Thanh niên chết thảm vì bị "làm ngơ": Vô cảm, hèn nhát hay là tội ác?

Khả Vân

(Dân trí) - "Không lời nào có thể thanh minh cho hành vi vô cảm, vô lương tâm khi thấy người bị nạn mà không cứu, đẩy họ đến cái chết thật thảm thương. Đây chính là một tội ác, tội ác về lương tâm!"

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 21h11 đêm 11/12, anh P.H.P. (SN 1990) điều khiển xe máy lưu thông trên đường ĐT 741, khi đến trước một cây xăng ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thì tự ngã. Anh P. nằm quằn quại trên mặt đường không thể ngồi dậy, chiếc xe máy trượt về phía trước khoảng 5m.

Sau sự cố, có khoảng 4 - 5 chiếc xe máy đi ngang qua vị trí nạn nhân gặp nạn nhưng tất cả chỉ nhìn lướt qua rồi "làm ngơ" bỏ đi. Sau đó không lâu, một chiếc xe khách chạy đến không phát hiện anh P. dưới đường nên đã tông trúng anh P., kéo đi hơn chục mét làm nạn nhân tử vong tại chỗ.

Thanh niên chết thảm vì bị làm ngơ: Vô cảm, hèn nhát hay là tội ác? - 1
Vài người đi xe máy qua phát hiện anh P. bị thương nằm trên đường nhưng đều "làm ngơ" đi luôn, sau đó không ngờ anh P. bị tử nạn thương tâm

Sự thờ ơ, vô cảm- một thái cực đau buồn của việc nhìn thấy người bị nạn mà không cứu.

Diễn biến vụ việc trên được camera của cây xăng ghi lại, sau đó đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ về sự vô cảm giữa người với người.

Bạn đọc Xuan Truong: "Sợ quá! Sợ vì nhìn anh ấy chết đau đớn không bằng sự vô cảm con người với nhau! Đau đớn quá".

Bạn đọc Dương Nhật Cường: "Đúng là Quá vô cảm- ai cũng sợ bị liên lụy nên cuối cùng sự vô cảm đã giết chết người vô tội. Cần có chế tài xử lý những người vô cảm đó".

"Những người đi qua giờ xem lại cảnh này có day dứt lương tâm không nhỉ? Và nếu như người bị nạn đó là người thân của một trong những người đó họ nghĩ sao? Vô cảm quá", Tran Duc Binh.

"Thấy người bị nạn mà không cứu, thật độc ác quá, mình vô cùng buồn khi đọc tin này, mong em an nghỉ để bước tiếp vào cuộc sống mới bình an và yêu thương nhiều hơn. Mình nhất định sẽ không bao giờ vô cảm và nhắc nhở bản thân luôn phải chú ý đến mọi sự cần sự giúp đỡ trên đường đời mình gặp", bạn đọc Hà Tú Chi.

…Và một loạt những "lý giải" cho hành vi vô cảm được đưa ra:

"Vì một số vụ trước đây người cứu giúp nạn nhân lại bị người nhà nạn nhân tới đánh đập, nên giờ người ta sợ mà làm ngơ" bạn đọc với nickname Cà phê sữa;

Bạn đọc Tranchan Vu: "Giây vào thì rất mệt mỏi, bệnh viện giữ người, giữ xe, CA mời lấy lời khai, làm tường trình... Chưa kể người nhà nạn nhân cho ăn đấm, ăn đá, ăn dao... Nói thế thôi chứ gặp thì tôi vẫn cứu giúp!"

Nguyễn Trường Thu: "Tôi cũng muốn giúp lắm, nhưng ông bà mình có câu: làm ơn mắc oán và có những trường hợp như vậy rồi. Chốt lại là, cũng tùy theo từng trường hợp mà giúp"

Hoang Dung: "Vô cảm là một phần nguyên nhân khiến nhiều người không quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, trong những vụ tai nạn giao thông, việc sợ bị liên lụy, sợ bị gặp nhiều rắc rối với cơ quan chức năng khiến cho nhiều người không dám ra tay tương trợ cho người bị nạn".

Phạm Tân: "Nhiều vụ cũng giả vờ ngã rồi cướp của người trợ giúp thì sao??? Đây đâu phải lần đầu đâu";

Cho rằng đây là hệ lụy của bộ phận thực thi pháp luật chưa nghiêm, bạn đọc Hải Lê Thanh: "Đây là hệ lụy của một bộ phận thực thi pháp luật chưa nghiêm, một số vụ tai nạn đã được người đi đường cứu giúp, nhưng sau đó lại bị người nhà đánh nhập viện nhưng không được pháp luật bảo vệ. Đừng nói người dân vô cảm, hãy nói luật pháp chưa nghiêm";

Bạn đọc Văn Bính: "Dạo này có rất nhiều vụ tự dàn dựng để cướp giật, đêm hôm trời tối ai biết thật giả thế nào, nếu dừng lại cứu giúp mà gặp cảnh dàn dựng để cướp thì làm sao, chính vì vậy mà người dân sẽ tự lo cho bản thân trước, vì nếu lỡ có việc gì thì cũng ko ai lo cho mình, và nếu có va chạm với tên cướp, lỡ tay đánh nó bị thương thì mình lại bị tội, luật của mình đang làm cho dân tình ngày càng vô cảm. Điển hình nhất là luật xe to đền xe bé, rất nhiều vụ xe máy sai rõ ràng, tự đâm vào oto nhưng cuối cùng người lái xe oto phải chịu thiệt, phải đền cho bên xe máy để được lấy xe oto ra, đó cũng là 1 phần tạo nên tính vô cảm và đề phòng trong mỗi người khi đi đêm tối".

Sau 2 lần bị "rước họa vào thân", bạn đọc Nguyễn Thanh Hải cho rằng: "Tôi đồng ý rằng cứu người quan trọng hơn nhiều so với thời gian tiền bạc phiền toái mà người làm chứng phải chịu. Nhưng cũng vì cái tâm mà đã không ít người rước họa vào thân, tôi đã 2 lần bị như vậy khi giúp đỡ người say xỉn chạy xe té ngã, cười ra nước mắt vì người ấy bảo tôi là người gây tai nạn cho ông ấy.

Có một lần nữa cũng giúp người xỉn khác không được gì còn bị người đó chửi mình nghe đã luôn, nói tôi là dã tâm, lợi dụng móc túi hoặc lấy xe. Có người còn phải bỏ mạng vì bị những tên cướp dàn dựng để cướp tài sản người tốt giúp người bị nạn. Và đau lòng hơn khi đưa họ vào bệnh viện người nhà nạn nhân đến bệnh viện tưởng đâu tạ ơn ai ngờ bị họ đâm chết ngay tại bệnh viện vì tưởng người đó đã gây ra tai nạn cho người thân mình".

Bạn đọc Minh Thương đồng tình: "Đồng cảm với quan điểm của bạn, cuộc sống hiện tại ở Sài Gòn, nơi mà rất phức tạp, tiềm ẩn mọi sự nguy hiểm có thể xảy đến, thì mọi người đều e dè, ngại phiền phức và sợ nguy hiểm cho bản thân".

Bạn đọc Lan Anh với phân tích rất tình người: "Một số người dân sợ liên lụy đến mình nên không nhiệt tình cứu giúp người trong cảnh bất bình hay tai nạn. Đây chưa phải là một suy nghĩ đúng đắn, bởi giữa việc cứu giúp tính mạng của một con người quan trọng hơn nhiều so với những tổn thất về thời gian hay sự phiền toái mà họ nghĩ họ có thể phải đối mặt.

Hơn thế nữa, tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, đứng trước những tình huống này, mọi người nên đặt mình vào hoàn cảnh của bị nạn để thấy được sự mong mỏi được giúp đỡ của người khác là to lớn như thế nào.

Hãy thử hình dung, chẳng may chúng ta gặp nạn nhưng những người xung quanh chỉ khoanh tay đứng nhìn vì sợ vạ lây thì chúng ta sẽ cảm thấy ra sao, nhất là những tình huống nguy hiểm đến tính mạng".

Người Việt Nam từ xưa vốn có truyền thống "tương thân tương ái", chia sẻ lúc khó khăn hoạn nạn, việc cứu giúp người gặp nạn là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ngày nay, trước tác động của lối sống thực dụng, đề cao vật chất phần nào đã làm mai một truyền thống tốt đẹp ấy.  Điều đó dẫn đến hệ quả là một bộ phận người dân có thái độ "vô cảm" trước những điều bất bình và người gặp nạn.

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi ý kiến của mình tại khung bình luận bên dưới nhé!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm