Kỳ 2:

"Say xỉn lái xe là tội ác" và sự ra đời Nghị định 100

Rượu bia là một phần nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, biết bao gia đình rơi vào cảnh tang thương, mọi giấc mơ, hoài bão đều phải bỏ dở dang.

Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Những tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng, người đầu bạc tiễn người đầu xanh, gia đình tan nát, tang thương", đó là hậu quả của tài xế uống rượu bia gây ra tai nạn khi tham gia giao thông. Hậu quả không kể hết khi nó tác động và gây tổn thương trực tiếp đến những người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông và là gánh nặng đến toàn xã hội và gia đình người bị nạn.

Từ những đau thương này, bỗng chốc dư luận đã tạo lên một làn sóng mang thông điệp "Say xỉn lái xe là tội ác" và "Đã uống rượu, bia thì Không lái xe". Thông điệp này đã đánh thức, làm thức tỉnh biết bao nhiêu người tham gia giao thông bỏ đi thói quen uống rượu bia rồi lái xe.

Và rồi Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia ra đời giữa hai luồng ý kiến trái chiều, đồng ý và không đồng ý.

Say xỉn lái xe là tội ác và sự ra đời Nghị định 100 - 1

Nhiều ý kiến đồng ý, bởi tác hại của rượu bia là nguyên nhân dẫn tới hậu quả của các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Ở chiều ngược lại, không đồng ý với những lý lẽ, luận cứ cho rằng, "văn hóa ăn nhậu" đã ăn sâu vào đời sống.

Trong rất nhiều công việc, lĩnh vực công tác ở khu vực tư nhân hay Nhà nước đều diễn ra việc nhậu nhẹt khá thường xuyên. Đồng thời, rất nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, đối tác, cơ hội làm ăn, thăng tiến... được giải quyết trên bàn nhậu.

Cũng chính với những lý lẽ đó Quốc hội đã phải mất tới 2 lần xin ý kiến qua hình thức biểu quyết từ các Đại biểu Quốc hội mà Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia mới được thông qua.

Cụ thể, với quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (nêu tại khoản 8 điều 5 dự thảo Luật), Quốc hội tiến hành biểu quyết 2 phương án.

Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông).

Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Kết quả biểu quyết lần 1, chỉ có 44,21% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 và có 49,59% ĐBQH biểu quyết tán thành phương án 2. Do vậy, cả 2 phương án đều không quá bán, tức không được Quốc hội thông qua.

Nghị định 100 ra đời

 Thời điểm đó, từng có ĐBQH gay gắt cho cho rằng, người ta cứ đổ vấy cho rượu bia gây tai nạn giao thông, nhưng nghiên cứu kỹ xem, rượu bia là rượu bia gì? Đường sá ra sao? Đào tạo lái xe ra sao? Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là người uống rượu chứ không phải rượu. Nếu uống một cách đàng hoàng, không làm gì thì không có gì xảy ra.

"Chúng ta cần điều chỉnh hành vi con người chứ không phải điều chỉnh hành vi rượu", vị ĐBQH này nhấn mạnh, và khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ các chế tài nhưng kiến nghị cần xử lý một cách hợp lý. "Kể cả thuế, chúng ta hãy tính toán cho kỹ".

Trước những bức xúc của tình trạng sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông để lại hậu quả đau lòng, vượt qua mọi ý kiến trái chiều, trải qua nhiều giằng co, thêm vào và bỏ ra các điều khoản cuối cùng Luật phòng chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông trong đó, quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia.

Say xỉn lái xe là tội ác và sự ra đời Nghị định 100 - 2
Nghị định 100/CP có hiệu lực, nhận được sự ủng hộ từ người dân và cả xã hội.

Từ đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định xử phạt tài xế có hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Nghị định 100/CP quy định đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ôtô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy.

Từ đó giúp người dân thấy được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong cơ thể có cồn và người dân phải tự có ý thức đã uống thì không lái xe.

Tiếp đó, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung lực lượng cũng như các thiết bị kỹ thuật và phối hợp với cả các cơ quan khác để tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo hiệu lực và đảm bảo luật phòng chống tác hại rượu bia đi vào đờisống.

Cũng theo ông Nhật, nhìn vào thực tế thấy rõ, thời gian qua có nhiều việc hết sức nghiêm trọng xảy ra. Do đó việc cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông là điều hết sức nên làm.

Khi Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia được thông qua, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã phải thẳng thắn nói: "Quốc hội của chúng ta đã rất dân chủ, lấy ý kiến rất thẳng thắn. Điều đó cho thấy không có một nhóm nào, một thế lực nào có thể tác động được vào luật".

Có thể thấy, việc cấm tài xế uống rượu bia, "đã uống rượu bia thì không lái xe" của Nghị định 100 có hiệu lực được coi là trường hợp đặc biệt. Thể hiện, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, xã hội và được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính người dân theo hướng tích cực vì một xã hội không còn tai nạn giao thông.

Trao đổi với PV Dân Việt về hiệu quả của Nghị định 100/CP, Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng:Đáng lẽ, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019 phải ban hành sớm hơn để thay đổi tư duy sử dụng rượu bia của tài xế.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng tiết lộ, khi trao đổi những vấn đề nói trên với báo giới hay với người dân trên mạng xã hội, ông đều nhận được những tín hiệu tích cực, ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống. Hầu hết những người tham gia giao thông đều cảm thấy an toàn, an tâm hơn khi ra đường.

Say xỉn lái xe là tội ác và sự ra đời Nghị định 100 - 3

 Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Luật được ban hành với mục đích là để thay đổi thói quen dùng bia, rượu của người dân, tiến tới một xã hội an toàn, văn minh thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và không thể trì hoãn.

Lực lượng chức năng cần kết hợp với chính quyền địa phương hành động quyết liệt để đưa quy định của luật vào cuộc sống. Trước hết là định hướng cho người dân trong việc dùng bia, rượu hợp lý, lành mạnh, đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực. Nếu uống bia, rượu thì phải nhờ sự hỗ trợ, bảo đảm không vi phạm luật. Vì một xã hội văn minh và an toàn, rất cần sự thay đổi từ gốc, tức là thay đổi từ nhận thức của mỗi người, để loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng rượu, bia.

"Say xỉn lái xe là tội ác - Đã uống rượu, bia thì Không lái xe" đó cũng chính là Thông điệp mà chúng tôi kêu gọi bất kỳ ai trong số chúng ta, trong xã hội: Không lái xe sau khi uống bia, rượu.

Chúng tôi cũng mong muốn thông điệp này được lan toả tới từng người, tới từng gia đình, các thành phần trong xã hội về những câu chuyện, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông để lại là rất đau lòng và bao nỗi mất mát tang thương mà người ở lại, gia đình, xã hội phải gánh chịu. Chúng tôi mong muốn thông điệp góp phần thay đổi nhận thức của mỗi người khi tham gia giao thông.

Phía sau vô lăng, tay lái của mỗi người tài xế là cả một gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh... Bởi chính chúng ta - không chỉ trở thành nạn nhân mà còn có thể gây tội ác từ việc cầm lái trong cơn say.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm