Rác và xử lý rác

Để khắc phục vấn đề rác thải hiện nay một cách triệt để và hiệu quả, không còn cách nào khác là phải thay đổi cách quản lý và quy trình công nghệ xử lý rác theo các phương pháp tiên tiến trên thế giới.

rac123-17_23_33_658.jpg

Hà Nội bị ứ đọng rác cục bộ do một số người dân ngăn xe chở rác
vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. (Ảnh: Minh Châu)

Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đang khiến rác thải sinh hoạt và rác thải y tế tại nhiều thành phố lớn ở nước ta tăng nhanh hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, trung bình mỗi ngày nước ta phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày.

Ở Hà Nội, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải ra ngoài môi trường lên tới 5.000 tấn/ngày. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần tới 235 tỉ đồng để xử lý. Và không chỉ các đô thị lớn mà nông thôn, những làng nghề và các khu tập trung đông dân cư cũng đối diện với nạn rác thải kinh hoàng.

Việc Hà Nội ứ đọng rác thải mấy ngày qua ngoài nguyên nhân khách quan là việc quản lý, xử lý rác chưa theo kịp sự phát triển, chưa ứng dụng tốt  khoa học - công nghệ mới và hiện đại.

Hiện nay không ít địa phương ở nước ta chủ yếu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đã có từ xa xưa là chôn lấp. Phương pháp này được coi là kém hiệu quả, chỉ còn rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện. Do đó, để khắc phục vấn đề rác thải hiện nay một cách triệt để và hiệu quả, không còn cách nào khác là phải thay đổi cách quản lý và quy trình công nghệ xử lý rác theo các phương pháp tiên tiến trên thế giới.

Ở Thụy Điển hiện nay, 47% rác thải được tái chế, còn lại 52% được đốt để sản xuất nhiệt và điện, chỉ có 1% phải chôn lấp. Với 50% lượng điện năng tiêu thụ của Thụy Điển đến từ năng lượng tái tạo, họ có mạng lưới đốt rác để thu lại nguồn điện, hoà vào mạng điện quốc gia. Do đó, không những tiêu thụ rác trong nước, họ còn phải nhập khẩu rác từ các nước khác để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. Rác đối với họ thật sự là tài nguyên. Nhiều nước khác như Áo, Bỉ, Singapore, Nhật Bản cũng rất thành công trong việc xử lý rác, nhưng đó là công đoạn cuối cùng.

Người ta phải làm tốt từ khâu đầu tiên, nơi phát sinh rác và phân loại rác để xử lý phù hợp. Ví dụ, nhựa PET là loại rác khó xử nhất hiện nay đã được một công ty ở Áo dùng giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa.

Hay ở Bỉ, 75% rác được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân. Quốc gia này thực hiện hai quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến là Ecolizer và Sự kiện xanh. Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch. Sự kiện xanh cũng là một hệ thống quản lý trên web gần giống như Ecolizer, nhưng đối với những sự kiện sắp xảy ra.

Do đó, đã đến lúc Nhà nước phải thay đổi triệt để việc quản lý và xử lý rác, đồng thời xây dựng trong xã hội những thói quen mới về sản xuất, tiêu dùng và thái độ ứng xử đối với rác. Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn thân thiện môi trường nhìn từ góc độ rác thải. Đi kèm với sự khuyến khích là các chế tài xử lý những doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn đã đề ra.

Nhà sản xuất phải cho ra những bao bì, những sản phẩm dễ phân hủy, ít để lại rác nhất; người tiêu dùng phải biết chọn những mặt hàng có bao bì, sản phẩm thân thiện môi trường và sau khi có rác phải tuân thủ quy định của cơ quan chuyên môn, phân loại rác một cách nghiêm túc…

Có thay đổi như thế, rác mới không còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, ô nhiễm như hiện nay./.

Theo Thái Vũ

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam