Bạn đọc viết
Rèn chữ đẹp, nên chăng ?
(Dân trí) - Tôi là giảng viên đại học đã nghỉ hưu. Tôi muốn đóng góp những suy nghĩ của mình, mong muốn duy nhất có thể có ích cho xã hội.
Vậy chúng ta hãy xem việc này lợi hại thế nào?
Nguyên nhân của quyết định này là việc sử dụng máy tính đã phổ cập, ngày nay người ta dùng computer trong mọi trường hợp phải diễn đạt trên giấy thay cho viết tay: thảo văn bản, công văn, thư từ và các nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, thày giáo, học sinh… trong gia đình, công sở, dùng computer để diễn đạt trên giấy gần như hoàn toàn thay thế chữ viết tay.
Trong sách giáo khoa tiếng pháp lớp 10 Phổ thông trung học hiện đang được sử dụng có bài nói về việc cải tiến chữ viết ở Pháp. Họ đã tổ chức cuộc thi những mấu chữ mới đơn giản để thay cho mẫu chữ hoa mỹ La tinh hoa mĩ truyền thống mà họ vẫn dùng. Và họ đã chọn được mấu chữ đơn giản, cho phép người ta ghi chép nhanh, rất thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong ghi chép trên lớp học, và những người cần ghi chép nhanh trong các hội nghị.
Ở ta, không phải ngẫu nhiên hay tùy hứng mà trước đó bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra bộ chữ viết cải tiến, người chủ trương việc này dưới thời bộ trưởng Nguyễn Thị Bình là một tri thức ở Pháp về lúc ấy đang làm việc ở bộ Giáo dục Đào tạo. Đây quả là một sự tiến bộ, một việc làm táo bạo đi trước thời đại.
Thật đáng tiếc là cách đây hơn chục năm, nổi lên phong trào rầm rộ phê phán bộ chữ viết cải tiến lúc ấy đang được dùng trong giáo dục phổ thông, và phong trào phê phán này được rất nhiều người tham gia, phần lớn là những người đã học dưới mái trường cũ, và có cả một vài văn nghệ sĩ có tên tuổi. Họ đổ thừa cho bộ chữ cái tiến làm cho học sinh viết xấu. Họ nói “Nét chữ là nết người”, Họ nói ngày xưa chúng tôi học thế này, chúng tôi viết đẹp thế này…Do sức ép ấy, bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ bộ chữ cải tiến để trở lại dùng bộ chữ viết La tinh truyền thống hoa mĩ cũ. Sau đó người ta ra sức cỏ vũ việc luyện viết chữ đẹp, khắp nơi rộ lên phong trào rèn chữ cho học sinh cấp một; người ta đã dùng một lượng giấy khổng lồ để in ra không biết bao nhiêu những tập chữ mẫu cho học sinh tập viết, do đó không ít người thu lợi từ việc này. Đến nay, việc rèn chữ vẫn tiếp tục được khuyến khích; truyền hình thỉnh thoàng đưa hình ảnh các thầy giáo mở lớp rèn chữ viết cho học sinh, Có tờ báo tuyên dương cô giáo viết chữ đẹp, nữ sinh viết chữ đẹp như mơ.
Viết chữ đẹp, tất nhiên không phải là dở. Trước đây người ta sử dụng những người viết chữ đẹp trong rất nhiều công việc: thảo văn bản, viết giấy khen, viết giấy chứng nhận huân huy chương, viết bằng cấp, khắc chữ trên đồ vật, khắc chữ trên các bảng sơn mài trong bảo tàng, các thầy cô giáo cần phải viết chữ đẹp để viết trên bảng… thậm chí người viết thuê cần chữ đẹp để viết thư tình thay cho những người viết xấu hoặc không biết …chữ. Nhưng…rất nhiều nhà văn, trí thức, văn nghệ sĩ, bác sĩ, và nhiều nhà khoa học, bác học viết chữ không đẹp mà còn khó đọc và nhiều khi các nhà xuất bản phải có người đọc (déchiffrer) để sao chép lại các bản thảo viết tay của các tác giả gửi đến. Và ngày nay, đa số học sinh sinh viên ở các nước phương tay viết như “gà bới”, do họ cần viết nhanh, để ghi chép trên lớp hoặc trong các cuộc hội thảo (những ghi chép như vậy chỉ người ghi đọc) rất nhiều người viết bằng tay trái và cả tổng thống Obama cũng viết bằng tay trái.
Muốn có chữ đep, đủ các kiểu, đã có máy tính. Ngay ở nước ta, ngày nay việc sử dụng máy tính đã phổ cập. Người ta càng ngày càng ít viết tay. Vậy có nên đề cao việc rèn chữ cho học sinh cấp một nữa không ? Nói “nét chữ là nết người” nghe thì hay nhưng thiếu cơ sở khoa học. Cháu tôi bảy tuổi, năm nay vào lớp 1. Cháu học bán trú. Sáng đi từ 7 giờ, chiều 5 giờ 30 mới về đến nhà. Vậy mà tối nào cũng phải tập viết ít nhất một giờ để rèn chữ. Nhìn cháu gò lưng đến vẹo cột sống, cúi đầu, nghẹo cổ, căng mắt dưới ánh đèn để viết tập mà thương. Việc học của cháu cũng vất vả chẳng kém gì người lớn đi làm. Nhớ đến một cháu khác theo cha mẹ sang Thụy điển, cháu học cấp một thoải mái như chơi, sách vở hoàn toàn để ở trường, việc không chấm điểm với học sinh cấp một ở đấy đã thực hiện từ lâu (lớp học của họ chỉ có trên dưới 20 học sinh). Và ngay cả cấp hai Bố mẹ học sinh cũng luôn được các thầy cô giáo trao đổi về việc học của con cái qua máy tính và nhưng cuộc giao lưu giữa nhà trường và gia đình. Các cháu đều được động viên ở các môn các cháu có khả năng, gia đình luôn được thông báo về năng lực của học sinh, cháu này mạnh về tự nhiên, cháu kia có khả năng về các môn xã hội. Không có cháu nào bị liệt vào loại yếu kém.
Thời đại ngày nay, thời gian là vô cùng quí báu. Ai cũng muốn con cái được vui chơi, thoải mái, được hưởng một tuổi thơ trọn vẹn. Thời gian đối với con trẻ cũng vô cùng quí báu. Các cháu có thể học thêm ngoại ngữ một các dễ dàng, vừa học vừa chơi, với các phương tiện nghe nhìn. Chỉ cần 10 phút mỗi ngày, nếu cha mẹ biết ngoại ngữ, có thể dạy con một câu. một tháng 30 câu, (các cháu bắt trước rất nhanh, dùng băng đĩa cho các cháu nghe, nhìn, cần thuộc thôi, các cháu chẳng cần giải thích cấu trúc, ngữ pháp…), cứ như vậy một năm cháu sẽ có khoảng trên dưới 200 câu giao tiếp bằng tiếng anh. Lớn lên các cháu sẽ học dễ dàng và việc biết một ngoại ngữ thậm chí siêu như cháu Hoài Nam cũng không có gì là lạ.
Ngươi viết bài này mong muốn chúng ta chấm dứt việc bắt các cháu học sinh cấp 1 phải rèn chữ cho đẹp. Thay vì rèn chữ, cho các nhẩn nha học ngoại ngữ và vui chơi. Mong bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu việc sử dụng lại bộ chữ cải tiến cho các cháu có thể ghi chép nhanh. Còn chữ Đẹp thì tùy thích, ai muốn thì cứ rèn chữ cho đẹp, ai không muốn đã có computer làm giúp. Không nên bắt các em phải bỏ công sức làm một việc chẳng có ích lợi gì.
Nguyễn Thế Công
(nhà giáo về hưu)