Tác giả “Đôi dép” - anh là ai?

(Dân trí) - “Tôi rất thích và vẫn luôn tìm hiểu ai là tác giả đích thực của bài thơ Đôi dép?. Nhưng hiện tại vẫn còn tranh cãi giữa tác giả Nguyễn Trung Kiên và tác giả Thuận Hoá. Vậy ai mới là “cha đẻ” bài thơ?” - Nguyễn Mạnh Toàn - Vĩnh Phúc thắc mắc.

Sau khi bài thơ tình lãng mạn Đôi dép (theo được biết hiện tại là của tác giả Nguyễn Trung Kiên) được đăng trên mục Blog đã nhận được rất nhiều khen ngợi từ phía bạn đọc. Tuy nhiên, từ bài thơ hay này mà đã có tranh luận về tác giả, có ba, bốn cái tên được nêu lên và câu hỏi đó là: Ai mới chính là người sáng tác? Bên cạnh đó lại có luồng ý kiến cho rằng bản gốc là của Puskin, Việt Nam chỉ dịch lại...

 

Thảo Nhi - Nữ - 29 tuổi - Từ Hải Phòng nhận định: “Đây chắc chắn không phải là bài thơ của Nguyễn Trung Kiên mà là của Hoàng Anh Tú. Bài thơ này rất nổi tiếng, được đăng lần đầu tiên trên báo Tết của báo Hoa Học Trò cách đây vài năm rồi”.

 

Thậm chí, Nguyễn quang trung - Nam - 21 tuổi - Từ Hà Nam còn đăng một phiên bản khác của bài Đôi dép để dẫn chứng lời mình nói: “Post thêm một phiên bản của bài thơ này nữa_ ai cũng nhận của mình, chả biết đâu mà lần...tuy nhiên đọc đều rất hay...:

 

ĐÔI DÉP: Bài thơ đầu anh viết tặng em. Là bài thơ anh kể về đôi dép. Khi nỗi nhớ nhung trong lòng da diết. Những vật tầm thường cũng hoá thành thơ. Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ. Có yêu đâu mà chẳng rời nửa bước. Cùng chung sức những nẻo đường xuôi ngược. Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau. Cùng bước cùng mòn chẳng kẻ thấp người cao. Cùng gánh vác sức người chà đạp. Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác. Số phận chiếc này như phụ thuộc chiếc kia. Nếu một ngày một chiếc dép mất đi. Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng. Giống nhau lắm nhưng mọi người sẽ biết. Hai chiếc này không phải một đôi chân. Như chúng mình mỗi lúc vắng nhau. Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía. Dẫu bên cạnh đã có người thay thế. Sao trong lòng nỗi nhớ cửa chênh vênh. Đôi dép vô tri khăng khít bước song hành. Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái. Tôi yêu em ở những điều ngược lại. Gắn bó cuộc đời bởi một lối đi chung. Hai mảnh đời thầm nặng bước song song. Chỉ dừng lại khi chỉ còn một chiếc. Chỉ một chiếc là không còn gì hết. Đến khi nào mới tìm được chiếc thứ hai kia!”

 

Để minh chứng đây là bài của tác giả Nguyễn Trung KiênPHUC VINH - Nam - 40 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh kể lại nguồn gốc ra đời bài thơ: “Tôi là 1 một người may mắn được chính tác giả Nguyễn Trung Kiên viết tặng bài thơ này. Đó là 1 buổi tối uống cafe ở Thanh Đa, cách đây hơn 20 năm rồi. Hôm đó Kiên đọc 2 bài thơ để tặng cho mọi người, tôi rất thích cả 2 bài thơ nên Kiên đã tặng cho tôi bài “Chuyện Tình Thủy Tinh” được đánh máy sẵn, còn bài “Đôi dép” Kiên chép lại cho tôi.

 

Tôi rất thích cả 2 bài này nên đã giữ rất kỹ, hôm nay tình cờ đọc lại bài thơ Đôi dép lòng tôi lại trào dâng những cảm xúc y như lần đầu tiên được chính tác giả Kiên đọc Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép Trung Kiên gởi đến các đọc giả yêu thơ bài “Chuyện Tình Thủy Tinh”, bài thơ này gây ấn tượng với mình ở sự cảm thông của Kiên đối với Thủy Tinh - 1 ý lạ nhưng rất thú vị CHUYỆN TÌNH THỦY TINH.

 

“Mỵ nương hỡi ngàn năm em có biết? Còn một người mãi tha thiết yêu em? Vì bất công mà lỡ mảnh oan duyên Phải ôm hận dưới đại dương sóng nộ. Em có nhớ buổi cầu hôn hôm đó Trước sân rồng tôi đã trổ oai linh Sức anh hùng đâu thua kém Sơn Tinh So văn võ ngang tài thần núi Tản Khó phân định nên Vua cha ra hạn : Sáng hôm sau dâng Lễ vật cầu hôn Thật bất công khi núi Tản gần hơn Mà em lại thuộc về người tới trước Giữa đại dương làm sao tôi tìm được "Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao" Những thứ này chỉ có ở núi cao Mà tôi lại là thần coi dưới biển Đám trung thần, vì tôi, xin tình nguyện Hóa thân thành lễ vật để dâng cha Nhưng tới nơi thì em đã đi xa Thua oan ức, Mỵ Nương ơi, có thấu! Đám bạch tuộc, ba ba, cá sấu Lũ tôm cua, cá mập, thuồng luồng Cãi lời tôi, cố theo đuổi Mỵ Nương Để bày tỏ công bằng và lẽ phải Nhưng Sơn Tinh đã ra tay sát hại Giết thủy dân xác ngập, máu tràn Một cuộc tình để trăm mạng thác oan Tôi là kẻ ngàn đời mang tiếng nhục Tôi có thể dùng cuồng phong, bạo lực Tung sóng triều dâng ngập núi Tản Viên Nhưng chỉ vì sợ làm hại đến em Và không muốn máu thường dân phải đổ Em có thấy đại dương cuồng sóng nộ Là mỗi lần tôi thương nhớ đến em Mãi ngàn đời sóng không thể lặng yên Vì thần biển chưa quên tình tuyệt vọng. BIÊN HÒA THÁNG 8 - TRUNG KIÊN”

 

Trong khi đó,Nguyễn Việt Hoài - Nữ - 20 tuổi - Từ Hà Nội khẳng định “chắc như đinh đóng cột”: “Bài thơ này vốn là của nhà thơ Puskin nên tôi nghĩ việc sử dụng từ “tác giả” ở đây không thực sự phù hợp. Vì được dịch từ một bài thơ Nga nên có nhiều bản dịch khác nhau cũng là chuyện rất đương nhiên. Bản thân tôi cũng rất thích bản dịch thơ của Nguyễn Trung Kiên. Nó rất hay và giàu cảm xúc, không làm mất giá trị của bài thơ gốc. Tôi biết bài thơ từ khi còn là học sinh cấp 3. Tôi có thể dám chắc bất cứ ai khi đọc bài thơ cũng có những suy nghĩ rất riêng về nó. Việc giữ lại nguyên vẹn được ý nghĩa của bài thơ gốc không phải là dễ. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng theo tôi nghĩ bài viết nên có dẫn chứng nguồn cụ thể về tác giả gốc của bài thơ để tránh gây hiểu nhầm và nhầm lẫn”.

 

Quang trung - Nam - 21 tuổi - Từ Hà Nội mong đợi: “Ôi bài này mình đọc ít nhất là 3 hay 4 phiên bản gì đó, chả biết chính xác mới chính là tác giả Đôi dép luôn... Rất mong được biết tác giả để độc giả chúng tôi còn biết ngưỡng mộ đúng người”.

 

Tương tự, Võ Văn Mạnh - Nam - 31 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh hy vọng: “Cách đây 5 năm mình đọc bài này thấy có một số chỗ khác biệt, chẳng hạn câu “khi nỗi nhớ trong lòng da diết” thì bài trước đó là “khi nỗi nhớ trở nên da diết”...Và một số câu nữa cũng khác. Sở dĩ mình rất nhớ từng câu từng chữ bài thơ này vì nó rất hay, một lối rất đơn giản, nhẹ nhàng...Vần thơ quen thuộc nhưng lại cảm giác rất mới... Hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được biết bối cảnh ra đời của bài thơ này”

 

Ngược lại, Thumap - Nam - 27 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng một bài thơ hay là quá đủ không nhất thiết phải “vạch vòi”: “Theo tôi được biết, thì ai là tác giả bài thơ này còn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số người nói là của Nguyễn Trung Kiên, một số lại cho rằng đây là của tác giả Thuận Hóa. Về bài thơ với những câu chữ như trên, thì tác giả được ghi là Nguyễn Trung Kiên. Còn bài thơ Đôi dép ghi tác giả là Thuận Hóa thì có khác đi một số từ. Tuy nhiên, tôi trân trọng nội dung bài thơ, thấy cái hay của nó vượt lên trên tầm những tranh cãi vụn vặt về quyền tác giả. Một bài thơ tuyệt vời!”.

 

Bạn Quan - Nam - 41 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu lại viết: “Bài thơ này là của Anh Nguyễn Quốc Huy, hiện công tác tại Cảng PTSC VŨNG TÀU viết cách đây hơn 10 năm rồi nhưng không xuất bản. Hiện Anh có rất nhiều bài thơ với cùng phong cách. Chúng tôi đề nghị anh xuất bản toàn tập thơ nhưng anh không chịu. Đề nghị anh Kiên liên hệ với tác giả để nhận thêm nhiều bài thơ mới nhé.

 

Một lần nữa, Bui Hong Nhung - Nữ - 22 tuổi - Từ Hà Nội bày tỏ nguyện vọng không chỉ của riêng mình: “Mình cũng thích bài thơ này từ rất lâu rồi. Nó rất ý nghĩa. Tuy nhiên, rất nhiều bản truyền khác nhau, mình cũng không biết tác giả thực sự của bài thơ này. Theo mình, bài thơ tuyệt vời này thì mình cũng như mọi người đều rất yêu thích và trân trọng nội dung của nó. Chính vì vậy, mình nghĩ, tác giả thật sự của bài thơ nên có tiếng nói, để mọi người không những được biết đến, được trân trọng người đó mà quan trọng là có thể giữ được nguyên bản của bài thơ. Mình trân trọng và yêu nó bởi chính cái nội dung giản dị nhưng đi vào lòng người. Một lần nữa mình cảm ơn và rất muốn biết tên tác giả của bài thơ!”

 

Qua Diễn đàn Dân trí, chúng tôi hy vọng một ngày không xa mọi thắc mắc của độc giả sẽ được hồi đáp.

 

Trần Bách