“Quan” tham và cách xử lý nửa vời

(Dân trí) - Dù số những “quan” tham “không ăn từ thứ gì” chỉ là số ít, nhưng cách xử lý nửa vời  khiến dư luận bức xúc.

“Quan” tham và cách xử lý nửa vời - 1

 UBND huyện Châu Thành trước đó đã phát hiện sự việc nhưng "xử lý nội bộ" nên ông Tuấn không hề bị kỷ luật và tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ.

Qua 10 bài mà Dân Trí đã phản ánh, tôi không thể nói khác, ông Lê Văn Tuấn (Ủy viên thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành, Tây Ninh) đã tham lam tới mức trơ trẽn, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật. Thực ra, tôi muốn dùng từ ngữ nhẹ hơn nhưng không thể, bởi nếu nói đúng bản chất có lẽ phải dùng những từ ngữ nặng nề hơn.

Là cán bộ chủ chốt của huyện, ông Văn Tuấn đã dối trá trắng trợn khi sửa lý lịch để nhận chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc hóa học từ 01/2/2012 đến ngày 30/11/2013. Vụ việc đó bị phát hiện và ông Tuấn phải trả lại tiền. Những tưởng rằng đó là bài học, nhưng không, ông Tuấn lại tiếp tục báo cáo không trung thực để lần thứ hai được hưởng xét duyệt xây nhà nghĩa tình cho cựu chiến binh (CCB).

Đặc biệt, ngôi nhà trao tặng lần 2 ngày 6.9.2019 cho ông Tuấn (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) có lẽ sẽ không bại lộ nếu “nhà nghĩa tình cựu chiến binh" cho ông Tuấn không trị giá gấp 5 lần so với những người khác, khiến nhiều cựu chiến binh ở địa phương bức xúc. Ngôi nhà trị giá tới 280 triệu đồng và ông Tuấn còn được nhận thêm một sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng. Vụ việc này càng gây bức xúc bởi trong cùng xã có cựu chiến hoàn cảnh không nhà, không đất, không vợ con nhưng Hội CCB xã xin hỗ trợ mấy năm nay vẫn chưa được. Do đó, hành vi này của ông Tuấn rất trơ trẽn, đặc biệt có lỗi rất lớn với vô số những CCB khác vấp những khó khăn gấp bội. Trong khi đó, ông Tuấn có tới 2 xe hơi, 4 người con đều giữ các chức vụ  tại quân đội, công an, ủy ban xã, huyện. Trước đó, năm 2004, gia đình ông Tuấn cũng đã được cấp đất và hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Còn gì bất công hơn.

“Quan” tham và cách xử lý nửa vời - 2

Sau khi bị phát hiện khai man hồ sơ, ông Tuấn làm đơn xin cắt trợ cấp.

Nói đến việc này, người viết chợt nhớ đến một số cán bộ “ăn không từ thứ gì”, trong đó điển hình là vụ 12 con dê “đi lạc” vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, Thanh Hóa.

Nhưng trong bài này người viết muốn nhấn mạnh cách xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.

Vụ sửa lý lịch (khai khống về việc tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) để được nhận trợ cấp chất độc hóa học đó không chỉ là hành vi sai trái mà còn là hành vi gian lận, hành vi lừa dối các cơ quan chức năng để tham nhũng. Nhưng không hiểu vì sao đối tượng chỉ bị thu lại số tiền đã tham nhũng và vẫn tiếp tục làm PCT HĐND huyện Châu Thành cho đến nay (!?). Nếu so sánh với vụ hai thanh thiếu niên vì đói, cướp giật bánh mì phải xử lý hình sự thì mới thấy sự trớ trêu của việc thực thi pháp luật.

Đặc biệt, vụ việc này bị phanh phui từ năm 2013 là do chi hội CCB ở ấp Thanh Phước xã Thanh Điền phát hiện. Lẽ ra, đây là tội rất nặng với cán bộ có chức quyền, những vì sao ông Tuấn vẫn tại vị khiến dư luận thực sự bức xúc. Cử tri có quyền chất vấn: Những người như ông Tuấn còn đủ tư cách làm đại diện cho họ ở HĐND không, chứ đừng nói còn giữ tới chức Phó Chủ tịch?

Vậy mà, ông Tuấn chỉ phải nộp lại tiền, rút kinh nghiệm và vô tư giữ chức vụ đó cho đến nay. Chỉ đến khi ông Tuấn nhận nhà nghĩa tình “khủng” (tháng 9.2019) gây bức xúc dư luận, báo Dân Trí vào cuộc, nhắc lại một loạt sai phạm có hệ thống của ông Tuấn mới khiến các cơ quan chức năng vào cuộc. Đầu năm 2020, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy mới đưa ra hình thức kỷ luật: Cảnh cáo. Còn ông Nguyễn Thanh Lam - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đã ký giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học cho ông Lê Văn Tuấn và cũng là người quyết định xử lý nội bộ vụ việc nhưng chỉ bị “khiển trách” khiến dư luận khó chấp nhận.

Với việc nhận nhà tình nghĩa “khủng” lần 2, lãnh đạo ở đây không thể không biết, là cán bộ chủ chốt của huyện, ông Tuấn không thể khó khăn tới mức phải nhận nhà tình nghĩa, vậy mà các cơ quan, Hội CCB của huyện, tỉnh vẫn làm thủ tục, đưa cấp dưới ký, hoàn toàn ngược quy trình: phải làm thủ tục từ cấp dưới lên trên. Vậy mà Hội CCB của tỉnh vẫn còn đổ lỗi cho cấp huyện và than vãn không được Trung ương Hội CCB Việt Nam trao cờ thi đua (!?).

Những vụ việc này cho thấy dù “quan” tham “không ăn từ thứ gì” chỉ là số ít, nhưng cách xử lý nửa vời, mà còn như khuyến khích sai phạm (khiển trách, xử lý nội bộ, vẫn giữ nguyên chức hoặc chuyển công tác...) sẽ khiến dư luận thêm bức xúc và ảnh hưởng đến  niềm tin vào chính quyền.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm