đến COP 21, thì tình hình liệu có khả quan hơn nếu đọc bản tin Tổng thống Pháp: COP 21 có thể thất bại, nếu không góp đủ 100 tỷ đô la đăng trên RFI ngày 25.8.2015 viết: “Hôm nay 25.08.2015, trong cuộc gặp mặt thường niên với giới ngoại giao Pháp, Tổng thống François Hollande có bài diễn văn quan trọng, khẳng định một số trọng tâm trong chính sách quốc tế của Paris. Thỏa thuận về khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 12.2015 là chủ đề hàng đầu. Tổng thống Pháp hoan nghênh 56 quốc gia, chịu trách nhiệm hơn 60% lượng khí thải toàn cầu, đã công bố phần đóng góp dự kiến, để chuẩn bị cho COP 21… Cùng với Tổng thống Pháp, ông Ban Ki-moon ca ngợi “những bước tiến” đã đạt được, nhưng cho rằng “còn nhiều điều phải làm”. Tổng thống Hollande cảnh báo, thỏa thuận về khí hậu sẽ không thể đạt được, nếu các nước công nghiệp không góp được 100 tỷ đô la dự kiến hàng năm, để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi mô hình năng lượng. Số tiền đóng góp nói trên là một trong những cam kết quan trọng, được đưa ra tại Thượng đỉnh COP 15 tại Copenhagen”?

Khó có thể phủ nhận về thực chất, chúng ta đã và đang sống trong một thế giới “không phẳng”. Chỉ sau vài chục năm, một số quốc gia vốn bị coi là chậm phát triển, nay đã và đang tồn tại trên bản đồ kinh tế - chính trị thế giới trong một tư thế khác. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... Và, trong khi một số quốc gia “mạnh về gạo, bạo về tiền” một mặt đậy điệm kỹ lưỡng mỏ dầu, mỏ khoáng sản của mình, một mặt đeo chiếc “hầu bao” khổng lồ đi mua dầu thô, khoáng sản thô hay đã qua sơ chế ở quốc gia khác; thì lại có một số quốc gia cố gắng đào bới tài nguyên càng nhiều càng tốt, chỉ để hổn hển chạy đua với những “chỉ số kinh tế có dấu hiệu bong bóng” rồi kiêu hãnh về mức sống của thế hệ mình mà không ý thức rằng, mức sống ấy là hệ quả của kiểu phát triển xã hội theo lối “ăn xổi”, để quên rằng, đó là tài sản phải để dành cho cháu con. Chúng ta đang sống trong một thế giới “không phẳng”, vì nhìn trên toàn cảnh nhân loại, khoảng cách giàu nghèo không những chưa được thu hẹp mà còn có quá nhiều dấu hiệu chứng tỏ khoảng cách ngày càng nới rộng, người giàu ngày càng giàu hơn và người nghèo ngày càng nghèo hơn. Dù thế nào thì toàn cầu hóa vẫn chưa tạo ra được sự cân đối nhất định về chất lượng sống cũng như mức sống giữa các dân tộc, giữa các quốc gia. Vào dịp cuối năm, người ta tưng bừng công bố danh sách người giàu nhất thế giới với tài sản quy đổi thành USD là con số có tới chín chữ số, thì dường như chẳng mấy ai quan tâm tới vô vàn người lao động trên khắp năm châu vẫn sung sướng và hồ hởi với thu nhập 1-2 USD một ngày, chỉ vì đã được thỏa mãn một chân lý sinh tồn đơn giản: “May mà còn có việc làm, chứ không bị thất nghiệp!”.

(Còn nữa)

Nguyễn Hòa

(theo báo Nhân dân điện tử)