Bạn đọc viết
Tắm cho mẹ
Trong thực tế cuộc sống bộn bề, có không ít người giao phó toàn bộ việc trông nom cho “ô sin”. Hình ảnh “tắm cho mẹ” trong bài thơ sau là một hình ảnh đẹp, minh chứng cho lòng hiếu thảo cuả con cháu đối với người già. Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ đầy tính nhân văn này
Thoạt tiên, bài thơ gợi cho người đọc một cảm xúc bâng khuâng khi nhớ về cha mẹ mình đã khuất núi. Càng đọc, càng thấy được ý nghĩa nhân văn và lòng hiếu thảo hiếm thấy của người con đối với mẹ trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay. Xin ghi lại toàn bộ nội dụng bài thơ của tác giả Nguyễn Thị Minh (Viện Chăn nuôi Quốc gia):
Nồm sang, cái gió hiu hiu
Dỗ ngon, rủ tắm, con dìu mẹ ra.
Hạt mùi nấu với gừng ta
Che mành bớt gió kẻo bà nôn nao.
Áo len nhớ thuở yếm đào
Lược gương nhớ sợi tóc nào xanh mây.
Tay run chạm chốn vai gầy
Vết chai hằn những gánh đầy gánh vơi.
Tắm xưa: mẹ hát , con cười.
Tắm nay: con khóc, mẹ ngồi lặng im…
Đi qua bảy nổi ba chìm
Mẹ tôi thanh thản lim dim giấc già.
Bài thơ được viết theo thể lục bát, chỉ với 12 câu rất ngắn gọn, nhưng đã để lại cho người đọc không ít những suy nghĩ trăn trở. Thông thường người ta thường thấy mẹ chăm sóc tắm rửa cho con, vậy mà tác giả lại chọn hình ảnh con tắm cho mẹ làm ý chủ đạo cuả bài thơ. Trong cuộc đời, người mẹ bao giờ cũng dành hết phần khó khăn về mình, và nhường lại những thuận lợi, miếng ngon ngọt cho chồng con. Bây giờ về già, mắt đã mờ, chân đã chậm, thậm chí đầu óc không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên. Không tự chăm sóc được bản thân kể cả những việc vệ sinh cá nhân như tắm rửa, ăn uống, vì tay run, chân mỏi, mắt mờ mất rồi. Sức khoẻ yếu, lại không tự làm được mà nhờ con thì ngại ... Vậy mà ngươì con đã ý tứ, dỗ dành ngon ngọt để mẹ đồng ý cho con chăm sóc tắm rửa. Mẹ không đi được nữa, đến nỗi “con dìu mẹ ra”. Thật cảm động hình ảnh “dìu mẹ” cuả người con hiếu thảo. Còn đây nữa: người con đã rất tâm lý khi tắm cho mẹ: Không tắm bằng thứ sữa tắm hoặc xà phòng tắm được quảng cáo rất rầm rộ mà đã dùng “hạt mùi già nấu với gừng ta”. Các cụ ta xưa quan niệm tắm với nước hạt mùi già là để cho sạch sẽ, còn gừng là để giải cảm. Đây là bài thuốc, người con đã nấu thứ nước thơm ấy để tắm cho mẹ, còn tâm lý “ buông mành bớt gió” vì sợ mẹ bị lạnh. Mẹ già rồi, không thể dắt mẹ ra nhà tắm như mọi người, mà phải tắm trong phòng kín, lại còn “che mành bớt gió” kẻo sợ mẹ nôn nao trúng gió khó chịu. Khi chuẩn bị quần áo cho mẹ, người con lục tìm và thấy hiện lên trước mắt mình một quãng đời son trẻ cuả mẹ: Này gương lược , này yếm đào… mà giờ đây mẹ đâu còn sử dụng đến nữa. Mẹ vẫn phải mặc “áo len” trong khi trời đã “nồm sang”. Mẹ nằm ốm lâu ngày, tóc đã rụng, đâu còn dùng đến gương lược nữa. Một thời xuân sắc cuả mẹ hiển hiện trong mấy kỷ vật được mẹ cất kỹ khiến người con cảm thấy nao nao. Khi lần giở từng lớp áo mẹ đang mặc trên người, “tay run chạm chốn vai gầy” của mẹ mà sợ mẹ đau. Vâng. Và chợt khóc khi thấy được những vết chai trên vai mẹ. Vết chai hằn rõ những vất vả , “gánh đầy gánh vơi” khi tần tảo đầu chợ cuối hôm nuôi con ăn học, dạy dỗ con trưởng thành, khi lo trong ngoài chu đáo mọi công việc nhà chồng, tề gia nội trợ mà mẹ chẳng hề kêu ca phàn nàn. Chính những “Gánh đầy gánh vơi” ấy đã giúp con được học nên người, để bay đi khắp bốn phương trời, đem sức mình cống hiến cho đất nước, để biết yêu biết ghét, biết phân biệt phải trái trắng đen, để thuận hoà hiếu thảo và bây giờ đây để biết dành thời gian “tắm cho mẹ” trong khi rất vội, trăm công nghìn việc khác nữa. Người con có thể thuê người giúp việc và khoán trắng cho họ mọi sự chăm sóc cha mẹ mình. Nhưng không, “tắm cho mẹ” là thể hiện tình cảm, sự hiêú thuận, là thể hiện ngươì con đã biết nghe lời mẹ dạy : phải biết đối nhân xử thế, phải biết kính trên nhường dưới, biết được đường ăn ý ở. “Tắm cho mẹ” mà tay run khi chạm chốn vai gầy, khi chứng kiến những vết chai hằn trên vai mẹ, người con đã khóc. Vâng. Khóc vì thương mẹ, khóc vì tư hào có mẹ là điểm tựa trong cuộc đời giúp con giải toả mọi va vấp ưu phiền trong cuộc sống. Mẹ là nguồn động viên lớn lao để con được bay cao bay xa, bằng chúng bằng bạn. Nhớ lại thời xưa, người con hình dung khi mẹ tắm cho mình: mẹ đã từng nựng dỗ, đùa vui để con được thoả chí vẫy vùng trong chậu nước mát. Và chợt hình dung “tắm xưa: mẹ hát, con cười”. Còn bây giờ, con tắm cho mẹ mà xót xa. Con đã khóc. Còn mẹ thì vô cảm, lặng im. Câu thơ đến đây như lắng lại bởi hình ảnh “tắm nay: con khóc, mẹ ngồi lặng im” ấy. Những giọt nước mắt hối hận cuả người con khi nghĩ đến những lúc mình đã ham chơi, đã có lần không vâng lời mẹ, khi nhìn thấy vết chai hằn in trên vai mẹ. Mẹ “ngồi lặng im” vô cảm, chính sự vô cảm của người già không còn minh mẫn nữa đã khiến người con xót xa , thương mẹ nhiều hơn. Muốn ước mẹ trẻ lại , minh mẫn như xưa để con được báo hiếu với mẹ. Mẹ đã qua “bảy nổi ba chìm” của những gian truân cuộc đời, bây giờ già, như chuối chín cây, còn được bao lâu nữa? Các cụ xưa đã dạy “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, người con đã được làm mẹ cuả những đứa con, đã hiểu thế nào là tình mẫu tử. Tắm xong cho mẹ , người con cứ suy nghĩ miên man, còn mẹ đã “lim dim giấc già” ngủ thảnh thơi, êm đềm sau khi tắm mát. Có lẽ tuy không còn minh mẫn nữa, nhưng mẹ vẫn cảm nhận được lòng hiếu thuận của con, đã thanh thản đi vào giấc ngủ êm đềm mà không băn khoăn lo lắng nữa, mãn nguyện khi thấy con mình trưởng thành và hiếu thuận.
Tôi lại chạnh lòng nhớ về cha mẹ mình, đến nay đã khuất núi nhưng lúc sống cũng đã được các con chăm sóc chu đáo mà chẳng quản ngại, không hề kêu ca phàn nàn. Em trai tôi cũng đã xúc từng thìa cháo cho mẹ, cũng đã nhiều lần bế mẹ ra nhà tắm để chị em tôi giúp mẹ việc vệ sinh cá nhân, cũng đã rất hiếu thuận, đối xử trong ngoài và lo lắng cho cha mẹ tôi không quản ngại điều gì. Thật may mắn và hạnh phúc với những bậc cha mẹ có được những người con như vậy. Và cũng thật đáng buồn, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường xô bồ, người ta mải mê lao đi kiếm tiền mà phần nào xao nhãng việc báo hiếu. Họ cứ nghĩ đơn giản là chỉ cần “quẳng” một cục tiền cho “ô sin” là đủ trách nhiệm với cha mẹ. Và đáng buồn hơn, có những người con còn bạc đãi (thậm chí còn ngược đãi) cha mẹ mình, coi cha mẹ già là gánh nặng. Mong sao những trường hợp ấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.
Bài thơ đã khép lại, nhưng tình người cuả bài thơ như vẫn mãi đọng lại trong ta. Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đã từng viết:
“Mẹ ơi! Nếu được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi, trốn học
Con sẽ không trèo cây, không nô nghịch
Không còn làm mẹ buồn nữa đâu”
Thật là một sự đồng cảm tuyệt vời. Ai đã một lần có lỗi với mẹ, hãy đọc bài thơ trên để suy ngẫm, để hối hận và để răn dạy con cháu hãy sống sao cho hợp đạo lý truyền thống cuả người Việt Nam: Hiếu thuận, sống nhân ái giàu lòng yêu thương.
Có một câu hát khiến tôi cứ đau đáu trong lòng:
Nào ai còn cha xin đừng làm cha khổ
Hãy nhớ ghi câu thuận hiếu làm đầu
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không
Cha mẹ hai bên của tôi không còn nữa, nhưng mỗi khi đến ngày giỗ, tôi lại hồi tưởng về cha mẹ mình qua những kỷ niệm khó quên với tình cảm thiêng liêng, và đọc lại bài thơ như một nén tâm hương thành kính gửi đến cha mẹ mình. Xin chia sẻ vơí bạn đọc một chút hồi tưởng suy tư cuả mình để chúng ta cùng suy ngẫm, để sống sao cho cuộc sống tốt đẹp, để gia đình thực sự là tế bào tốt của xã hội.
Nguyễn Thị Diệp