Bạn đọc viết:

Thay đổi thế nào để Du lịch VN tốt hơn

(Dân trí) - VN có tiềm năng rất lớn về du lịch. Tuy nhiên giá trị từ du lịch chúng ta thu được chưa tương xứng. Đó là do chúng ta chưa làm tốt khâu quảng bá du lịch, cũng chưa quản lý tốt các dịch vụ du lịch, làm ảnh hưởng đến lòng tin của du khách.

Thay đổi thế nào để Du lịch VN tốt hơn
Hình ảnh Mũi Né – 1 trong những bãi biển đẹp nhất VN trên trang du lịch nổi tiếng của Anh Lonely Planet

 

Để góp phần cải thiện tình trạng này, tôi muốn đưa ra một vài ý tưởng như sau:

 

1/. Về quảng bá du lịch:

 

Theo tôi, chúng ta nên quảng bá du lịch VN một cách đơn giản, ít tốn kém mà hiệu quả nhất tới du khách trong nước và nước ngoài. Đó là chúng ta quảng bá dựa vào các sản phẩm có tại địa phương tới với tất cả du khách, hoặc liên kết với các nơi xuất khẩu các sản phẩm của VN ra thị trường quốc tế, theo các cách:

 

+ Trên các vỏ bao bì, ngoài hình ảnh thông tin về sản phẩm chính đó ra, in một hình ảnh du lịch, tên  và có thể giới thiệu sơ qua về điểm du lịch đó. Việc này có hai lợi ích là vừa thể hiện sản phẩm đó xuất xứ từ VN lại vừa có thể giới thiệu thắng cảnh du lịch nổi tiếng của điểm đến ấy với du khách.

 

+ Trong mỗi sản phẩm xuất khẩu có một tờ rơi nhỏ, một mặt giới thiệu về thành phần, cách sử dụng… cho sản phẩm đó. Mặt còn lại in hình ảnh địa điểm du lịch của VN cùng với những thông tin nổi bật nhất của địa danh du lịch đó. Giúp người tiêu dùng đồng thời cũng sẽ tiếp nhận những thêm thông tin du lịch và sẽ trải nghiệm khi có nhu cầu.

 

+ Đối với trường hợp sản phẩm bao bì không thể in những hình ảnh du lịch và không có tờ hướng dẫn (như hàng dệt may),  có thể sử dụng luôn 2 mặt của tấm bìa carton dùng để gấp chiếc áo thành nếp, để in hình và thông tin tóm tắt về thắng cảnh du lịch nổi tiếng của VN.

 

+ Phát miễn phí cẩm nang du lịch của địa phương tới du khách.

 

Những việc này rất đơn giản nhưng tinh tế, tôi tin là sẽ tạo cảm giác thích thú cho người tiếp nhận và chắc chắn sẽ có hiệu quả cao mà ít tốn kém. Để ý tưởng này thành hiện thực, cần có sự hợp tác khăng khít giữa Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch với các Sở và Bộ Công Thương. Đặc biệt cần sự đồng lòng của tất cả các công ty liên quan.

 

2/. Về quản lý điều hành du lịch:

 

Dù có quảng bá tốt đến đâu và có thu hút được nhiều lượt khách tức thời đến đâu, mà các địa điểm du lịch không có được cung cách quản lý, điều hành hợp lý, khoa học, mà vẫn cứ theo cách “ăn xổi ở thì” hay với tâm lý “lãi một số tiền to trước mắt còn hơn lãi nhiều vị khách sau này”… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói vốn được coi như “con gà đẻ trứng vàng” ở nhiều nước là du lịch này. 
 

Tư duy làm du lịch kiểu đó chỉ làm xấu đi hình ảnh con người  và đất nước VN.  Do đó, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng để giải quyết, nhằm xây dựng cho được một nền công nghiệp du lịch bền vững theo những cách thức sau:

 

+ Đa dạng hóa các dịch vụ du lịch bằng cách liên kết các địa điểm du lịch ở các vùng lân cận, kết hợp du lịch tự nhiên với du lịch nhân văn. Xây dựng các điểm du lịch nhân tạo có chất lượng.

 

+ Đẩy lùi triệt để nạn ăn xin, nạn chèo kéo khách mua hàng tại các điểm du lịch. Bởi vì ngay người Việt chúng ta đi du lịch gặp phải những cảnh đó đã khó chịu, huống chi đối với khách du lịch nước ngoài không hiểu ngôn ngữ của chúng ta thì khi bị làm phiền như thế, họ có còn cảm giác hứng thú với cảnh đẹp nữa không?

 

+ Yêu cầu tất cả các dịch vụ du lịch ở các điểm du lịch phải niêm yết giá cả dịch vụ một cách hợp lý nhất bằng cả tiếng Việt và ít nhất là thêm tiếng Anh (cả bằng tiền VN và đôla để du khách nước ngoài tiện so sánh). Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

 

+ Cần đào tạo một đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tế.

 

Để quản lý, điều hành du lịch một cách tốt nhất, tôi ủng hộ đề xuất thành lập CẢNH SÁT DU LỊCH. Đội quân này cần được đào tạo đầy đủ các chuyên môn du lịch. Hoạt động không cố định tại một địa điểm nào mà luôn di động, luân chuyển giữa các địa điểm du lịch, vì có như vậy mới tránh được các tiêu cực trong quản lý du lịch. Khi làm nhiệm vụ nên ăn mặc thường phục.

 

Nhiệm vụ của “CẢNH SÁT DU LỊCH” là giám sát sự quản lý, hướng dẫn các dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; truy quét nạn ăn xin, chèo kéo khách du dịch; thanh kiểm tra các dịch vụ du lịch trên địa bàn, xử lý các nhà hàng, khách sạn, các điểm kinh doanh không niêm yết giá theo quy định, “chặt chém” khách; cứu hộ khi có sự cố xảy ra.

 

Xây dựng các hợp tác xã du lịch: Các hợp tác xã này cần tiếp nhận tất cả những người dân có nghiệp vụ tốt trong hoạt động du lịch của địa phương, đào tạo thêm cho họ để thực hiện các dịch vụ du lịch khi có yêu cầu của du khách. Tất cả những thành viên của hợp tác xã du lịch này đều được cấp thẻ hội viên, chịu sự quản lý của hợp tác xã và có thưởng phạt công minh.

 

Ngoài ra tại các điểm du lịch cần bố trí các tấm bảng ghi hộp thư điện tử, số điện thoại của CẢNH SÁT DU LỊCH, của Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của địa phương đó, để du khách có thể phản ánh khi cần.

 

Nếu chúng ta quản lý, điều hành tốt thì chắc chắn tỷ lệ khách du lịch nước ngoài đã đến nước ta một lần rồi thì họ sẽ quay lại với chúng ta nhiều lần nữa. Không chỉ thế, họ còn giới thiệu với bạn bè đến với chúng ta nhiều hơn. Đó là một kênh quảng bá rất hiệu quả nữa.
 

VN:  trevietnam86@gmail.com