Scarborough với Việt Nam? Trung Quốc đừng tưởng bở!
Quen ăn từ "nước cờ Scarborough" đã sử dụng với Philippines, Trung Quốc muốn áp tiếp cho Việt Nam khi đưa giàn khoan trái phép cùng đội tàu hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam. Bước đầu Trung Quốc đã phải nếm trái đắng.
Chiêu bài dân sự để chiếm hữu thực tế
Trong trường hợp bãi cạn Scarborough vào năm 2012, khi hải quân Philippines chuẩn bị bắt giữ một số tàu cá của TQ đang hoạt động trái phép quanh khu vực bãi cạn nhưng hai tàu hải giám TQ đã nhanh chóng di chuyển đến khu vực tranh chấp để ngăn chặn hải quân Philippines tiến hành bắt giữ ngư dân TQ. Mặc dù các tàu cá này đã được an toàn rời khỏi khu vực bãi cạn, song cả hai chính phủ TQ và Philippines đều tỏ ra cứng rắn.
Bãi cạn Scarborough - tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc (ảnh từ internet)
Có thể thấy rõ công cụ dân sự Scarborough được TQ sử dụng thuần thục phục vụ cho mưu đồ xâm chiếm biển Đông của TQ. Đó chính là việc chiếm hữu thực tế tại các vùng biển xung quanh đảo. TQ đã lợi dụng cái cớ lực lượng hải quân Philippines uy hiếp tàu cá TQ để tiến hành hoạt động gọi là bảo vệ ngư dân của nước này, từ đó tiếp tục điều thêm các tàu hải giám cùng các tàu cá khác hoạt động tại khu vực có tranh chấp với Philippines. Cuối cùng lợi dụng việc Philippines rút khỏi khu vực, TQ đã ồ ạt mang công cụ tàu phi quân sự vào khu vực bãi cạn để nắm quyền kiểm soát.
Muốn có Scarborough thứ hai ư?
Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN theo luật pháp quốc tế, TQ cũng đã tính toán rất kỹ lưỡng. TQ đã điều đến trăm tàu phi quân sự các loại bao quanh khu vực giàn khoan. Khi lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền, kêu gọi TQ rút giàn khoan thì phía TQ liên tục gây sức ép bằng việc tấn công bằng vòi rồng, đâm húc, không cho các tàu thực thi pháp luật của VN tiến gần đến vị trí của giàn khoan. Song song với các động thái trong hai lĩnh vực nghề cá và dầu khí, TQ sẽ tăng cường những sự kiểm soát quân sự núp bóng dân sự khác trên biển nhằm xâm chiếm một vùng biển rộng lớn tối đa.
Xét một cách cụ thể trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 về kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực TQ hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon, dầu khí lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỉ USD và chi phí vận hành lớn rõ ràng không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng TQ sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà TQ tuyên bố và tự cho là có chủ quyền tại biển Đông.
Nhìn vào hai trường hợp của VN và Philippines có thể nhận thấy rõ những bước đi được toan tính một cách tỉ mỉ của TQ nhằm độc chiếm biển Đông: Tạo nên một thế cù cưa trong một thời gian dài, qua đó hình thành một tiền lệ cho những lần đặt giàn khoan thứ hai hay thứ ba trong khoảng thời gian ngắn hơn và cuối cùng huy động các loại tàu phi quân sự bố trận tạo ưu thế chênh lệnh, mưu đồ biến tất cả thành một “sự đã rồi” nhằm xâm lấn, áp quyền tài phán và khai thác.
Hành động gây hấn, chèn ép trên biển Đông giữa TQ sử dụng với Phillipines hay VN đã cho thấy rõ những chiến lược “tằm ăn dâu” được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị từ trước. Ngày trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự”. Có thể thấy rằng TQ đang cố tình biến vùng biển Hoàng Sa và Scarborough thành của mình theo cách này, từ đó vận dụng chiến thuật này để tiến hành cuộc Nam tiến trên biển, đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai thác tại các vùng ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, các vùng biển lân cận của Philippines với hải quân khổng lồ của họ luôn núp phía sau.
Đâu có dễ vậy
Qua những diễn biến căng thẳng trên biển Đông hơn một tháng qua, có thể nhận thấy rằng TQ đang sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một phép thử nhằm đánh giá đúng hơn phản ứng của các nước liên quan - đặc biệt là VN, tương tự như Philippines trong sự kiện bãi cạn Scarborough - và rộng hơn là phản ứng của các cường quốc. Tuy nhiên, không phải phép thử nào cũng diễn ra “thuận lợi” như Scarborough.
Mưu đồ của TQ đối với sự kiện giàn khoan trái phép đặt trong vùng biển VN lần này đã vấp phải sự lên tiếng mạnh mẽ hơn nhiều từ Nhật, Mỹ, ASEAN. Diễn biến vụ việc Hải Dương 981 khiến Nhật thêm lo ngại, trong bối cảnh Nhật và TQ đang có tranh chấp về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và TQ thường xuyên đưa tàu tuần tra tới thách thức quyền quản lý trên thực tế với quần đảo này. Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 20 diễn ra tại Tokyo đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trong khu vực gây ra bởi hành động đơn phương của TQ.
Cùng đó, trong cuộc điều trần ngày 20-5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, các nghị sĩ Mỹ cho rằng các hành động của TQ gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Obama tại Trường quân sự West Point; cũng như các phát ngôn cứng rắn từ Phó Tổng thống Joe Biden đến Ngoại trưởng John Kerry và mới đây là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc TQ có các hành động gây mất ổn định ở biển Đông tại Đối thoại Shangri-La… đã cho thấy Mỹ cũng đã có động thái bảo vệ quyền lợi của mình tại khu vực Mỹ ưu tiên tự do hàng hải cao độ.
Về phía ASEAN, các quốc gia thuộc khu vực này mà mở đầu là Singapore đã lên tiếng kêu gọi TQ kiềm chế và thành công hơn nữa là các nước ASEAN với 10 thành viên đã lần đầu ra được tuyên bố chung về biển Đông tại Myamar. Các tuyên bố chung về biển Đông của G7, cùng nhiều nước đang tập trung vào dàn khoan trái phép của TQ.
Qua đó cho thấy rằng TQ đang gặp bất lợi do vấp phải sự phản đối của quốc tế, đồng thời thiệt hại về tài chính do chi phí quá cao của Hải Dương 981. Trong khi đó, VN đã rất thành công trong việc thể hiện hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế cùng một chính sách nhất quán, xuyên suốt tại châu Á-Thái Bình Dương. Các cường quốc như Mỹ, Nhật đều có lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp tại biển Đông do đó không dễ dàng nhượng bộ TQ.
TQ đã bước đầu thất bại với phép thử lần này đối với VN. Cùng với các bất ổn nội tại trong nước, vụ việc lần này đã giáng một đòn đau vào tham vọng của chính quyền TQ tại biển Đông, buộc nước này phải xem xét lại chính sách của mình.
Hai phép thử dù cùng một mục đích nhưng đã không mang lại cùng một kết quả cho TQ. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, TQ phải nhớ lấy cho điều này!
Theo H.Long - C.Nhi - T.Bình
Pháp luật TPHCM