Rào Trăng 3- Trái tim người lính
Hàng triệu con tim đang hướng về Rào Trăng 3 và nguyện cầu một phép mầu nhiệm mang đến sự bình yên cho các anh.
Sự kiện sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, trong đó sinh mạng của đoàn cứu hộ 11 quân nhân và 2 dân chính do Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man chỉ huy mất liên lạc là tâm điểm sự kiện.
Hàng triệu con tim đang hướng về Rào Trăng 3 và nguyện cầu một phép mầu nhiệm mang đến sự bình yên cho các anh; Chính phủ, Bộ Quốc phòng… đang huy động phương tiện tốt nhất, nhanh nhất, để sớm đưa các anh ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngày 12.10, tiếp nhận thông tin hàng chục công nhân thi công thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) đang bị uy hiếp tính mạng do lũ dữ. Ngay tối cùng ngày, các anh đã có mặt và không quản đêm đen, mưa lũ bời bời, xốc ngay ba lô lên vai, băng rừng tìm đường đến hiện trường.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đoàn công tác cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km phải dừng lại do sạt lở đất và đường quá hiểm trở không thể di chuyển tiếp được. Và đoàn cứu hộ quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.
Hai mươi mốt con người, trong đó có Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Thanh Bình và Chủ tịch huyện Phong Điền đã gặp nạn tại nơi trú chân. Một trận lở núi ập xuống, chỉ có 8 người thoát ra được; số còn lại mất liên lạc, trong đó có Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man và Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.
Chiều 14.10 các đoàn cứu hộ đã đến được hiện trường thủy điện Rào Trăng 3, đưa được 19 công nhân cùng một thi thể ra ngoài. Riêng Trạm Kiểm Lâm Tiểu khu 67, chỉ có sự hoang tàn, đất đá phủ kín. Các anh ở đâu giữa rừng núi hỗn mang đó? Có kịp thoát ra ngoài và trú tạm đâu đó không? 600 người trong các đoàn cứu hộ hiện vẫn hết sức tìm kiếm, hầu mong nghe được tiếng gọi tên đồng đội của các anh.
Thời chiến hay thời bình, người lính vẫn là lực lượng xung kích đầu tiên có mặt sớm nhất, nhanh nhất tại những thời điểm khắc nghiệt nhất. Và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng những người lính của mình đã đến Rào Trăng 3 bằng ánh sáng của trái tim soi đường trong đêm tối. Cầu mong một phép mầu nhiệm che chở, đưa các anh về khỏe mạnh, toàn vẹn với đồng đội, với gia đình!