Tâm sự của cây xanh trong trường học

(Dân trí) - Sự việc học sinh của trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) bị cây đổ gây thương vong cho học sinh vừa xảy ra thật đáng tiếc.

Tâm sự của cây xanh trong trường học - 1

Sự việc học sinh của trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) bị cây đổ gây thương vong cho học sinh thật đáng tiếc.  Nhưng có nhiều trường học thực hiện biện pháp quá tả mà theo họ là an toàn “chặt đi cho nó lành” đã tạo nên sự tiếc nuối những bóng cây râm mát ở khuôn viên trong tâm trí nhiều người, nhất là giáo viên và học trò.

Tôi là cây xanh trong trường học. Người ta đem chúng tôi đến với các cô cậu học trò từ ngày  còn bé tí. Qua nhiều năm tháng, dưới bàn tay chăm sóc của các thế hệ thầy và trò nhà trường, chúng tôi dần lớn lên, tỏa bóng mát che chở cho biết bao lớp học trò, đồng thời làm lá phổi xanh điều hòa không khí cho trường.

Chị em chúng tôi rất đa dang về chủng loại: nào xà cừ, bằng lăng, phượng, bàng…toàn những cây quen thuộc gắn với tuổi học trò, với những cái tên đi vào trong thơ ca, bài hát của tuổi “nhất quỷ nhì ma” ấy. Các cô cậu học trò vẫn hát “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, rồi “bằng lăng tím ngát tuổi học trò”. Các thầy cô giáo thì tự hào “tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. Chúng tôi cũng chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ học trò. Họ lớn lên từ mái trường này, tỏa đi muôn phương, trở thành người có ích cho xã hội. Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều cuộc chia tay của học trò cuối cấp, và không ít lần “được” khắc tên lên vỏ cây xù xì của mình. Rồi những cánh phượng, bằng lăng được ép trong những trang lưu bút. Hình ảnh “ghế đá, hàng cây” luôn in đậm trong mỗi cô cậu học trò. Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần vào đời sống tinh thần của các thành viên nhà trường, mỗi lần nhớ đến quãng đời tuổi thần tiên ấy, chẳng ai là không nhắc đến chúng tôi.

Chính vì chức năng tạo bóng mát, mà chúng tôi cũng được chăm chút thường xuyên. Hàng ngày chúng tôi được chăm bón để cành lá tốt tươi; định kỳ được “kiểm tra sức khỏe” để cắt tỉa bớt những cành sầu mục, vừa giữ an toàn cho các cô cậu học trò, vừa tập trung dinh dưỡng nuôi những cành khác lớn lên. Đặc biệt trước mỗi mùa mưa bão, chúng tôi đều được chọn lọc, tỉa bớt để tạo độ an toàn, không bị gục ngã trước bão tố của thiên nhiên. Nhớ lại một thời khó khăn trước đây, cùng với những dãy nhà tranh là sân trường bằng đất, mặt sân là cỏ mọc, những rễ của chúng tôi được tự do bò loằng ngoằng trên mặt sân đất như những con trăn khổng lồ, nhiều lúc còn kiêm thêm nhiệm vụ làm ghế ngồi cho các cô cậu học trò ôn bài. Bây giờ hiện đại hơn, bên cạnh những dãy nhà cao tầng, sân trường được lát bằng các loại gạch trang trí rất đẹp, mỗi chúng tôi đều được xây bao quanh gốc, và chừa lại một ô vuông để trồng hoa. Bộ rễ không còn được phát triển tự do, mà phải trong khuôn khổ. Loại cây có rễ chùm như chúng tôi cảm thấy ngột ngạt khó chịu, không có đủ độ bám, nếu cành lá không được cắt tỉa thường xuyên, rất dễ đổ ngã trước những cơn giông lốc, cuồng phong.

Thật buồn vì sự cố gần đây, một “cụ” phượng đổ làm thương vong nhiều học sinh. Nguyên nhân sẽ được các nhà chức năng làm rõ. Nhưng càng buồn hơn vì sau sự việc ấy, thay vì kiểm tra cắt tỉa cành, nhiều trường học đồng loạt “khai tử” những cây xanh lâu năm khi vẫn còn tươi tốt, đặc biệt là phượng. Có thể dư luận tạo áp lực khiến nhiều thầy cô hiệu trưởng chọn giải pháp an toàn cho bản thân với suy nghĩ: “Học sinh nắng cũng được, cảnh quan nhà trường thiếu cây xanh một chút cũng chẳng sao, miễn là an toàn”.  Và thế là việc chặt cây có thể sẽ tạo thành “làn sóng” không đáng có, khiến những cây xanh chúng tôi mặc dù vẫn còn khỏe mạnh bình thường cũng bị chặt hạ “cho an toàn”. Điều đó thực sự không nên.

Các thầy cô ơi! Đừng nên vì một sự việc hy hữu mà làm mất đi cảnh quan sư phạm của trường. Hơn nữa Bác Hồ đã dạy “vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để có được một cây xanh cho bóng mát, phải mất đến 10 năm, nhưng để hạ một cây xanh còn khỏe mạnh bình thường thì chỉ cần 10 phút. Họ nhà cây chúng tôi khẩn thiết đề nghị những người đứng đầu các trường học nên suy xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định chặt bỏ những cây đang lên xanh tốt. Nên chăng hãy kiểm tra thường xuyên và cắt tỉa những cành cây khô mục, gội bớt tán khi mùa mưa bão đến, đồng thời kiểm tra trồng bổ sung thay thế những cây có tuổi thọ lâu năm, có hiện tượng sâu mục, mất an toàn. Đặc biệt những cây có tính chất đặc trưng, gắn với tuổi học trò như cây phượng, bàng, bằng lăng thì càng cần thiết hơn bao giờ hết trong các trường học. Hãy cho chúng tôi được tiếp tục tỏa bóng trong sân trường, an toàn, xanh mát.

Thưa các thầy cô! Phượng đổ gây thương vong các bạn học sinh là sự cố đáng tiếc. Nhưng loài cây chúng tôi không có tội, mà chính là do con người vô tình không nắm được để xử lý kịp thời. Trong mùa hè năm nay, học trò phải đi học dưới cái nắng 39-40 độ thì vai trò cây xanh chúng tôi lại càng cần thiết. Thầy cô ơi! Hãy giữ lại cây xanh trong trường học, việc này cấp thiết hơn lắp máy điều hòa công nghiệp trong các lớp. Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định chặt một cây trong khuôn viên nhà trường, sao cho đảm bảo an toàn, lại không phá vỡ cảnh quan sư phạm. Việc này đòi hỏi sự sáng suốt trách nhiệm và hơn thế, là cái tâm.

Diễm Nguyệt