Tắc nghẽn tầm nhìn
Việc nén hay trộn lẫn khu dân cư với khu công nghiệp là hệ quả của sự tắc nghẽn về tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách ở địa phương.
Tách rời các nhà máy, khu công nghiệp (KCN) ra khỏi và ra xa khu dân cư (KDC) là xu hướng và là điều bắt buộc tại các nước phát triển trên thế giới. Nhiều địa phương trong nước ta cũng đã và đang nỗ lực làm điều này. Trong khi đó, nhiều địa phương khác lại tìm cách “lội ngược dòng” khi xây dựng KDC áp sát, thậm chí “xẻ thịt” đất KCN để chèn vào đó.
Những thập kỷ trước, một số địa phương tiên phong về phát triển công nghiệp đã mắc phải sai lầm khi để nhà máy, xí nghiệp vây quanh, áp sát các đô thị hoặc để những KDC phát triển chen lẫn trong các KCN, trong khi không phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt về hệ thống giao thông.
Cùng với đó, trình độ công nghệ và quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề. Hậu quả là nhiều khu đô thị, thành phố hiện đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn, hệ thống an sinh xã hội không đủ đáp ứng, chất lượng sống suy giảm…
Đó là bài học nhãn tiền và không dễ khắc phục. Đáng tiếc là các địa phương đi sau vẫn tiếp tục bước theo vết xe đổ. Tương lai không xa, hậu quả rất xấu tương tự sẽ được lặp lại ở những địa phương này.
Việc nén hay trộn lẫn KDC với KCN là hệ quả của sự tắc nghẽn về tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách ở địa phương. Họ chỉ thấy lợi ích kinh tế trước mắt, không tính đến lợi ích lâu dài hoặc vì nhóm lợi ích cục bộ mà hy sinh lợi ích của cả cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nó còn cho thấy ở họ thiếu hẳn triết lý về sự phát triển bền vững nên không ngần ngại đánh đổi môi trường sống để vì mục đích kinh tế trước mắt hay cục bộ.
Dù muốn hay không, cuối cùng người dân cũng sẽ gánh chịu mọi hậu quả do những khiếm khuyết đó gây ra. Cùng với ăn, ở, đi lại, việc làm, học hành, bảo vệ sức khỏe, vui chơi giải trí… môi trường sống trong lành cũng là quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của mọi người dân và chính quyền không được phép bỏ qua hay xem nhẹ.
Chính quyền càng không được phép hy sinh quyền lợi ích chính đáng của người dân vì một nhóm lợi ích, như kiểu một số nhà đầu tư mượn tay chính quyền thu hồi đất của dân làm KCN với giá rẻ, sau đó cắt chính mảnh đất ấy làm KDC, phân lô bán nền bán với giá cắt cổ.
Chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cho môi sống tốt hơn. Khi môi trường sống tốt, về lâu dài sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm bởi sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư sạch, nguồn nhân lực có chất lượng cao đến sống và làm việc, khách du lịch cũng sẽ đến thăm. Một nơi môi trường sống trong lành cũng có thể làm tăng sức khỏe người dân và khiến họ làm việc hiệu quả hơn.
Kinh tế tăng trưởng nhưng chất lượng cuộc sống của người dân suy giảm thì sự tăng trưởng đó không còn ý nghĩa.
Theo Đại Dương
Tiền Phong