"Tấn công" hoa hậu
Bạn tôi nhiều năm trong ban tổ chức thi hoa hậu, và một khuyến cáo của anh cho các thí sinh top đầu, là khóa tài khoản mạng xã hội. Hoa hậu hay bất kỳ ai cũng có thể bị tấn công trên mạng xã hội
Vì thế, việc dạy về Luật An ninh mạng cho thanh thiếu niên là việc làm đúng đắn.
Có lần tôi được mời đến nói chuyện với một cơ sở giáo dục khá lớn ở Hà Nội về chủ đề sử dụng mạng xã hội. Là mô hình liên cấp, nên trường này có học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, thành ra cuộc nói chuyện của tôi phải chia làm 4 ca, cho phù hợp với độ tuổi của các cháu.
Khảo sát nhanh tại chỗ, tôi không ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết học sinh đều có thiết bị kết nối Internet hiện đại (laptop, máy tính bảng, smartphone...) và dành nhiều thời gian để vào mạng mỗi ngày (trong đó phần lớn là truy cập vào các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Zalo hay TikTok). Ngay cả các cháu lớp 6, tức là mới 11 tuổi, cũng đã sử dụng thành thạo, thậm chí nhiều cháu có tài khoản mạng xã hội riêng.
Phải nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu xã hội học và tâm lý học đều đã thống nhất từ lâu lứa tuổi tối thiểu để sử dụng mạng xã hội là 12, hầu hết các mạng xã hội lớn nhất thế giới lẫn trong nước đều quy định tuổi để mở tài khoản là 13. Vậy nên, nếu những cháu nhỏ dưới 12 tuổi có tài khoản mạng xã hội riêng, nghĩa là các cháu đã khai giả dối, và giấu phụ huynh (hoặc phụ huynh đồng tình mà không tìm hiểu kỹ).
"Nữ thập tam, nam thập lục", các cụ nhà ta có câu như vậy để nói về tuổi dậy thì của con người, với những thay đổi lớn về cơ thể lẫn nhận thức. Tương tự, các sản phẩm văn hóa phổ biến tới công chúng cũng bám sát sự phân chia lứa tuổi này (giới hạn đối tượng tiếp cận dưới 13, dưới 16 tuổi, dưới 18 tuổi).
Nhưng đó là hàng rào kĩ thuật rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là chỉ mang tính hình thức. Bởi gần như không thể ngăn cản các cháu tiếp cận với các nội dung trên mạng, bất kể có đúng lứa tuổi hay không. Mặt khác, chính sự chủ quan tin vào khả năng ngăn chặn của mình, đã khiến nhiều bân phụ huynh ngã ngửa.
Một người bạn của tôi vốn luôn tự hào con ngoan, "chỉ biết học và rất tồ" - như lời của chị. Năm con lên lớp 7, chị phát hiện cuốn nhật ký tập thể của một nhóm nữ sinh trong cặp con mình, từng trang từng trang đều viết về các trải nghiệm tình dục... như người lớn. Sau khi suy nghĩ trắng đêm, người mẹ ấy quyết định hỏi thẳng con gái, và hóa ra đó chỉ là một tổng hợp những tưởng tượng về giới tính của cháu và nhóm bạn thân, không có dòng nào là trải nghiệm thực tế.
- Nhưng các con lấy đâu ra những chuyện như thế?
- Ở trên mạng đầy ra mà mẹ.
"Ở trên mạng đầy ra", đó là một mệnh đề mà bây giờ ai cũng biết, "cái gì không biết thì tra Google" là như thế. Những thông tin ở bất kì khía cạnh nào, đầy rẫy, chỉ cần gõ từ khóa và ấn enter. Mà thậm chí không cần làm thế, các mạng xã hội dựa trên phân tích hành vi truy cập của người dùng, sẽ tự đưa tới các nội dung mà người đó quan tâm (gọi là personalize - cá nhân hóa, dựa trên big data -dữ liệu lớn). Miên man trôi dạt trong biển thông tin, những đứa trẻ sẽ bơi hay bị cuốn đi, đó là một câu hỏi nan giải.
Cách tốt nhất để phòng vệ, đó là chủ động về kiến thức.
Thông tư 46 của Bộ Giáo dục - Đào tạo về chương trình môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT vừa ban hành, học sinh lớp 10 sẽ được học về an ninh mạng. Cụ thể, nội dung này sẽ có 2 tiết, nêu khái niệm cơ bản về an ninh mạng, bảo mật thôg tin cá nhân, nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng, cảnh giác trước những thủ đoạn xâm nhập, phát tán mã độc, thông tin giả...
Bạn tôi nhiều năm trong ban tổ chức thi hoa hậu, và một trong những khuyến cáo của anh cho các thí sinh top đầu, là khóa tài khoản mạng xã hội. Thực tế, đã có nhiều người đẹp (thậm chí là chính hoa hậu), bị cư dân mạng tìm lại lịch sử thông tin đưa lên mạng xã hội, dùng đó làm công cụ tấn công người ấy khi đã thành danh.
- Làm sao một cô gái 15 như các em bây giờ có thể nghĩ một ngày kia mình sẽ trở thành hoa hậu? - Tôi đặt câu hỏi cho các học sinh trong cuộc nói chuyện của mình. Các em im lặng và suy nghĩ.
Các em, cũng như nhiều người lớn khác, hồn nhiên đưa các nội dung đời tư lên Internet, hàng ngày hàng giờ, năm này qua năm khác. Những bức ảnh hồn nhiên, các thông tin đời tư như sinh nhật của mình và người thân, thâm chí số thẻ căn cước, ảnh hộ chiếu, và những phát ngôn thiếu suy nghĩ thì vô cùng. Các em sẽ lớn, sẽ quên. Nhưng Internet thì không. Gần như không có gì chúng ta đưa lên mạng mà rồi sẽ biến mất, chúng trôi nổi đâu đó, rơi vào tay ai đó, và rồi rất có thể sẽ được sử dụng với một mục đích nào đó gây hại cho chính chủ nhân, trong khi chính chủ nhân đã quên khuấy đi rồi.
Một khía cạnh lạm dụng Internet và mạng xã hội khác vì thiếu hiểu biết, đó là tấn công/bạo hành qua mạng. Những trường hợp lạm dụng bạn học, quay clip đưa lên mạng, hay chửi bới tập thể một người cụ thể, đã trở nên phổ biến tới mức giới trẻ xem đó là điều đương nhiên. Các nhóm anti-fan (ngược với người hâm mộ, tức là người phản đối) mọc lên như nấm trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn thành viên cho mỗi làn sóng tấn công. Các thanh niên chửi bới khi nghi ngờ một MC biển thủ tiền từ thiện, chửi bới khi một ngôi sao ca nhạc chia tay bạn gái, chửi bới khi không thích một người chuyển giới lên truyền hình quá nhiều... Những lí do không một luật pháp nào công nhận, nhưng cách tấn công thì lại vi phạm hàng loạt quy định về quyền cá nhân.
Việc theo đuổi các trào lưu thông tin để tỏ ra mình hợp thời trang (giới trẻ gọi là bắt trend), khiến giới trẻ dễ dàng bị lợi dụng làm công cụ lan tỏa cho những kẻ cho những kẻ tung tin giả nhằm mục đích gây nhiễu loạn, chống phá. Chẳng hạn, ngày hôm qua, khi chính quyền và các cơ quan chức năng cùng người dân Hà Nội đang sốt sắng truy vết và khoanh vùng những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, thì nhiều tài khoản mạng xã hội làn truyền thông tin Hà Nội đã phong tỏa. Khoan nói đến hành vi tung tin giả phải chịu trách nhiêm hình sự, thì tác hại của tin này về khía cạnh xã hội là không thể đo đếm, khi mà các hoạt động sinh hoạt và kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sớm trang bị cho thanh niên kiến thức về an ninh mạng, trong đó có Luật An Ninh mạng, là động thái rất đúng đắn của ngành giáo dục, thậm chí nên cân nhắc để đưa xuống cấp học nhỏ hơn thay vì lớp 10 như hiện nay. Bởi vì chúng ta đã dần thừa nhận tư cách "công dân mạng", cũng đồng nghĩa với quyền hạn và trách nhiệm khi hình thành tư cách này. Đó cũng chính là cách chúng ta bảo vệ con em mình trong một không gian không giới hạn là Internet.