Bạn đọc viết:

Chỉ có văn hóa du lịch cao khi văn hóa ứng xử cao

(Dân trí) - Gần đây báo chí đưa tin nhiều về sự bức xúc của dư luận trước nạn “chặt chém”, bắt chẹt, gần như cướp giật với du khách. Giám đốc Kinh doanh của TransViet Travel đã phải than: không thấy nơi nào có nạn “chặt chém” như ở VN, đó là điều đáng xấu hổ...

Văn hóa du lịch cao khi có văn hóa ứng xử cao
Mai Châu là một trong 10 địa điểm du lịch được tạp chí Business Insider của Mỹ đánh giá cao trong việc đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị (ảnh minh họa: Business Insider)

 

Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Kinh doanh của TransViet Travel, bởi chỉ nhìn vào con số thống kê cũng có thể thấy:

 

 Trong tháng 4, lượng khách quốc tế đến VN  ước đạt 613.919 lượt, tăng 4,5% so với tháng 3/2013, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng năm 2013 ước đạt 2.414.361 lượt, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2012” (theo Tổ quốc).

 

Theo tổng hợp của Tổng cục Du lịch, trong hai tháng đầu năm 2013, tổng số khách quốc tế đến VN ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, lượng khách tại nhiều thị trường trọng điểm giảm mạnh. Cụ thể  tỷ lệ giảm như sau: Đức 69%, Hồng Kông (Trung Quốc) 55%, Lào 39,1%, Đan Mạch 35,9%, Pháp 25,7%, Đài Loan (Trung Quốc) 22,5%, Campuchia 21,1%, Anh 15,9%, Nhật Bản 9%, Trung Quốc 8,8%...” – (theo Hà Nội mới).

 

Nhiều du khách quốc tế do bức xúc với nạn "chặt chém" và chất lượng tồi của các dịch vụ phục vụ nên đã rút ngắn thời gian lưu trú và chỉ có 5% du khách quốc tế quay lại VN, trong khi số du khách quay lại Thái Lan tới 50%. Những con số biết nói ấy không chỉ do kinh tế mà chủ yếu ở chất lượng du lịch của ta còn yếu kém, đặc biệt là “Văn hóa du lịch” của chúng ta còn rất thấp.

 

Các phương tiện thông tin đại chúng đã mổ xẻ và chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, chung quy lại đều cho rằng: VN dường như chưa có “Văn hóa du lịch”. Nhưng cái cốt lõi vì sao chưa có “Văn hóa du lịch” - là văn hóa xã hội của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, trong đó có không ít đối tượng là lớp trẻ - ngày một suy thoái, ý thức công dân ngày một thụt lùi, thì tôi thấy vânx ít được đề cập đến.

 

Có thể thấy rõ, hiện nay nhiều người chỉ vì một mối lợi nhỏ không từ một thủ đoạn nào để chiếm đoạt của công và của người khác. Chúng ta đã đề ra rất nhiều quy định và chế tài xử phạt, song vì cách thực thi không nghiêm nên vẫn lại chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

 

Vừa rồi lại thêm đề nghị nên có lực lượng Cảnh sát Du lịch. Cái đó rất cần, nhưng thử hỏi lực lượng này phải có bao nhiêu mới đủ trong khi ý thức làm du lịch của đa số người dân chưa có, lòng tự trọng và tự tôn dân tộc qua hành xử với du khách chưa cao? Nhìn thấy du khách, đặc biệt là du khách quốc tế là tìm mọi cách moi tiền, không cần liêm sỉ và lại còn tỏ ra… hả hê khi lừa được du khách (???)

 

Như vậy có thể khẳng định: Không thể  có “Văn hóa du lịch” cao khi chưa có “văn hóa xã hội” cao. Ta không cần nhìn đâu xa, ngay địa bàn cư trú của mỗi người, năm nào cũng có phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa mới”, nhưng thực chất sự thay đổi theo chiều hướng ngày một tốt đẹp hơn hầu như không nhiều, vẫn chỉ mang bệnh hình thức.

 

Giờ đây, hàng ngày đi mua hàng vào lúc sáng sớm  (và kể cả bất kỳ giờ nào) người dân đều nơm nớp lo bị chửi rủa, đốt vía... nếu hỏi mà không mua hoặc mặc cả… Đến các khu du lịch thì phải lo giữ chặt túi tiền, hành lý, cẩn thận mặc cả từng ly mà nhiều khi vẫn không tránh khỏi nạn bị bắt bí, nâng giá một cách vô lý. Nếu chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt” thì không sao, còn phản ứng thì bị chửi còn nhẹ, có khi còn bị đòn hội đồng. Chính người Việt còn sợ người Việt thì nói gì đến khách quốc tế?

 

Chưa nói đến những người có văn hóa và có ý thức trách nhiệm, càng không thể chịu  đựng được cách khai thác du lịch ở nhiều nơi theo lối ăn xổi ở thì, phá vỡ cảnh quan và làm hỏng những giá trị văn hóa dân tộc tự ngàn đời.

 

Chúng ta được trời phú cho thiên nhiên tuyệt vời, đã có những khu du lịch được du khách quốc tế ưa thích. Nhưng như ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN – nêu rõ: “Ở VN chưa có nhiều lắm những môi trường du lịch tốt. Một số điểm có thể kể đến là Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết - Mũi Né…”– (theo Dân trí). Vậy mà trong thời gian vừa mới đây thôi, ngay ở Đà Nẵng trong những ngày diễn ra “Lễ hội pháo hoa”, vẫn có du khách than bị “chém đẹp thẳng tay” (!)

 

Trong khi đó những nước có nền du lịch phát triển thì mỗi người dân đều được giáo dục văn hóa ứng xử với du khách. Họ ý thức được việc đối xử lịch sự với du khách chính là biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, là biểu hiện của văn hóa dân tộc. Bởi vậy họ luôn hòa nhã, thân thiện, nụ cười thường trực trên môi. Mỗi khi sơ ý làm du khách phật ý, họ xin lỗi với tất cả lòng chân thành. Không một đối tượng phục vụ du lịch nào được vòi vĩnh du khách, nếu có sẽ bị phạt rất nặng, coi như một hành vi làm nhục quốc thể và sẽ bị cấm tham gia làm du lịch.

 

Vậy làm thế nào để du lịch VN phát triển? Theo tôi, ngoài những yếu tố cơ bản các chuyên gia đã nêu trong nhiều kỳ hội thảo như: đầu tư xây dựng những khu du lịch chất lượng, đảm bảo vệ sinh mỹ quan, an toàn trong sinh hoạt, tránh tình trạng ăn xin, mua bán đeo bám khách hàng…., kết hợp chặt chẽ và đồng bộ những đơn vị tổ chức du lịch… để tạo ra một môi trường du lịch đầy sức thu hút, thân thiện, an toàn… thì một trong những ưu tiên hàng đầu là xây dựng một nền “Văn hóa du lịch” tiên tiến.

 

Nhưng điều đó chỉ có được không chỉ qua các qui định, các chế tài xử phạt vi phạm mà cấp bách là giáo dục ý thức công dân toàn dân làm du lịch. Chỉ có “Văn hóa du lịch” cao khi có “Văn hóa ứng xử cao” của tất cả mọi công dân trong xã hội. Mong rằng các cấp, các ngành có trách nhiệm hãy nhìn thẳng vào thực tế để có những biện pháp thích hợp trong khi còn chưa quá muộn!!!
 
Trần Vân Hạc
(P 201, B4, ngõ.189 Thanh Nhàn, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm