Bạn đọc viết:

Tâm sự của một sinh viên ngành y

(Dân trí) - Dù chưa chính thức trở thành bác sĩ, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm lâm sàng lâu năm, chuyện phong bì thì lại càng ngoài "tầm hiểu biết" với sinh viên chúng tôi. Nhưng tôi cũng xin ngỏ vài lời cho các bạn hiểu hơn về ngành của chúng tôi.

Thứ nhất, nói về chuyện thái độ phục vụ. Xin thưa với các bạn, bác sĩ là một con người. Mà đã là một con người thì ai cũng có tham - sân - si, lúc vui lúc buồn, lúc giận dữ; bác sĩ không phải một ông Phật sống. Vậy nên không một bác sĩ nào có thể cười 24/24 khi mà công việc của chúng tôi đòi hỏi tính khẩn cấp, trách nhiệm (cả pháp lí lẫn đạo đức), chưa kể những nguy cơ lây nhiễm bệnh tật rất cao... Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là bác sĩ có quyền có thái độ không đúng mực với bệnh nhân. Nhưng xin hãy đứng vào địa vị của chúng tôi trước khi phán xét một điều gì. Một buổi sáng có khoảng 10 bệnh nhân vào cấp cứu (với một bệnh viện tuyến tỉnh), trong đó khoảng một nửa đe dọa tính mạng. Thử hỏi người nhà bệnh nhân nào mà không nóng ruột, ai cũng đòi hỏi bác sĩ phải quan tâm đến bệnh nhân. Nhưng có bao giờ người nhà bệnh nhân nghĩ cho bác sĩ chưa. Không thể chỉ lo cho một người mà bỏ mặc 9 người. Cũng không thể cười với cả 10 người trong khi chính bác sĩ đang căng thẳng, áp lực để cấp cứu cho bệnh nhân. Một lần nữa xin mọi người hãy tự đặt địa vị của mình vào địa vị của chúng tôi. Nếu có chăng sự thờ ơ của bác sĩ thì cũng chỉ là lúc đó bác sĩ còn đang quan tâm đến bệnh nhân nặng hơn hoặc là bệnh nhân "bị thờ ơ" đã qua cơn nguy kịch. Ngành y của chúng tôi có nguyên tắc phân bệnh nhân thành nhiều mức độ nặng nhẹ để phân cấp độ ưu tiên xử trí và điều trị kịp thời.
 
Tâm sự của một sinh viên ngành y - 1
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

Thứ hai, nói về chuyện cái phong bì. Có ai biết rằng chúng tôi học chính quy 6 năm ra trường nhận cái bằng bác sĩ đa khoa. Sau đó học 1 năm định hướng, tiếp theo là 2 năm cho chuyện khoa cấp 1 hoặc thạc sĩ... Tính ra thời gian học ít nhất cũng là 8-10 năm, rất dài nếu so với các ngành khác. Mặc dù vậy, lương khởi điểm của chúng tôi là 2,34 (tôi không nhớ rõ lắm) nghĩa là khoảng gần 2 triệu với mức lương cơ bản hiện nay. Mỗi phiên trực 24h chúng tôi được phụ cấp 35.000 đồng. Mỗi 3 năm sẽ tăng bậc lương một lần. Như vậy một bác sĩ khi về hưu (ở tuổi 60 với nam) sẽ nhận được mức lương khoảng 5-7 triệu. Thưa quý vị, theo quý vị số lương đó có phù hợp với số nơ ron thần kinh mà chúng tôi đã bỏ ra không? Đó là chưa kể những trách nhiệm pháp lí và hiểu biết hạn hẹp của một bộ phận người dân còn kém.

 

Dân ngành y chúng tôi có một câu dạo này hay truyền miệng với nhau "làm tốt cả đời không ai hay, làm sai 5 giây cả nước biết". Thế đấy quý vị ạ. Chuyện nhận phong bì không phải mới mẻ với xã hội Việt Nam. Trước đây nó được xem là truyền thống đạo đức, còn bây giờ nó bị coi là vấn nạn đạo đức. Tôi hiểu sự bức xúc của người nhà khi phải bỏ ra một số tiền ngoài tiền viện phí, ăn uống thuốc men. Nhưng xin thưa với quý vị rằng nếu quý vị không đưa thì người ta cũng chẳng có gì mà nhận cả.

 

Còn quý vị nói rằng không đưa thì sợ bác sĩ không quan tâm là các bị đã sai lầm. Thời buổi kinh tế thị trường mở cửa không thiếu bệnh viện để quý vị lựa chọn. Đó là chưa nói đến việc sao quý vị không thưa hỏi lên ban giám đốc bệnh viện. Chẳng qua quý vị tự làm khó mình mà thôi. Bác sĩ không nhận thì một mực dúi vào túi áo, túi quần, bác sĩ nhận rồi thì lại quay sang hằn học... Có lẽ cái mà mọi người gọi là vấn nạn này sẽ giảm đi khi Viện phí và các khoảng thu khác được tăng giá theo cơ chế thị trường, bác sĩ được nhận đúng số lương phù hợp với công sức họ bỏ ra và khi mà chính quý vị đừng tự làm khó mình mà thôi.

 

Tôi tự hỏi đến khi nào bác sĩ VN sẽ nhận được 50 usd cho một lời tư vấn dinh dưỡng chưa đến 2 phút như bác sĩ ở Sing. Tôi cũng tự hỏi nếu ngành y mà cải tổ 100% theo kiểu bệnh viện dân lập thì sẽ như thế nào...?

Đây chỉ là suy nghĩ nông cạn của một sinh viên Y6 sắp bước chân vào con đường gian khổ. Nó không đại diện cho ý kiến của tất cả những ai đang theo ngành y hay cả ngành y nói chung. Tôi viết thư này chỉ mong rằng những ai đang "ghé mắt trông ngang" ngành y thì xin hãy nhìn chúng tôi ở một vị trí đủ ánh sáng và đủ góc nhìn. Xin đừng làm tôi nhụt chí dù chưa chính thức trở thành bác sĩ. Xin hãy để cho tôi được mãi giữ trọn niềm tin rằng xã hội luôn trân trọng ngành y, ngành mà tôi đang theo đuổi.

 

Chân thành cảm ơn quý vị đã chia sẻ!

 

Dr Tri
<tripham_dr@yahoo.com>