Bạn đọc viết:

Tạo cơ chế cùng giám sát lẫn nhau để giảm thiểu TNGT

(Dân trí) - Để đi tìm nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông thì có nhiều, trong đó hiện tượng mãi lộ đang là vấn nạn trên khắp các tuyến đường. Để giảm thiểu tệ mãi lộ, theo tôi, cần có cơ chế giám sát hợp lý và do đó hiệu quả hơn.

Tạo cơ chế cùng giám sát lẫn nhau để giảm thiểu TNGT - 1
(ảnh minh họa từ internet)

 

Kính gửi Bộ trưởng GTVT. Kính thưa Bộ trưởng! Được biết từ khi nhậm chức “Tư lệnh” ngành TGVT đến nay, Bộ trưởng đã có khá nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Đặc biệt ngày 17/2/2012, nhân đọc bài viết về những phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Thăng tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra GTVT năm 2011… từ góc độ cá nhân, tôi rất ủng hộ sự quyết liệt của Bộ trưởng. Cũng trên tinh thần đó, tôi xin có một số ý kiến đề xuất với Bộ trưởng quanh chuyện “có mùi vi phạm là phải xử lý” ở một góc độ khác nhưng cũng gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay, và làm được cũng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Để đi tìm nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông thì có nhiều, trong đó hiện tượng mãi lộ đang là vấn nạn trên khắp các tuyến đường. Đó là 1 trong những nguyên nhân khiến các tài xế coi thường pháp luật, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định….gây nên những vụ tai nạn kinh hoàng như báo chí đã nêu.

 

Để giảm thiểu tệ mãi lộ thì đã có một số cơ chế kiểm tra, giám sát nhưng tại sao hiện tượng đó vẫn không hề giảm? Phải chăng ta chưa có những biện pháp thật sự hiệu quả để xóa bỏ triệt để hiện tượng này?

 

Chính vì vậy mà tôi nghĩ rằng, tại sao ta không để chính những người thường phải đưa mãi lộ (lái xe) và người nhận mãi lộ (lực lượng duy trì trật tự giao thông trên đường) cùng kiểm soát lẫn nhau trên cơ sở: tạo một cơ chế phù hợp để chính những người lái xe thực hiện việc mãi lộ có thể tố cáo hành vi nhận mãi lộ của lực lượng duy trì trật tự giao thông trên đường (như có thể phạt họ bằng chính số tiền họ đã mãi lộ hay một hình thức nào đó tương tự….)

 

Mặc dù vẫn biết pháp luật Việt Nam hiện vẫn coi cả 2 đối tượng này đều vi phạm pháp luật khi thực hiện hành vi mãi lộ và nhận mãi lộ, nhưng nếu tạo một cơ chế phù hợp như đã nói ở trên thì tôi tin có thể giảm thiểu được nạn mãi lộ trên đường, bởi một số lý do sau:

 

Trước hết phải thấy rằng mỗi phương tiện tham gia giao thông hầu như chỉ hoạt động trên 1 địa bàn nhất định. Ngay cả các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh cũng phải chạy theo tuyến cố định và đương nhiên chịu sự kiểm soát của lực lượng duy trì trật tự giao thông trên tuyến đường đó.

 

Giả sử 1 lái xe chủ trương chở hàng quá tải, hoặc chở người vượt quá quy định cũng như mỗi khi vi phạm…. là sẵn sàng chấp nhận mãi lộ để được qua trạm. Nếu sự mãi lộ đó được 2 bên “hợp tác” chặt chẽ thì khó có thể bị phát hiện để đưa ra ánh sáng, vì có thể nhận thấy việc “vi hành” của các cấp thanh tra hiệu quả là không cao (chả ai tự nhiên muốn vạch áo cho người xem lưng cả). Còn tác nghiệp điều tra của các phóng viên cũng gặp khó khăn, vì sự “hợp tác” sẽ được 2 bên thực hiện  rất khôn khéo.
 
Nhưng nếu một ngày nào đó lái xe không thể chịu nổi cảnh phải mãi lộ nữa thì họ sẽ tố cáo, lúc đó chí ít ra cũng sẽ phát hiện được có 1 trường hợp nhận mãi lộ được đưa ra ánh sáng (còn hơn là không). Việc lấy bằng chứng của lái xe trong trường hợp này là không hề khó khi mà họ đã chủ động và các phương tiện ghi âm, quay phim…. hiện nay rất thông dụng.

 

Thứ 2, nếu là 1 lái xe chấp hành tốt luật giao thông đường bộ (tất nhiên trong cuộc đời lái xe không thể không có lúc vi phạm), họ cũng sẽ sẵn sàng tố cáo hành vi nhận mãi lộ (nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm). Vì như thế sẽ góp phần tạo ra sự công bằng trong tham gia giao thông giữa những người chấp hành tốt và người chấp hành kém, hơn nữa còn góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải…

 

Thứ 3, đối với lực lượng duy trì trật tự giao thông trên đường, nếu thực hiện cơ chế trên thì tôi tin chắc rằng chẳng có đồng chí cán bộ nào dám đánh đổi cả sự nghiệp của mình chỉ với 1 lần nhận mãi lộ, khi đâu biết lúc đó có bao “cặp mắt” đang hướng vào mình và chỉ cần vài tiếng sau clip đó đã được đăng tải trên các trang báo mạng.

 

Mặt khác, việc mãi lộ thường được thực hiện 50-50, hai bên cùng có lợi như “luật bất thành văn”. Nên một mặt cần tạo cơ chế giám sát lẫn nhau, nhưng cũng cần quy định rõ cho lực lượng duy trì trật tự giao thông trên đường khi làm việc: phải ở những chỗ dễ quan sát (lái xe có thể không xuất trình giấy tờ đối với những trường hợp lực lượng chức năng không ở đúng vị trí như là ngồi trong xe ôtô giơ gậy ra tín hiệu dừng xe và làm việc trên ca bin xe…)

 

Đồng thời cũng tạo điều kiện cho lực lượng chức năng bằng cách chi 50% số tiền phạt cho chính lực lượng này theo biên lai xử phạt. Như vậy các bác ấy chắc còn tăng cường phạt với mức phạt vút khung ấy chứ. Vừa nhận được “50%” chính đáng vừa có 50% số tiền phạt nộp vào ngân sách nhà nước, mà nếu không cứ để hiện tượng mãi lộ thì số tiền đó sẽ bị thất thoát.

 

Nhưng cái được lớn hơn ở đây là tạo nên được đội ngũ cán bộ duy trì trật tự giao thông trên đường làm việc chí công vô tư vì sự thượng tôn của pháp luật. Mà khi lực lượng này chấp pháp công mình thì chẳng có lái xe nào còn cơ hội để đối phó nữa.

 

Trên đây là một vài ý kiến của cá nhân tôi, tất nhiên đó mới chỉ là ý tưởng… Nhưng tôi nghĩ, mọi thiết chế của Nhà nước pháp quyền đều do con người đề ra trong từng điều kiện và bối cảnh xã hôi cụ thể. Cùng với sự vận động, phát triển không ngừng của XH, chúng ta nên có sự tổng kết thực tiễn và có cái nhìn xa hơn, để có những biện pháp mang tính đột phá, hiệu quả trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật để cải thiện thực trạng TNGT của nước ta hiện nay.

 

Quyết tâm của Bộ trưởng nhằm thay đổi toàn diện bộ mặt ngành GTVT nói chung cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông nói riêng kể từ khi ông nhậm chức, đã được đại đa số nhân dân cả nước (cũng như tôi) ghi nhận. Rất mong Bộ trưởng  bớt chút thời gian lắng nghe ý kiến của những người dân đóng góp, nghiệp vụ thì có thể chỉ phần nào nhưng trước hết cũng là sự đồng tình và ủng hộ sự quyết liệt của Bộ trưởng, vì sự phát triển chung của đất nước ta.

 

Kính chúc Bộ trưởng sức khỏe, xây dựng được 1 “Quyết tâm chiến đấu” khả thi của ngành GTVT trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Quang Phúc