Quy hoạch để mà có - Cái giá phải trả!
Quy hoạch để mà có - Cái giá phải trả!
Mưa lớn gây ngập lụt tại Hà Nội hôm 25/5. Ảnh: VH
Đã có không ít các nhà quản lý lý giải, các chuyên gia hiến kế, nhưng cảnh lụt lội khiến người dân Thủ đô vô cùng vất vả, khổ sở mỗi khi mưa xuống vẫn còn đó. Rõ ràng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch thoát nước tại Hà Nội đang có vấn đề. Vấn đề đó không nằm ở lĩnh vực thoát nước nói riêng, mà nằm ở cả hệ thống quy hoạch nội đô. Bởi vậy nếu đổ hết trách nhiệm cho ngành thoát nước Hà Nội về thực trạng trên sẽ là thiếu công bằng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thực địa, địa hình tại Hà Nội nói chung cao từ 3,5 đến 9m so với mặt nước biển. Có nghĩa là người dân thủ đô phần lớn sinh sống ở cốt đất tự nhiên cao hơn, hoặc bằng so với nhiều thành phố khác. Vì vậy nếu lý giải địa hình Hà Nội thấp nên dễ ngập úng khi trời mưa là không thỏa đáng. Một điều rất đáng chú ý nữa là nhiều khu phố mới của Hà Nội rất dễ ngập lụt, trong khi đó các khu vực phố cổ luôn được “an toàn”. Bởi người Pháp đã nghiên cứu xây dựng chúng ở nền đất cao, với hệ thống thoát nước đồng bộ, chứng tỏ các kỹ sư, kiến trúc sư người Pháp có tầm nhìn xa trông rộng.
Có thể thấy rõ ràng là hiện nay việc xây dựng tại Thủ đô không theo một quy hoạch đồng bộ và khoa học. Đặc biệt, ở phía Tây và Tây Nam Hà Nội, nơi mật độ các khu đô thị ngày một dày đặc, tình trạng ngập úng dĩ nhiên sẽ trầm trọng hơn. Khi diện tích ao hồ, đồng ruộng tự nhiên bị thu hẹp và bê tông hóa, cộng thêm sự chênh lệch không đồng nhất của nền đất tại các khu dân cư, đô thị, nước không thể thoát được là điều dễ hiểu. Thậm chí tại nhiều tuyến đường mới tại Hà Nội, bằng mắt thường cũng thấy được nền đường thường cao hơn nền nhà dân. Việc ngập cục bộ khi mưa xuống là điều tất nhiên.
Hiện tại, Hà Nội có 2 lưu vực thoát nước chủ yếu gồm sông Tô Lịch và sông Tả Nhuệ. Theo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, Tuy nhiên việc xây dựng các khu đô thị mới đã không tính đến đặc điểm địa hình khi xây dựng hệ thống thoát nước. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy và các quận mới Bắc, Nam Từ Liêm, đây là vùng đất khá trũng của Thủ đô Hà Nội. Ở đây, phần lớn việc thoát nước vẫn dựa vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp cũ, chưa đồng bộ cùng hệ thống thoát nước của cả thành phố nên thường xuyên có cảnh lụt lội khi trời mưa, kể cả khi mưa không lớn lắm. Ngoài ra, việc cấp dự án xây dựng đô thị tràn lan ở đúng vào “rốn lụt”, cùng với việc nhiều ao hồ, kênh mương tự nhiên bị mất đi đã góp phần làm cho nạn ngập lụt tại khu vực thêm trầm trọng hơn...
Nhiều người cho rằng, Hà Nội trong quá khứ rất ít khi ngập nước, vì xưa kia Hà Nội có nhiều hồ điều hòa cũng như diện tích đất tự ngấm. Tuy nhiên các ưu thế này hiện nay đã không còn. Để giải quyết vấn đề, Sở Xây dựng đã lập quy hoạch phát triển và hoàn thiện hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030, địncộngh hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, hiệu quả của vấn đề này ra sao chỉ có thực tế mới có thể kiểm nghiệm.
Theo các nhà nghiên cứu, việc quy hoạch hệ thống thoát nước Hà Nội nếu muốn có hiệu quả, thì không thể tách rời trong tổng thể quy hoạch đô thị, mà phải gắn liền với những vấn đề khác có liên quan, như quy hoạch không gian mặt nước, cây xanh, chống hạn, tích trữ nước, hay cả các hệ thống trị thủy nông nghiệp. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa, là ngay lập tức phải dừng việc san lấp hoặc lấn chiếm các hồ ao, sông ngòi, kênh rạch tại Thủ đô hiện nay. Bởi theo báo cáo từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trên 2/3 diện tích sông ngòi, ao hồ tại thủ đô đã biến mất chỉ trong 5 năm gần đây. Ngoài ra, việc cải tạo các hồ chứa, sông thoát nước, kiểm soát tu bổ các trạm bơm cũng buộc phải đưa vào quy chuẩn. Cạnh đó cần tổ chức lại hệ thống kiểm soát các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường. Kiên quyết không cấp phép cho các khu công nghiệp, đô thị không có các phương án cấp, thoát nước hiệu quả. Chỉ có thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp trên, việc giải quyết nạn ngập úng trên địa bàn Thủ đô mới có thể thực hiện trong một tương lai không xa...
HC
(Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)