"Sức mạnh mềm" của người Việt

Nhiều năm ... tôi nhận ra rằng người Nga quý trọng, yêu mến người Việt không phải chỉ vì lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn bởi vì đức tính khiêm tốn, hiền lành, yêu lao động, thương người như thể thương thân của mỗi con người Việt.

 

Tác giả Nguyễn Thị Kim Hiền

Tác giả Nguyễn Thị Kim Hiền 
 
Nhiều năm sống, học tập và làm việc ở Nga, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người dân Nga, tôi nhận ra như vậy...
 

Tôi đã từng là một sinh viên được nhà nước Việt Nam cử sang học tập tại Liên xô trước đây. Lại là điều may mắn đối với tôi vì được học điều mà tôi yêu thích, đó là chuyên ngành Tiếng Nga và Văn học Nga. Do vốn tiếng Nga được đào tạo bài bản, nên tôi có điều kiện tiếp xúc, trao đổi về văn hóa, văn học, lịch sử của Việt Nam, của Nga và của thế giới với nhiều người Nga, từ các thầy cô trên lớp, đến các bạn bè cùng học, từ các vị đại diện cho tầng lớp trí thức đến những người dân bình thường. Qua đó thấy rằng người Nga rất muốn biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam ta.

 

Thời gian tôi còn là sinh viên, tôi vô cùng thích thú khi được các bạn Nga khen rằng người Việt nói chuyện với nhau "như tiếng chim hót", tức là các bạn không hiểu người Việt nói gì với nhau, nhưng nghe các âm thanh trầm bổng phát ra thì thấy hay. Thật là cảm ơn cha ông đã sáng tạo ra và để lại cho chúng ta một tài sản vô giá là tiếng Việt. Thật cảm động khi sống ở nước ngoài mà bạn lại gặp những người bản ngữ biết nói tiếng Việt, thích học tiếng Việt, cố gắng luyện âm để nói được tiếng Việt với các thanh âm trầm bổng như người Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài phải có ý thức quảng bá tiếng Việt ở nơi mình làm việc và sinh sống.

 

Hiện nay, tôi đang làm công tác với các chuyên gia người Nga, những người hiểu rõ lịch sử và các giá trị của nền văn hóa Việt, mới thấy rằng người Nga đã quan tâm như thế nào đến lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Có những người bạn Nga nói với tôi sau khi xem triển lãm nghệ thuật "Văn hóa phương Đông" được tổ chức tại Viện bảo tàng Phương Đông cuối năm 2010, nơi trưng bày các hiện vật điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam các thế kỷ trước, rằng nền nghệ thuật của Việt Nam "tinh tế đến tuyệt vời" và bây giờ chúng tôi mới hiểu hết được tiềm năng và sức mạnh của dân tộc Việt Nam". Đương nhiên đó chỉ là một lời khen, song nó hàm chứa một sự thật là nền nghệ thuật của Việt Nam đã chinh phục trái tim và khối óc của nhiều người trên trái đất này.

 

Cộng đồng người Việt ở Nga trong thời gian trước đây, khi chưa có kênh truyền hình VTV4 rất "đói thông tin" về các mặt tình hình trong nước, nhất là về văn hóa-nghệ thuật. Từ khi có kênh này, đời sống về tinh thần của bà con đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn không thể thay thế cho các hoạt động nghệ thuật trực tiếp khác như ca, múa nhạc, các triển lãm sách, Tuần lễ phim Việt Nam… Tôi còn nhớ, Tuần lễ văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Mátxcơva tháng 9/2011 thực sự là những ngày hội của cộng đồng người Việt ở Nga. Hôm khai mạc tại nhà hát Malyi ở trung tâm Mátxcơva đã không có đủ vé cho những người Việt có nhu cầu muốn xem. Đồng thời, những buổi chiếu phim ở các rạp luôn luôn chật cứng người xem, trong đó người Việt chiếm một nửa.

 

Tôi rất tâm đắc với đánh giá về vai trò của "ngoại giao văn hóa" của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh nêu trong bài viết mới đây của ông nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngành ngoại Việt Nam, khi ông viết: "Ngoại giao văn hóa đã góp phần nâng cao vị thế, phát huy "sức mạnh mềm" của đất nước, qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ của nước ta với các đối tác và tăng cường sự hiểu biết của thế giới về Việt Nam". Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài cần góp phần nhỏ bé mình vào sự nghiệp này, có thêm một người bạn yêu quý Việt Nam là thiết thực yêu đất nước.

 

Theo Nguyễn Thị Kim Hiền

(Ban Việt Ngữ, Đài tiếng nói nước Nga)

Thế giới&Việt Nam