Bạn đọc viết

Thấy gì từ động thái quyết liệt của ông Đinh La Thăng?

Với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Những phát ngôn, những truy vấn và những hành động của Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng được người dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhưng chính sự xông xáo của bí thư Thăng, người dân càng thấy rõ một điều: Là thành phố kinh tế năng động nhất đất nước, nhưng vẫn còn những lỗ hổng từ chất lượng cán bộ đến cơ chế. Và những yêu cầu của ông đưa ra với cấp dưới dù đúng và trúng nhưng nhiều việc vẫn chưa được cấp dưới thực hiện đến nơi đến chốn. Tới mức, ông Thăng phải thốt lên: "Với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá".

Từ “trảm tướng” đến việc truy các “ông tướng” và …

Dù rằng, công luận đều biết “hiện tượng Đinh La Thăng” từ ngày ông làm “tư lệnh”, nhưng đến khi làm “chính ủy” ở TP HCM, nơi ông chưa quen thuộc, phải bao quát quá nhiều lĩnh vực, do đó, nhiều người yêu quý ông không khỏi lo lắng.

Nhưng,ông vẫn khiến mọi người bất ngờ. Ngay sau khi nhậm chức Bí thư thành ủy, dù không phải lĩnh vực nào cũng nắm chắc, ông Thăng vẫn xông xáo xuống nhiều cơ sở, đến những nơi nóng bỏng nhất, và quan trọng nhất là ông vẫn điểm đúng “huyệt”.

Từ việc truy vấn chủ tịch huyện Củ Chi nhằm tháo gỡ cho bà con nuôi bò sữa, mới lộ ra chuyện, với một huyện nghèo, đa phần nông dân trông chờ vào nguồn nuôi bò sữa, mà ông Chủ tịch huyện không có số điện thoại của bà Tổng giám đốc Cty sữa thì cho thấy… ông quan này quan liêu tới mức nào.

Cũng tại huyện Củ Chi này, đến thăm bệnh viện đang hoàn thiện, ông Bí thư thành ủy chất vấn những người có trách nhiệm mới tá hỏa ra rằng: bệnh viện đã xây xong nhưng chưa thể hoạt động vì đến lúc này sở Y tế mới chuẩn bị cho đấu giá mua các trang thiết bị?! Vậy đâu là lý do? Với câu hỏi này, chắc mỗi bạn đọc đều có câu trả lời.

Hoặc nói về quy hoạch treo, trong buổi tiếp xúc với cử tri ở huyện Củ Chi, bí thư Đinh La Thăng tỏ ra bức xúc khi nói: “Các ông hãy đặt địa vị của mình là người dân ở trong đó suốt 10 năm không được làm nhà, thử chui vào đó xem có ở được không?” Điều đang nói là, một số vị lãnh đạo ở thành phố, ở các sở,ngành chức năng đều rất biết quy hoạch treo đó sẽ treo không biết đến bao giờ, nhưng sao họ vẫn vô cảm, hành dân, làm khổ dân. Bởi những ai biết “điều điều” vẫn có “cửa” để sửa, xây đàng hoàng.Và đây không chỉ là việc xảy ra ở TP HCM, mà nó mang diện rộng hơn nhiều.

Có lẽ, sự trì trệ, sự hành dân lộ rõ nhất khi ông Đinh La Thăng làm việc với huyện Hóc Môn. Đó là còn 5.000 sổ đỏ chưa được cấp và 2 năm trôi qua vẫn chỉ …tiếp tục trình! Về việc Cty Tấn Minh nằm lọt thỏm trong khu dân cư dù không có trong quy hoạch, ông Thăng yêu cầu: “Ông trưởng phòng TN-MT đâu? Tôi đề nghị huyện phải cách chức vì các ông làm báo cáo gửi rất vô cảm.” Bóc trần bản chất của vụ việc, Bí thư thành ủy nhấn mạnh:“ Báo cáo không có căn cứ để di dời, đình chỉ. Vậy trước đây anh dựa vào đâu mà xử phạt công ty này?”

…kết quả

Tất cả những điều ông yêu cầu với cấp dưới đều đúng và rất cần thiết. Dù ông Thăng không nói toạc ra, nhưng người dân đều có thể thấy, không ít những cán bộ ở đây, không chỉ quan liêu mà nguyên nhân quan trọng nhất của những yếu kém đó là do các nhóm lợi ích thao túng. Nhưng vì sao những điều đó vẫn tồn tại? Đó phải chăng là do cơ chế lạc hậu vẫn đang “bó cứng” tất cả những người muốn làm việc và “động viên”, “khuyến khích” những kẻ chỉ thích “ngồi mát ăn bát vàng”?

Câu hỏi này được đưa ra bởi nhiều ý kiến chỉ đạo của ông vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, thời hạn 3 tháng mà Bí thư giao cho Công an TP đã trôi qua, tình hình tội phạm có giảm nhưng nạn cướp, giật vẫn lộng hành. Tình hình ở huyện Củ Chi cũng chưa thấy gì khả quan hơn.Những nông dân trước đây chưa tiêu thụ được sữa nay vẫn thế. Thậm chí, việc Bí thư yêu cầu cách chức Trưởng phòng TNMT vẫn chưa thể thực hiện. Hàng quán, bãi gửi xe vẫn vô tư chiếm lòng lề đường…

Điều này lại cho thấy điều đáng sợ hơn: Sự bảo thủ, trì trệ và lợi ích nhóm vẫn rất lớn. Lớn tới mức, vị “tư lệnh” một thời nổi tiếng nhờ “trảm tướng” đã đưa ra những yêu cầu rất cụ thể, quyết liệt với cấp dưới nhưng vẫn không làm những “công bộc” ở đây lo lắng, vẫn lẳng lặng nghe ngóng.

Tại sao lại như vậy? Một câu hỏi tưởng như không khó nhưng lại rất khó nói cho rõ ngọn ngành bởi nó quá nhiều mối quan hệ chằng chịt, đan xen quyền lợi của những nhóm lợi ích khác nhau.

Phải chăng đó cũng là lý do, thời còn làm “tư lệnh” ông Thăng có thể “xé rào” để “trảm tướng”, để thúc đẩy một số cơ chế, nhưng đến khi làm “chính ủy” thành phố có nền kinh tế năng động nhất đất nước, có nhiều “quân binh chủng” hợp thành thì không hề đơn giản.

Với cơ chế này, thậm chí, có thể chỉ vì nhiệt tình trong công việc, chẳng may vô tình “sểnh miệng”, ông Thăng cũng có thể “chết” như chơi trong vô số lợi ích nhóm chằng chịt hiện nay. Có lẽ, ông Thăng cũng cảm nhận được điều đó, trong buổi làm việc chiều 20.5.2016với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ , ông Thăng phải thốt lên: "Với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá."

Vương Hà