Bạn đọc viết

“Tết thầy” nuôi dưỡng tâm hồn người Việt

Nước ta có một ngày tết rất đặc biệt đó là “Tết thầy”, một ngày tết đã ăn sâu trong tâm thức, đi cùng thời gian nuôi dưỡng tâm hồn người Việt như dân gian lưu truyền: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Khởi nguồn từ đạo lý truyền thống tôn sư trọng đạo

Theo quan niệm của ông cha xưa kia, cùng với việc nhớ ơn, tri ân cha mẹ là người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu dắt trong bước đường đời, thì người thầy có vị trí vô cùng quan trọng, đó là người được tôn kính đặc biệt trong cộng đồng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế người thầy luôn song hành với những bậc sinh thành trong gia đình người Việt, như người lái đò, đưa hết thế hệ này đến thế hệ khác đi qua dòng sông tri thức. Và cũng chính từ điều đó, nên trong ba ngày Tết thiêng liêng không thể không nhắc đến một việc thăm hỏi, chúc tết thầy, mà người xưa gọi “tết thầy” được thực hiện vào ngày mồng 3 Tết.

Đây cũng được xem như đạo lý của người Việt. Theo cố nhà nghiên cứu Hán Nôm - Lâm Giang cho biết, các tài liệu ghi chép của người xưa để lại cho thấy: Tết thầy xưa không chỉ dành riêng cho thầy dạy chữ, những thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng, mà còn được xem là ngày tết của tất cả những bậc thầy trong xã hội. Tết thầy là ngày quan trọng để thể hiện lòng tri ân đối với người đã dạy dỗ, chỉ bảo ta nên người, có cái nghề để nuôi sống bản thân, gia đình… Thế nhưng “Tết thầy” ngày xưa rất đơn giản về vật chất, song về tinh thần thì mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Có người làm ăn phát đạt hoặc đỗ đạt trong chốn quan trường, hoặc “ăn nên làm ra” trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó được người thầy truyền dạy, thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay, lễ vật đủ loại cao lương mỹ vị. Có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, nhưng rất muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để con cháu biết đường ăn ý ở mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. Ngay cả nhiều người cho dù làm quan tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Mồng ba Tết, người trưởng tràng đứng đầu hàng môn sinh, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành..... cứ như vậy ngày “Mồng ba Tết thầy” đã đi sâu vào văn thơ và các loại hình nghệ thuật dân gian, hiện đại, là nét văn hóa đặc biệt trong xã hội người Việt Nam.

Mãi là tình cảm thầy trò cao cả, thiêng liêng

Điều đáng mừng là ngày nay, trong cuộc ống hiện đại, nếp sống con người, cả thầy và trò cũng có khác đi nhưng có một điều không khác là tình thầy trò hầu như vẫn được giữ nguyên nét thuần phong mỹ tục. Cái đẹp của ngày Tết thầy không chỉ được các thế hệ đi trước gìn giữ mà còn được các thế hệ sau kế thừa và phát huy càng trở nên đậm nét hơn.

Những ngày đầu xuân chúng ta vẫn thấy đó đây những cuộc hội ngộ của các học trò tổ chức gặp mặt đầu xuân và không quên đón các thầy cô đã từng dạy mình từ mấy chục năm về trước cùng đến dự để ghi nhớ công lao, để được nghe thầy nói chuyện, và để hồi tưởng lại tuổi học trò một thời cắp sách của mình. Hay những bưu thiếp, những cuộc điện thoại, thậm chí chỉ một tin nhắn chúc tết chân thành vấn an thăm hỏi người thầy cũ...

Có thể nói dù đi đâu, bất kể tuổi tác, chức vị trong xã hội, “Tết thầy” vẫn luôn được các thế hệ người Việt ghi nhớ trong lòng…Tuy đây đó “Tết thầy” ngày nay có lúc, có nơi đang dần bị thương mại hóa dưới nhiều hình thức khác nhau như một số ít người lợi dụng Tết để trục lợi, hối lộ khéo léo mua điểm, mua bằng cấp bằng cách gửi quà “hậu hĩ” coi đó là những “bậc thang” để giúp người ta “leo cao”; khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về lối sống thực dụng của một số kẻ . Nhưng rất may hiện tượng tiêu cực kể trên chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” vốn dĩ ngon ngọt của bữa cơm đạo lý.

Ngày mồng ba “Tết Thầy” nữa đã đến, đây chính là dịp để những học trò hội ngộ, ôn cố tri tân, bàn luận, kiểm chứng kết quả lời dạy của thầy thông qua những việc cụ thể, qua đó để ngăn ngừa, lên án những việc làm có hại trong xã hội, làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Và hơn hết mỗi người hãy dành một chút lắng lòng để suy ngẫm về những giá trị truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, để thể hiện tri ân với thầy cô bằng chính những hành động như không chạy theo sự phát triển gấp gáp của xã hội; hay có thể là bớt những cuộc gặp mặt, hội hè, tiệc tùng để đến thăm và lễ thầy trong dịp Tết, làm cho nét đẹp văn hóa ấy mãi mãi lưu truyền, lan rộng trong xã hội, qua đó góp phần làm cho tình cảm thầy trò trở thành cao cả, thiêng liêng.

Minh Tư