Tân Chủ tịch Hà Nội: Sẽ làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nào?

Có nhiều điều chúng ta cần phải nói với tân chủ tịch. Rằng nhiều người dân Hà Nội đã chịu đựng sự hôi thối suốt 3 thập kỷ qua...

Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng có chuyến thị sát sông Tô, kiểm tra việc thử nghiệm làm sạch bằng “công nghệ Châu Âu”. Hôm ấy là ngày 2.6.2019.

Tân Chủ tịch Hà Nội: Sẽ làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nào? - 1
 “Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội.."- cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (Ảnh: ông Chung trong chuyến thị sát sông Tô Lịch tháng 6.2019)  

Cùng thời điểm, sông Tô Lịch cũng được người Nhật thí điểm làm sạch, hoàn toàn miễn phí bằng công nghệ Bio-Nano.

Hôm đó, cựu Chủ tịch nói: Sau thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, TP sẽ lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Ngày 9.7, 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây được xả ra sông Tô Lịch, một sự kiện mà cuối năm đó, cử tri Trần Ngọc Toán thẳng thắn chất vấn ông Chung: Việc Hà Nội bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch khi các chuyên gia của Nhật Bản đang thí điểm xử lý ô nhiễm đoạn sông này mà không thông báo trước khiến kết quả thí điểm bị huỷ, dư luận hoài nghi đặt câu hỏi có đúng như vậy không?

Thôi, bỏ qua những lằng nhằng tranh luận, có một điều mà chúng ta phải ghi nhận: Ông Chung cũng muốn làm sạch sông Tô Lịch.

Chỉ có điều, “cờ” giờ đã về tay một người khác: Tân Chủ tịch.

Có nhiều điều chúng ta cần phải nói với tân chủ tịch. Rằng nhiều người dân Hà Nội đã chịu đựng sự hôi thối suốt 3 thập kỷ qua.

Bởi dù dài chưa tới 15km, những mỗi ngày, sông Tô Lịch đang “hứng đủ” 150.000 m3 nước thải từ trên dưới 300 họng xả. Lượng bùn lưu cữu lắng đọng tháng này qua năm khác khiến nói đến con sông này là người ta phải bịt mũi.

Nó hôi thối đến mức dù thậm chí có một con đường “dành cho đạp xe và chạy bộ”, nhưng không một ai muốn mạo hiểm lỗ mũi và lá phổi của mình cả.

Mấy hôm nay, dư luận lại được dịp bàn ra tán vào khi một dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành một “Công viên lịch sử- văn hoá- tâm linh” được trình ra Thành phố.

Hình ảnh mô phỏng nom rất thích.

Nhưng người dân thích, không phải vì hình ảnh mang tính “phông bạt” ấy nó đẹp, mà là vì họ đã chịu đựng quá đủ, đã mong mỏi từ quá lâu một dòng sông đơn giản là không bốc mùi.

Cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch có khó không? Có!

Có tốn kém không? Rất tốn kém!

Nhưng Hà Nội thủ đô không nghèo khó đến mức để tồn tại suốt 3 thập niên một dòng sông chết, đầu độc cuộc sống người dân.

Nhưng khó không phải là không làm được. Chỉ cần sạch. Chỉ cần đừng nhìn nó như một miếng mồi thơm, để chẳng hạn nuôi những dự án cắt đoạn làm sạch cộng dồn cũng tiền đống, để bán vòng vèo những chế phẩm độc quyền bốc mùi.

“Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế”- ông Chung hồi đó đã trả lời cử tri Trần Ngọc Toán như thế.

Đúng thế. Và đúng cả ở việc không thể mãi đen cái dòng sông chết ấy ra “đùa” với sức khoẻ, cuộc sống người dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm