Sôi nổi bàn chuyện “mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô”

(Dân trí) - Vấn đề mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô vẫn đang được nhiều bạn đọc tiếp tục quan tâm với những ý kiến trái chiều nhau để tìm ra được sự đồng thuận góp phần tích cực cải thiện tình hình kẹt xe tắc đường nghiêm trọng ở một số thành phố lớn của nước ta hiện nay.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Thời gian qua, dư luận bàn nhiều về đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội – Mỗi công dân chỉ được cấp một số đăng ký xe ô tô và chịu trách về biển số đó của mình, nếu công dân có nhu cầu đổi xe thì vẫn sử dụng biển số của xe cũ. Cùng đó, quy định điều kiện để công dân được đăng ký xe là phải có tài khoản ngân hàng… và khẳng định sẽ áp dụng càng sớm càng tốt.

Có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này. Bạn đọc Son Nguyen fb_google@openid.com : “Thấy việc này khá hợp lý! Việc mỗi công dân chỉ sở hữu một biển số xe sẽ dễ quản lý để xử phạt (xử phạt nguội rất hiệu quả), khiến người dân có trách nhiệm về việc quản lý, sang tên, đổi chủ. Xe dịch vụ thì cần có một điều khoản riêng. Còn về để giảm tải giao thông thì có ai cùng một lúc điều khiển được 2 phương tiện một lúc đâu!” Bạn đọc Ánh Hoàng ngọc fb_google@openid.com : “1000 like cho việc này. Mong các bác sớm áp dụng”. Bạn đọc Vinh Bùi ducvinh267@gmail.com : “Việc này lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Mỗi người giữ biển số xe của mình đến hết đời, đỡ lãng phí khi thay đổi xe. Mỗi lái xe phải có tài khoản để tiện khi xử lý phạt nguội cũng như nóng. Cần trang bị cho các tổ kiểm tra giao thông mỗi tổ một máy quẹt thẻ ngân hàng, khi lái xe vi phạm phạt tiền bằng quẹt thẻ, không phải giữ giấy tờ. Lái xe nào không có thẻ thì cứ giữ giấy tờ cho đi nộp phạt và quay lại lấy, thế là phải làm thẻ ngay thôi. Cần triển khai gấp. Cám ơn đại tá Đào Vịnh Thắng”.

Tuy nhiên không ít ý kiến không đồng tình với đề xuất này.

Thứ nhất, bạn đọc nêu sự bất hợp lý mỗi người chỉ được có một xe ô tô để giảm mật độ giao thông. Bạn đọc Phú Lê fb_google@openid.com : “Tôi có 10 chiếc xe nhưng tôi chỉ chạy một chiếc thôi. Tôi đâu cùng lúc chạy 10 chiếc đâu mà lo”. Tiensinh tiensinh.baclieu@gmail.com : Tôi đứng tên 3 cái xe, một xe 7 chổ, một xe 4 chỗ và một xe 2 chỗ. Nhưng cùng lúc tôi có đi cả 3 xe ra đường đâu????” . Ban đọc Trần Việt Anh fb_google@openid.com: “Thế tôi thích 3 loại xe khác nhau thì một biển dùng 3 xe à?? Ví dụ một xe sedan đi chợ, một xe bán tải đi địa hình xấu, một xe sang đi tiếp khách làm ăn...thì 3 cái xe chung nhau một biển à? Nghe thấy kỳ ghê”.

Thứ hai, bạn đọc cho rằng quy định đó là vi hiến. Bạn đọc Phạm Văn vanpham71@yahoo.com viết: “Hiến pháp Việt Nam qui định công dân có quyền tự do sở hữu tài sản và được pháp luật bảo vệ, cấm như vậy không thấy vi hiến sao ???” Bạn đọc Tuan Leviet fb_google@openid.com: “Quyền sở hữu tài sản do Hiến pháp quy định, khi Hiến pháp chưa có quy định khác thì không có bất cứ tổ chức hay cá nhân nào có quyền hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, xe ô tô là tài sản của công dân, ông Đào Vịnh Thắng à. Việc có tài khoản ngân hàng hay không cũng vậy, khi mà hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu về sử dụng tiền qua tài khoản ngân hàng thì cũng không thể cấm công dân không có tài khoản ngân hàng không được mua xe...”

Thứ ba, bạn đọc không dồng tình với ý kiến của Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết “Việc mở tài khoản khi đăng ký xe và áp dụng quy định mỗi công dân sử dụng 1 biển số đã được nhiều nước thực hiện, đề xuất này cũng được kiến nghị nhiều năm”, Bạn đọc Nhu Le nhulenguyen12@hotmail.com viết: “Không có một đất nước nào trên thế giới này cấm người dân sử dụng 2 xe cả. Tôi có tiền mua một xe hơi loại nhỏ để đi lại đường gần và một chiếc cho đường xa, đồi núi, tại sao phải cấm?” Ban đọc Anh Vũ khoikom@gmail.com: “Tôi không biết nước nào đã áp dung luật này, nhưng tôi biết nhiều nước phát triển không có luật này. Tôi không biết có nước nào quy định phải có tài khoản ngân hàng mới cho đăng ký biển số xe không???” Bạn đọc Tran Quoc Hung fb_google@openid.com: “Làm gì có nước nào quy định một người chỉ được sở hữu một ô tô, nếu ngược lại một ô tô chỉ được gắn với một biển số thì mới hợp lý và dễ quản lý hơn”.

Về vấn đề này, Bạn đọcAn Dũng Đỗ fb_google@openid.com đang sống ở nước ngoài cũng gửi bình luận (comment) về, cho biết: “Tôi hiện đang ở Đức, mỗi người có thể có nhiều xe và mỗi xe chỉ có một biển số trong một thời điểm. Nếu muốn biển số mong muốn (Việt Nam gọi là biển số đẹp) bạn cần phải trả thêm tiền, không nhiều như ở Việt Nam. Khi bạn bán xe, bạn phải có trách nhiệm thông báo với nhà quản lý, nếu không khi xe bị vi phạm giấy phạt vẫn sẽ gửi về cho bạn và bạn phải chịu trách nhiệm. Khi mua xe mới, bạn lại sẽ được cấp biển số xe khác. Khi bạn đăng ký xe phải khai báo địa chỉ của mình, nếu giấy phạt gửi về mà bạn không phản hồi, trả lời hay nộp phạt thì hồ sơ của bạn sẽ bị đưa qua toà án và nâng tiền nộp phạt. Nếu chính thức ra toà bạn còn phải nộp tiền toà nữa, rất rất rất tốn kém. Còn việc nộp phạt ở Đức thì bạn chỉ cần chuyển tiền đến tài khoản của nơi ra quyết định phạt thôi, tài khoản nào cũng được (của chủ xe, bạn chủ xe, người thân,...), miễn là có đóng tiền nộp phạt là được. Bên này không ai đi giữ xe vi phạm vì bản thân cái xe không có lỗi, mà lỗi là người vi phạm. Trong trường hợp bạn bị tịch thu bằng lái xe thì họ sẽ gửi về một nơi lưu trữ nhất định. Khi bạn được nhận lại giấy phép lái xe thì bạn đến đăng ký và sẽ nhận lại ở một trung tâm gần nơi bạn ở nhất. Không có chuyện bạn ở ngoài Bắc, mà bị tịch thu bằng ở trong Nam lại phải vào Nam lấy lại bằng và nộp phạt ở đó. Còn thời hạn phải đổi Giấy phép lái xe ở bên này là 15 năm kể từ khi giấy phép đó được cấp hoặc đổi (có những người có giấy cũ mà ghi vô thời hạn thì vẫn được dùng cả đời, không bị bắt đổi. Nếu đánh mất thì phải thực thi theo Giấy phép mới). Do đó, vấn đề ở đây không phải một người được sở hữu mấy xe, mấy biển số xe, mà là ở vấn đề quản lý con người và thực thi pháp luật có được nghiêm hay không. Quan trọng nữa là cảnh sát giao thông chỉ được phép ghi giấy phạt chứ không được thu tiền. Toàn bộ quá trình nộp phạt sẽ được thực hiện bằng chuyển khoản qua ngân hàng. Bạn ở Việt Nam cũng nộp phạt được”.

Vấn đề mỗi công dân chỉ được cấp một biển số xe ô tô vẫn đang được nhiều bạn đọc tiếp tục quan tâm với những ý kiến trái chiều nhau để tìm ra được sự đồng thuận góp phần tích cực cải thiện tình hình kẹt xe tắc đường nghiêm trọng ở một số thành phố lớn của nước ta hiện nay.

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)