Tăng sĩ dấn thân

Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn sẽ đón tăng sĩ từ đất liền ra tiếp quản các ngôi chùa vừa xây xong.

Từ đây, trên quần đảo Trường Sa, ngoài những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, còn có những ngôi chùa với câu kinh lời kệ, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ và người dân.
 

Những người khoác áo cà sa ra Trường Sa không phải chỉ tìm cho mình một nơi để tu tập, một cộng đồng để hành đạo, mà lựa chọn một vùng biển đảo phên giậu của tổ quốc để dấn thân. Những tăng sĩ tuổi còn rất trẻ, đến Trường Sa vì làm việc phật sự nhưng cũng vì một lẽ yêu nước thương nòi. Lịch sử đất nước còn ghi danh nhiều nhà sư yêu nước. Ngày nay cũng thế.

 

Trường Sa có những ngọn hải đăng là cột mốc chủ quyền, có cán bộ, chiến sĩ là những cột mốc sống. Hôm nay, Trường Sa có những ngôi chùa của nước Việt, có lời kinh được đọc bằng tiếng Việt, đó là những cột mốc tín ngưỡng và văn hóa được đóng sâu, chôn chặt vào biển đảo ngàn dặm quê hương. Nhiệm vụ đó được các tăng sĩ đảm đương. Đã đến Trường Sa, nhiệm vụ nào cũng khó khăn, cũng đối diện với hiểm nguy và với tinh thần dấn thân cao nhất.

 

Người tu hành không thiếu những sóng gió, những cám dỗ của đời thường, những mời mọc an thân. Cho nên, đến với những hòn đảo san hô xa xôi để hành đạo cũng là một lựa chọn rất đáng trân trọng.

 

Không chỉ hành đạo, những tăng sĩ ra Trường Sa tiếp quản các ngôi chùa đều là những trí thức được đào tạo bài bản, có người được tu học ở nước ngoài. Cho nên, ngoài dạy đạo, tăng sĩ trên Trường Sa còn là những người thầy dạy chữ, dạy văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ. Sự kết hợp giữa tu và hành, đạo và đời thật rất có ý nghĩa.  

 

Lê Thanh Phong (theo Lao Động)