“Siêu dự án” đường sắt tốc độ cao: Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn
(Dân trí) - Không chỉ là “tham vọng” ăn sáng Hà Nội, cà phê tối Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng với vận tốc 300km/h, chúng ta có thể ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa ở Sài Gòn.
Bên lề Hội thảo Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt tốc độ cao đã nằm trong chiến lược hoạch định và phát triển, phải có đường sắt tốc độ cao mới đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2050, có đề cập đến việc xây dựng đường sắt tốc độ cao, xin Thứ trưởng cho biết cụ thể?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2050, trong đó xác định hướng phát triển rất cụ thể đối với đường sắt hiện hữu và đường sắt xây dựng mới của các tuyến.
Chúng tôi cho rằng tuyến hành lang Bắc - Nam từ Hà Nội vào TPHCM là hành lang hết sức quan trọng trong hoạt động vận tải, trên hành lang này có rất nhiều phương thức tham gia như đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sắt. Tuy nhiên, đánh giá chung thì mỗi phương thức vận tải có một ưu thế riêng, với đường sắt là vận tải đường dài, khối lượng lớn và phải xây dựng một tuyến đường sắt mới trong tương lai mới đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Theo hoạch định và chiến lược nghiên cứu thì từ nay đến năm 2020 tập trung vào đầu tư nâng cấp cải tạo đường sắt hiện hữu để nâng cao năng lực chạy tàu lên tốc độ 80-90km/giờ đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng. Song song với đó là nghiên cứu để xây dựng đường sắt tốc độ cao trong tương lai và dự kiến trong chiến lược là xây dựng sau năm 2020.
Tức là không thể không có đường sắt tốc độ cao trong tương lai, thưa Thứ trưởng?
Đường sắt tốc độ cao đã nằm trong chiến lược hoạch định và phát triển, phải có đường sắt tốc độ cao mới đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai. Đây là dự án siêu lớn, do đó phải có thông qua chủ trương của Quốc hội và Bộ GTVT phải làm công tác chuẩn bị rất dài.
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ được thiết kế như thế nào và phương án vốn sẽ huy động cho dự án?
Đường sắt tốc độ cao hoàn toàn độc lập, đó là tuyến song hành so với tuyến hiện hữu và sẽ được xây dựng tuyến đường sắt đôi có chiều đi - chiều về chứ không sử dụng chung một đường sắt đơn như hiện tại.
Tổng số vốn theo quy hoạch lên tới 40-50 tỷ USD, đây là số vốn rất lớn mà ngân sách nhà nước xác định chỉ đáp ứng được khoảng 28%, phần còn lại chúng tôi đặt mục tiêu phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau, huy động của tư nhân ở trong và ngoài nước, vốn ODA…
Vậy mục tiêu của Bộ GTVT là khi nào bắt đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao và đến bao giờ thì đưa vào khai thác, thưa Thứ trưởng?
Khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì sẽ phải thực hiện rất nhiều bước khác nhau, như: nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn, kêu gọi nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu đối với phần vốn nhà nước… Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2020 bắt đầu xây dựng, sẽ phải mất 4-5 năm thì dự án mới có thể hoàn thành và đưa vào khai thác (tức là khoảng năm 2024).
Đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản
Vậy “tham vọng” ăn sáng tại Hà Nội, tối cà phê Sài Gòn là hoàn toàn có thể thực hiện được?
Đó là nằm trong hoạch định, trong giai đoạn đầu khai thác từ Hà Nội vào TPHCM là 100-200 km/h thì sẽ mất khoảng 8 tiếng. Nhưng sau khi hoàn thành toàn tuyến thì sẽ khai thác ở tốc độ là 300km/h, sẽ chỉ mất 5-6 tiếng là vào tới TPHCM, như vậy thì còn có thể ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa ở TPHCM.
Hiện tại Bộ GTVT đang triển khai những gì cho “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao, thưa Thứ trưởng?
Sau khi nhận được chiến lược được Chính phủ phê duyệt thì Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch cho việc tổ chức nghiên cứu để làm rõ những nội dung mà Quốc hội yêu cầu giải thích khi Bộ GTVT trình lên trong kỳ họp trước đó, cung cấp thông tin, bổ sung phân tích số liệu, đánh giá để làm rõ từng mặt, hoàn tất dự án nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội.
Để thực hiện được mục tiêu và chiến lược phát triển đường sắt tốc độ cao thì phải nghiên cứu ngay từ bây giờ để làm công tác chuẩn bị, nghiên cứu thu xếp nguồn vốn, hoạch định hướng tuyến, phối hợp với quy hoạch của các địa phương để xác định nhà ga trong tương lai… Cùng với đó là thu hút nhà đầu tư, lĩnh vực nào kêu gọi tư nhân, lĩnh vực nào là của nhà nước, sau đó là làm các thủ tục thông qua.
Trong kế hoạch chuẩn bị cho dự án chúng tôi rút kinh nghiệm từ các dự án hiện hữu về xây dựng chiến lược truyền thông, tổ chức hội thảo mời các chuyên gia, các nhà khoa học, lấy ý kiến người dân, thông báo với cộng đồng…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Châu Như Quỳnh (thực hiện)