Phiếm đàm

Sao tôi lại thông minh đến thế!

(Dân trí) - Một hôm đi qua Học viện Âm nhạc, tôi bỗng nẩy ra ý tưởng, hôm nào vào xin làm việc với lãnh đạo học viện này, bàn về chuyện học viện cùng hợp tác với Đội đi phát thư báo của tôi mở một phân viện y đào tạo bác sĩ ngay ở trong Học viện Âm nhạc

>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhân lực ngành y, tiêu chí chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Một hôm, vào buổi tối, bà hàng xóm nhà liền kề sang bảo: cửa hàng thuốc thì xa, trời lại khuya rồi mà chồng bà ấy đi làm về chẳng hiểu sao sốt đùng đùng, hỏi tôi có thuốc cảm không, cho bà ấy ít viên để cho chồng uống, Tôi bèn vào nhà, mở tủ thuốc gia đình đưa cho bà ấy lọ thuốc cảm. Hôm sau, bà hàng xóm sang cảm ơn tôi và khen nức nở thuốc tôi đưa cho chồng bà ấy uống hiệu nghiệm nhanh đến thế, uống xong, một lúc sau ông ấy dứt cơn sốt, sáng ra ăn sáng bình thường, lại còn định đi đến cơ quan làm việc. Khi bà ấy ra về, tôi quay vào buồng thấy vợ cứ lục lọi tìm cái gì trong tủ thuốc. hỏi,  vợ bảo: “Quái lạ, cái lọ thuốc đi ngoài hôm qua còn thấy ở đây, bây giờ đâu rồi nhỉ?”  Tôi ngó nhìn vào tủ thuốc và tá hỏa, hóa ra lọ thuốc cảm vẫn còn nguyên trong tủ, còn hôm qua tôi đưa nhầm cho bà hàng xóm lọ thuốc đi ngoài, thế mà chồng bà ta uống thuốc ấy vẫn dứt cơn sốt, khỏi rất nhanh. Lạ nhỉ, chẳng lẽ cứ cái gì mà gọi là thuốc thì chữa bệnh nào cũng khỏi sao?!

Thấy tôi chữa bệnh kiểu ấy, vợ tôi hoảng, dặn đi dặn lại: “Từ nay, đụng đến thuốc men phải hết sức cẩn thận. Nó liên quan đến mạng sống con người. Sai một ly có khi đi một dặm đó” hắn còn đưa chuyện thầy thuốc ở Mỹ  ra dọa, bảo rằng: “Làm thầy thuốc khó lắm. Các trường y tại Mỹ đòi hỏi sinh viên nộp đơn xin học phải hoàn thành chương trình dự bị dài ba năm để  học các môn khoa học sinh học, hóa học, hóa học hữu cơ, vật lý học... gắt gao mới có thể nộp đơn vào xin học tại các trường y. Quá trình học tại trường y kéo dài bốn năm. Đầu năm thứ tư, sinh viên phải bắt đầu đăng ký chương trình nội trú. để học chuyên khoa. Chương trình này thường kéo dài ba năm đối với nội khoa, 5-7 năm đối với phẫu thuật và giải phẫu thần kinh. Như vậy, một sinh viên ngành y Mỹ phải học tập ròng rã trong 11-15 năm để trở thành một bác sĩ có giấy phép hành nghề. Còn anh, chưa học một ngày nào về y dược mà dám làm liều, đúng là điếc không sợ súng” Còn tôi nghĩ đi thấy chuyện chữa cho ông hàng xóm đúng là liều, nhưng nghĩ lại thì lại thấy làm nghề thầy thuốc dễ thật, mà vợ tôi cứ quan trọng hóa nó. Thì đấy, người ta bị cảm sốt mà tôi đưa thuốc đi ngoài, vẫn chữa khỏi bệnh cảm sốt cơ mà. Hóa ra nghề  thầy thuốc là cái nghề khó quái gì đâu, chẳng cần học cũng hành nghề được, mà các nước như nước Mỹ, Pháp, Anh... cũng giống vợ tôi, cứ quan trọng hóa nó.

Nhận thức ấy của tôi càng được củng cố khi biết chuyện dù bị chính quyền sở tại cấm ông Huỳnh Thất hành nghề chạy xe ôm ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chẳng đào tạo ở trường đại học y dược nào vẫn hành nghề chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng. Ông Nguyễn Đình Hạp cũng ở TP Huế và cũng vừa làm nghề xe ôm như ông Thất vừa tranh thủ  khám bệnh, bốc thuốc kiếm tiền. Hai ông này hành nghề xe ôm là chính, nghề thầy thuốc là kết hợp và nhân viên tiếp thị của hai ông này dẫn khách đến chữa bệnh là một số anh em xe ôm trong thành phố..

Nhận thức này được củng cố thêm vững chắc khi được biết trường Đại học  Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội  được trên cho phép đào tạo ngành y khoa, dược. Thật buồn cười thấy một số người nhẩy dựng lên ồn ào phản đối về chuyện sao đào tạo kỹ thuật và kinh tế lại lấn sân sang cả y dược. Ô hay, sao không được nhỉ? Như tôi đây làm anh đưa thư của ngành bưu điện chứ có làm bác sĩ đâu mà vẫn chữa lấn sân sang nghề y, chữa bệnh cho ông hàng xóm một cách thần tình, dùng thuốc đi ngoài để trị có hiệu quả bệnh cảm sốt, được vợ ông ta khen nức nở, khen nhiều đến mức tôi đâm lo bà ấy bị gẫy lưỡi thì tôi lại phải đưa thuốc cảm cho bà ấy chữa cho cầm máu và liền lưỡi mất thôi...

Từ chuyện đó, một hôm đi qua Học viện Âm nhạc, tôi bỗng nẩy ra ý tưởng, hôm nào vào xin làm việc với lãnh đạo học viện này, bàn về chuyện học viện cùng hợp tác với Đội đi phát thư báo của tôi mở một phân viện y đào tạo bác sĩ ngay ở trong Học viện Âm nhạc. Lẽ nào trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ mở được khoa đào tạo bác sĩ, Học viện Âm nhạc lại không mở được nhỉ?

Thấy ý tưởng của mình hay, quá hay, tôi không nén được, đã thầm tự chửi yêu mình: “ Tiên sư bố tôi, sao tôi lại thông minh đến thế!”

Nguyễn Đoàn