Sống có trách nhiệm để bình an!
Trong xã hội hiện nay, ở Việt Nam hay trên thế giới, song song với sự phát triển thì nhiều vấn đề bất ổn cũng phát sinh, khiến con người đau khổ, mệt mỏi, đặt ra cho mỗi quốc gia nhiều vấn đề phải giải quyết…Trong nhiều giải pháp, thực hiện những lời của Đức Phật dạy là một trong những cánh cửa rất mầu nhiệm và thiết thực.
Hãy nhìn vào một hiện tượng xã hội đau lòng và bức xúc hiện nay là tai nạn giao thông. Năm 2018 nước ta có hơn 8000 người thiệt mạng, tức là mỗi ngày có 23 người chết do tai nạn giao thông, để lại nỗi bất hạnh không gì bù đắp, thay thế được cho thân nhân người bị nạn và trong nhiều trường hợp là cả người gây ra tai nạn.
Tại sao ai cũng biết gây tai nạn giao thông là hậu quả nghiêm trọng, là đối diện với sự trừng phạt của pháp luật… mà tai nạn vẫn gia tăng, bất chấp rất nhiều nỗ lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông? Có lẽ sâu xa, đó là do lối sống. Lối sống thiếu trí tuệ và trách nhiệm đã gây ra nhiều hệ lụy. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng, nếu mỗi người dù là Phật tử hay không, đều sống theo lối sống mà Đức Phật chỉ dạy thì sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
Với những người không xuất gia, lối sống mà Đức Phật dạy chỉ gồm năm nguyên tắc, đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
Không sát sinh là không tàn sát sự sống, là trọng lẽ hiếu sinh, yêu thương, tôn trọng sự sống. Không sát sinh không chỉ là không giết hại động vật, mà không sát hại cả thực vật, cỏ cây, môi trường. Thực hiện được nguyên tắc này thì sẽ hạn chế được nạn phá rừng, chặt cây bừa bãi, nạn xả chất thải không qua xử lý ra môi trường làm hủy hoại môi sinh, khiến tôm cá chết ngạt, khiến những cánh đồng bị bỏ hoang… Trọng lẽ hiếu sinh cũng là một biểu hiện của lòng thương xót, yêu thương mà con người cần nuôi dưỡng, nhà Phật gọi là từ bi.
Không trộm cắp là thực hiện lối sống chính trực, ngay thẳng, không lấy của người khác làm của mình. Thực hiện được nguyên tắc này thì tội phạm sẽ giảm thiểu, nhất là những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, giảm thiểu cả tội phạm tham nhũng, vì suy cho cùng tham nhũng cũng là một dạng trộm cắp: trộm cắp tài sản, trộm cắp cơ hội của người khác để thỏa mãn lòng tham lam, chiếm đoạt của mình. Tham cùng với Sân (tức giận) và Si (mê muội) Đức Phật gọi đó là “tam độc”, là những nguyên nhân gây ra đau khổ, phiền não cho con người.
Không tà dâm là thực hành lối sống lành mạnh để bảo vệ hạnh phúc mỗi gia đình, để mỗi gia đình là một mái ấm, trong đó vợ chồng chung thủy, tin tưởng, yêu thương nhau. Cha mẹ yêu thương, tôn trọng nhau thì con cái sẽ được nuôi dưỡng trong yêu thương, hạnh phúc. Từ mỗi “tế bào của xã hội” có sự êm ấm, tử tế thì nhất định cả xã hội cũng sẽ tử tế, an lành.
Không nói dối là luôn trung thực với mình, với người. Dối trá gây nên những hậu quả ghê gớm, mà ngày nay biểu hiện của dối trá diễn ra vô cùng phức tạp, đó là thực phẩm bẩn, là dược phẩm giả, rồi bằng cấp giả, chữa điểm tuyển sinh… rồi vô số những biểu hiện khác, dẫn đến lòng tin của con người ngày càng cạn kiệt, gây hoang mang, lo lắng, bất an. Một xã hội tốt đẹp không thể có được trên nền tảng của sự dối trá, do đó phải không ngừng giáo dục và tự giáo dục về sự chân thành, trung thực, gìn giữ chữ tín với mọi người.
Không uống rượu là lời dạy từ hơn 2000 năm trước mà vô cùng thiết thực với cuộc sống đương đại Việt Nam. Vừa mới đây, Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, bởi đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả thảm khốc do lái xe đã sử dụng bia rượu quá đà. Rượu bia quá đà ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn tính mạng của chính mình và nhiều người khác. Và vô số vụ án hình sự có nguyên nhân từ sự say xỉn rượu bia.
Hiểu rộng hơn, không uống rượu là không sử dụng những chất kích thích, gây nghiện mà nguy hiểm nhất hiện nay là ma túy. Tránh xa bia rượu, ma túy, thuốc lá… sẽ mang đến bình an và sức khỏe cho chúng ta.
Năm nguyên tắc sống mà Đức Phật gọi là “ngũ giới” trên đây dù bất kỳ ai thực hiện, cũng đều mang lại kết quả tốt đẹp, đó là sự an vui, thanh thản, không lo âu, mệt mỏi, chán chường. Đó không phải là một phép lạ mà kết quả kỳ lạ, và đó không phải do Đức Phật hay đấng siêu nhiên nào ban cho mà mỗi người phải tự mình rèn luyện mỗi ngày, tự mình thay đổi để ngày hôm nay tốt đẹp hơn ngày hôm qua./.
Theo Thái Vũ
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam