Cam kết nói không với “phong bì” - Chuyện khó tin...

(Dân trí) - Khi đã trở thành một nét “văn hóa” thì khó mà từ bỏ lắm, và “văn hóa phong bì” xem ra lại càng khó. Bởi không nhận cách này thì người ta có nhiều cách khác để nhận. Phải chăng đây chỉ là chuyện tiếu lâm thời hiện đại?

Dư luận dù rất mừng và phấn khởi khi nghe tin 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với “phong bì”, nhưng cũng có không ít người tỏ ra dè chừng, nghi ngại trước tính khả khi của chiến dịch này.

 

“Văn hóa phong bì” là tình trạng chung của các cơ quan không riêng gì bệnh viện. Bệnh nhân nhập viện nếu không có “phong bì” cho bác sĩ, y tá thì hãy đợi đấy, có phong bì đưa ra sẽ được quan tâm. Y đức bác sĩ dường như chỉ hô hào chứ thật ra rất hiếm thấy. Bởi có lẽ vì trong văn hóa tham nhũng là điều bình thường như ăn ngày 3 bữa không có gì phải vướng bận lương tâm. Tôi chỉ sợ “nói không với phong bì” đó là việc làm xa xỉ, hô hào thêm mất công thôi!” -  hong phong: phongnguyenpy@gmail.com lo ngại.
 
Cam kết nói không với “phong bì” - Chuyện khó tin... - 1

Người bệnh lo lắng, bởi chỉ vì gọi quá lượt lên, họ đành phải về và đợi 1 tháng sau khám lại khi đến khám tại viện K (Ảnh: H.Hải)

 

"Không phải vấn đề lương cao hay thấp đâu mà là lương tâm của con người thôi. Ở đâu cũng thế nên thành tục lệ mất rồi. Tăng lương cho bác sỹ và y tá thì cũng vẫn phong bì như thường thôi. Lòng tham mà khó từ bỏ lắm...” - nhân dân: anhcao01@gmail.com chán nản.

 

“Vấn nạn “phong bì” thật khó chống đỡ. Có bạn ý kiến là hãy quan tâm hơn đến ngành y tế để khỏi phải nhận phong bì ư? Hệ số lương ngành nào chẳng thế, mới ra trường là 2,34.... thậm chí ngành y tế còn có phụ cấp 20% nữa, hơn hẳn ngành khác rồi. Tôi nghĩ bây giờ có nâng lương lên cho các bác 10 triệu thì có khi phong bì không còn là 300k, 500k nữa mà phải là 3 triệu, 5 triệu. Cứ kêu lương thấp mà các bác sỹ có ai nghèo đâu?” - Minh Anh: minhanh89@gmail.com bức xúc. 

 

“Ui, cái văn hóa đó cam kết để làm gì? Bệnh viện lớn, bệnh viện nhỏ của huyện còn nói thẳng luôn. Ngày em đưa chị dâu em đi sinh em bé, vì phải mổ nhưng khi mổ may có bảo hiểm nên cũng đỡ chi phí. Nhưng bác sĩ nói thẳng: tiền bồi dưỡng là 1.000.000 đ đối với người không có bảo hiểm phải mổ, còn có bảo hiểm là 1.500.000 đ. Đẻ thường thì đều 500.000đ. Ký cam kết đều chỉ là trên giấy tờ, nói đúng hơn là ký mà không làm thì phạt ít tiền, coi như chia thêm cho một bên nữa chứ không được ăn cả như trước... Chán!” - Thoa: ms.thoa.nbt@gmail.com thất vọng.

 

“Bác sỹ mà không nhận phong bì mới là chuyện lạ. Trên đời bây giờ có mấy ai chê tiền đâu, nếu chê tiền thì làm gì phải thanh tra. Với đồng lương như thế này không nhận phong bì là chuyện lạ đó đây, chờ được bác sỹ thăm nom khám cho mình thì...” - Bùi Mạnh Hùng: bhungbn@yahoo.com.vn phản ánh.

 

“Nói thật là nếu có người nhà đi viện, bản thân chúng tôi nếu không đưa phong bì cho BS,Y tá cũng không thấy yên tâm. Đó là căn bệnh ngay trong tư tưởng của người bệnh nhân rồi. Thực tế là nếu không đưa phong bì và nhờ mối quan hệ thì bệnh nhân không được quan tâm, điều trị tích cực - điều này xảy ra ở hầu hết các bệnh viện. Tôi còn được biết ở một số bệnh viện một ca mổ được thoả thuận bồi dưỡng bao nhiêu tiền, có một người trong khoa đứng ra lo hết chia chác thế nào BS mổ, BS phụ, y tá bao nhiêu. Người nhà chỉ cần đưa tiền không cần gặp trực tiếp BS mổ” - Phạm Thúy Hà: thuyhatv06@yahoo.com.vn  nêu rõ.

 

Trong khi đó congnv congnv123@yahoo.com cho rằng “văn hóa phong bì” sẽ vẫn tồn tại: “Tôi nghĩ chuyện “phong bì” sẽ được làm theo hai hướng khác nhau. Ở đây được ví như đang sử dụng con dao thật bén ngọt, nhưng không khéo dễ đứt tay đấy. Đó là: Nếu phong bì được trao trong tâm trạng mang nặng ơn nghĩa thì được gọi là “văn hóa phong bì”. Vẫn phải cứ tồn tại. Chẳng hạn như, con cái biếu quà lì xì bố mẹ, bệnh nhân biết ơn bác sĩ chữa khỏi bệnh nặng... Còn phong bì được trao trong điều kiện được việc cho mình, như đút lót, chạy vạy, hối lộ, lại quả thì đừng nên. Bởi vì, những “công đoạn” ấy là nền tảng cho sự mở đầu của sa sút đạo đức và đi dần vào ngõ cụt thôi. Quy luật mà, sai một ly đi một dặm. Nhãn tiền ra đấy thôi. Hậu quả khủng khiếp cũng từ đấy thôi và mất mạng cũng từ đấy thôi mà”

 

Giang: giangcoi2003vn@yahoo.com rất kiên quyết: “Theo tôi thì cứ nâng lương cao cho các ngành như bác sỹ, công an và các ngành phục vụ xã hội khác. Nếu còn nhận phong bì nữa thì nhất định xử lý nghiêm, đuổi việc và thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân cùng biết. Tôi nghĩ, nếu làm như vậy sẽ không chỉ ngành y từ bỏ “văn hóa phong bì” mà các ngành khác cũng vậy”

 

Tương tự, Nguyen Van Binh: ndhai2020@gmail.com viết: “Bao giờ mà bác sỹ đi xin việc mà không mất phong bì, thì tôi nghĩ bác sỹ sẽ không nhận phong bì nữa”.  
 
Sau bài viết Nhân viên y tế 5 bệnh viện lớn cam kết nói không với phong bì,  ngay hôm sau (12/10), theo phản ánh từ bài  Từ chối phong bì, bác sĩ giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám ngoài của tác giả Anh Tú, không ít người bệnh đã lo lắng trước sự gắt gỏng của nhân viên y tế vì phong bì kẹp vào sổ khám bị trả lại, và có người bệnh được nhân viên y tế giới thiệu... ra phòng khám ngoài.
....

 

Trần Bách