Bạn đọc viết:

Thầy ở nơi này nhớ trò xa…

(Dân trí) - Suốt mấy ngày qua đọc lại thông tin về vụ tai nạn cướp đi cuộc sống của 7 học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương khi các em đi tham quan dã ngoại ở Cần Giờ, tôi lại rơm rớm nước mắt xót xa cảnh “ tre khóc măng”...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tình cha, nghĩa mẹ rất thiêng liêng và cao cả. Vì thương con nên cha mẹ cho các em đi tham quan sau học kỳ 1, xem đó như một món quà dành cho con chứ đâu thể ngờ đó là món quà cuối cùng mà các em đón nhận từ cha mẹ. Chỉ vì một phút ham chơi, thích nô đùa, bơi ra xa vào vùng nguy hiểm mà các em đã bị sóng biển cuốn trôi, để lại nỗi đau thương và tiếc nuối vô hạn cho người thân và cả cộng đồng xã hội.

 

Không gì có thể bù đắp nổi mất mát quá to lớn khi những người cha, người mẹ bị mất đi đứa con yêu… Từ nay cha mẹ các em sẽ không còn tìm lại được những giây phút trông con đi học về, hay xúc động bồi hồi và tràn ngập hạnh phúc khi thấy con ôm phần thưởng về khoe vì thành tích học giỏi, chăm ngoan. Tất cả rồi đây chỉ còn là kỷ niệm…

 

Cha mẹ em Nguyễn Hoàng Long vì quá thương con mà bán đi 1 chỉ vàng để có tiền cho con đi chơi. Sáng sớm hôm ấy mới 2 giờ 30 cha của Long đã dậy sớm để nấu mì và chuẩn bị hành trang cho Long. Anh Tâm (cha của Long) cũng thường xuyên điện thoại cho Long. Trước khi bị nạn khoảng 1 giờ, Long còn điện về  báo là em đã mua quà cho đứa em trai tên Giang... Có lẽ suốt đời này anh Tâm không bao giờ quên câu nói cuối cùng của Long: “Cha đừng gọi điện cho con nữa, con sắp xuống biển tắm rồi”…

 

Hai bạn nữa là học sinh lớp 8A6 cũng ra đi mãi mãi trong chuyến tham quan này là em Nguyễn Phan Thành Lâm và em Lê Công Hậu.  Điều đáng nói là cả 7 em học sinh tử nạn đều là học sinh khá giỏi của trường. Đặc biệt em Nguyễn Phan Thành Lâm là lớp trưởng gương mẫu của lớp 8A6. Em vừa nhận phần thưởng với thành tích học sinh giỏi trong học kỳ 1. Gói quà chưa kịp mở thì em đã ra đi vĩnh viễn.

 

Còn em Lê Trường Duy học sinh lớp 9 thì dự định khi tham quan về sẽ mua quà tặng cho cha mẹ. Nhưng mãi mãi cha mẹ em sẽ không thể nhận quà từ đứa con hiếu thảo…Tôi chỉ đọc báo nhưng vẫn như nghe rõ những tiếng kêu xé lòng của cha mẹ các em….

 

Tôi là thầy giáo và tôi cũng có một đứa con trai đang học lớp 8 nên rất hiểu nỗi khổ đau của cha mẹ, của thầy cô khi chứng kiến cảnh các em mất đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tôi đã tham gia viết báo từ nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ tôi vừa viết mà ứa nước mắt, con tim nhói đau như lần này.

 

Trước đây ở trường tôi dạy (trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cũng đã xảy ra một tai nạn đuối nước thương tâm. Em Trần Quốc Dinh, học sinh lớp 7/1, sau khi dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 em cùng mấy bạn ra ao tắm. Vì bơi không rành nên em  bị đuối nước. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh cha mẹ em nói qua dòng nước mắt khi kể lại những kỷ niệm về đứa con trai duy nhất trong gia đình… Sau khi em Dinh mất tôi vẫn không thể nào xóa tên em trong sổ điểm - một việc tôi đã từng làm khi có học sinh nghỉ học, bởi tôi sợ phải cầm cây viết xóa tên em trong sổ điểm sẽ quá đau lòng dù hiểu rằng từ nay tôi thật sự mất một học trò ngoan hiền…

 

Một mùa xuân mới sắp về trên khắp mọi miền  đất nước... Nếu tôi có được một điều ước (thành sự thật) thì tôi sẽ ước sao cho không còn những cái chết thương tâm, nhất là với các em học sinh.

 

Các em: Võ Tấn Tài, Lê Công Hậu, Nguyễn Hoàng Long, Nguyễn Phan Thành Lâm, Võ Thành Luân, Đoàn Minh Tâm, Lê Trường Duy ơi! Tôi chưa hề dạy các em một ngày nào nhưng tôi cũng rất đau đớn như mất đi những học trò yêu quý của chính mình. Lại nghĩ, nếu như tôi sống ở Bình Dương thì biết đâu các em đã là học trò của tôi.

 

Thầy cũng chỉ đành biết mong sao bài viết này sẽ được chọn đăng thay cho nén hương thầy thắp tưởng niệm các trò ở nơi rất xa ấy…

 

Nguyễn Thanh Dũng

(Giáo viên Trường THCS Phước Lý, Cần Giuộc, Long An)