Sợi dây rút kinh nghiệm kéo dài đến bao giờ?

Thu hồi đất trái luật, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người dân nhưng cũng chỉ rút kinh nghiệm?! Người dân có quyền đặt câu hỏi: Đây là hình thức kỷ luật hay bỡn cợt người dân của lãnh đạo TP Bắc Giang?


Phóng viên Báo Dân trí làm việc với lãnh đạo TP Bắc Giang

Phóng viên Báo Dân trí làm việc với lãnh đạo TP Bắc Giang

Công luận nhiều lần lên tiếng: Phải xử lý thật nghiêm khắc với cán bộ mắc những sai phạm liên quan đến mảng đất đai mới hy vọng giải quyết phần nào những bức xúc nhất hiện nay. Nhưng không ít vụ việc cho thấy, cán bộ mắc sai phạm vẫn chỉ bị yêu cầu rút kinh nghiệm – điều càng khiến dân bức xúc hơn.

Về nội dung này, trong buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15.9.2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: “Trong năm, số lượng đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng mạnh cho thấy nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất, mức độ phức tạp và gay gắt hơn.” Cũng tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến khẳng định: Khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai.

Vậy vì đâu tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn gay gắt, có chiều hướng phức tạp?

Một trong những ví dụ điển hình cho tình hình này là dấu hiệu cố ý làm trái của một số lãnh đạo ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Họ không chỉ thu hồi đất trái Nghị định của Chính phủ, mà những lãnh đạo này còn thu hồi dôi ra đến 174 lô đất để bán đấu giá. Đáng chú ý là, có vị với trách nhiệm người đứng đầu liên quan đến sai phạm đó vẫn được thăng chức?!

Đây là nội dung đang được Dân trí làm loạt bài điều tra và vẫn đang tiếp tục làm rõ.

Một loạt câu hỏi được đặt ra trong vụ việc này là: Vì sao ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – Chủ tịch UBND TP Bắc Giang lúc xảy ra các sai phạm trên - vẫn chưa bị làm kiểm điểm? Vì sao sai phạm trên là rất rõ ràng, nhưng tất cả các cơ quan chức năng của tỉnh, của TP Bắc Giang đều không phát hiện ra? Nếu không có những đơn thư tố cáo với những bằng chứng không thể chối cãi, vụ việc này chắc vẫn là … đúng quy trình. Một câu hỏi nữa cần đặt ra: Số tiền bán 174 lô đất ấy đã được sử dụng như thế nào và những ai được mua những lô đất đó? Có hay không những đồng tiền ấy chảy vào túi một số quan chức địa phương?

Chắc chắn một điều, vì cách thu hồi đất quá đà này không thể lọt tai mắt của người dân – đặc biệt, nếu chính họ là những người bị thu hồi đất với giá rẻ mạt. Vậy nhưng, tại sao những lãnh đạo của TP này vẫn dám thu hồi trái luật như vậy? Phải chăng, họ tin rằng, quyền lợi chằng chịt của các nhóm lợi ích sẽ che chắn cho mình?

Câu hỏi này đặt ra hoàn toàn lô gich, bởi lẽ, hiện nay, tất cả những cán bộ bị xem xét kỷ luật đều không bị kỷ luật mà chỉ cần … rút kinh nghiệm. Đặc biệt, người đứng đầu UBND TP Bắc Giang thời điểm diễn ra sai phạm đó hiện vẫn yên vị với chức danh mới: Phó chủ tịch tỉnh. Với công luận, vị Phó chủ tịch này vẫn chưa phải kiểm điểm gì.

Vậy, xử lý kỷ luật kiểu này có khác gì bỡn cợt, thách thức người dân?

“Lò” đã nóng, lẽ nào những sai phạm gây bức xúc, rất bức xúc cho người dân vẫn chỉ cần rút kinh nghiệm?

Chắc chắn, với chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những vụ việc kiểu này không thể chìm xuồng. Chỉ có thể là, những ai muốn bao che cho các sai phạm này sẽ phải … chìm cùng xuồng. Dư luận tin tưởng như vậy.

Vương Hà