Thấy gì từ vụ án thẩm phán sử dụng “luật rừng”

Với vụ án “bắt cóc” trẻ, dư luận không chỉ bức xúc bởi những người am hiểu pháp luật như ông Nguyễn Hải Nam, ông Lâm Hoàng Tùng sử dụng “luật rừng”, mà còn thực sự lo ngại, vì sao không ít người dân phải nhờ đến băng nhóm “xã hội đen” để phân xử?

Thấy gì từ vụ án thẩm phán sử dụng “luật rừng” - 1

 Hiện trưởng ngôi nhà bị một nhóm người, trong đó có ông Nguyễn Hải Nam (Phó Chánh án TAND quận 4) chiếm giữ trái phép.

Thực chất, ngay từ đầu, dư luận đã biết, đây chẳng phải là vụ bắt cóc, mà thực chất là vụ việc tranh chấp nhà cửa giữa hai gia đình, nhưng dư luận vẫn bức xúc bởi lẽ Phó Chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam cùng giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM Lâm Hoàng Tùng có hành vi sử dụng “luật rừng” khiến bị tố “bắt cóc” trẻ em. Vậy, vụ án này cho thấy điều gì?

Trước hết, cách giải quyết của các cơ quan chức năng ở TP HCM trong vụ việc này được dư luận hoàn toàn ủng hộ: Nhanh chóng khởi tố vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác” tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Hải Nam; trục xuất những đối tượng chiếm nhà trái pháp luật ra khỏi căn nhà tranh chấp đó. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra triệu tập tất cả  những đối tượng tham gia vụ án, kể  cả Phó Chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hữu Nam để điều tra.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi không đề cập những tội danh mà thẩm phán Nam có thể phải hứng chịu, hay bàn luận ai đúng, ai sai, bởi những vụ án dân sự như thế này không đơn giản. Nhưng những ai từng dính đến những vụ án dân sự kiểu này, đều hiểu nó dài lê thê, phiền phức như thế nào, với  những chuyện cười ra nước mắt về những đòi hỏi vô lý không thể hình dung nổi của thẩm phán. Tự nhiên chúng tôi lại nhớ đến câu nói rất nổi tiếng của cố Chánh án TANDTC Phạm Hồng Dương, bởi ông nói rất thật tại diễn đàn Quốc hội: Với luật hiện hành, “vụ án dân sự xử thế nào cũng được”. Nhắc đến câu nói này để thấy vì sao không ít người bây giờ thích nhờ đến “dân xã hội” nói chuyện phải trái với nhau. Gần đây nhất, vụ băng nhóm xã hội đen (XHĐ) ném chất bẩn vào quán phở Hòa ở TP HCM để đòi nợ, dù chủ quán phở chỉ là anh em với con nợ. Hoặc như vụ Năm Cam và những vị trong ngành công an bảo kê đã bị xử lý nghiêm, nhưng dấu hiệu bảo kê nhà hàng, vũ trường, đòi nợ thuê vẫn tiếp diễn. Ngay như ở chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) nếu không có “luật rừng”, liệu băng nhóm Hưng “kính” có thể lộng hành, chèn ép, trấn lột tiền của tiểu thương như vậy?

Phải chăng những người am tường luật, rất hiểu đường đi, nước bước xử vụ án dân sự nó rườm rà, phức tạp và kéo dài như thế nào nên ông Nam, ông Tùng đã phải sử dụng “luật rừng”? Đặt ra câu hỏi này không phải để bao biện gì cho ông Nam, bởi đây là đối tượng cần xử lý nghiêm, mà vấn đề đặt ra là vì sao không ít người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải nhờ đến “luật rừng”?

Với vụ án “bắt cóc” trẻ em này, điều khiến dư luận thêm bức xúc khi thẩm phán Nam giải thích: Tình cờ đứng ở đó, tình cờ thấy và thương tình bế đứa bé; rằng sự có mặt ở đó vì mới thuê nhà ở gần đó (nơi xảy ra vụ “bắt cóc”) ngày hôm trước...(!?). Dư luận không thể hiểu nổi một Phó Chánh án trình độ như thế nào mà có thể nói như vậy. Cũng chính thẩm phán Nam là người thụ lý vụ án ông Nguyễn Hữu Linh (Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng vừa nghỉ hưu) dâm ô với trẻ em. Ông Nam đã trả hồ sơ để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ tay của ông Linh “nựng” đang làm gì với cháu bé dù đang bị che khuất?! Rõ ràng, đây không còn là trình độ mà là dấu hiệu đạo đức nghề nghiệp rất bất thường của thẩm phán Nam. Đặc biệt, đây là vụ án đang khiến cả dư luận quan tâm mà thẩm phán Nam vẫn dám bỡn cợt dư luận. Chính vì vậy trong vụ án Linh “nựng”, thẩm phán Nam đã bị thay thế bởi thẩm phán khác.

Thấy gì từ vụ án thẩm phán sử dụng “luật rừng” - 2

 Hỉnh ảnh ông thẩm phán Nam có mặt tại căn nhà số tranh chấp, đang tranh cãi với chị Thảo (mẹ của 3 cháu bé bị "bắt cóc"

Và gần đây nhất ở Đồng Nai, hai vị nguyên Giám đốc công an tỉnh và Trưởng ban nội chính – nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh bị kỷ luật, bị cách chức cho thấy không ít đối tượng có quyền hành trong các cơ quan bảo vệ pháp luật biến chất như thế nào.

Do đó, dư luận mong muốn và đòi hỏi cần một cơ chế hữu hiệu buộc các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật nhanh chóng xử lý những khúc mắc của người dân với chính quyền và giữa những người dân với nhau để họ không có nhu cầu nhờ đến “luật rừng”.

Vương Hà