Bạn đọc viết:

Quản lý tốt để không "vỡ" quỹ BHXH

(Dân trí) - Tình trạng yếu kém trong việc quản lý và điều hành quỹ BHXH xảy ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó là việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cho người lao động đã lên tới con số hàng chục ngàn tỷ đồng…

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tôi cũng nghe tin, kỳ họp Quốc hội này thảo luận dự thảo nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, mà theo tôi và nhiều người là không hợp lý, vì:
Hiện nay lực lượng lao động trẻ có trình độ chuyên môn và trình độ công nghệ cao không có việc làm rất nhiều. Trong khi đó nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì thời gian làm việc dài hơn, mà đến lúc đó nhìn chung người lao động đã không còn phát huy được sức sáng tạo và năng suất lao động nữa. Nguyên nhân theo tôi, chủ yếu vì sự bảo thủ trong tư duy khiến công việc bị trì trệ. Kèm theo đó là sức khỏe đã bước sang tuổi già nhiều bệnh tật…  

Luật Lao động vẫn nên giữ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với nữ là  55 và với nam là 60 như hiện nay là hợp lý. Cứ như thế mà làm, việc gì cứ phải bàn ra tính vào cho mất thời gian và tốn kém? 

Còn nguy cơ vỡ quỹ BHXH là do bên BHXH quản lý thu không tốt nên để nợ đọng BHXH nhiều. Việc đó ngành bảo hiểm phải hoàn thiện lại cơ chế thu và phải phân rõ trách nhiệm với cán bộ phụ trách thu quỹ bảo hiểm của các doanh nghiệp.  Cũng còn nhiều biện pháp để tiết giảm quỹ phải chi, ví dụ giảm tỷ lệ % hưởng lương hưu xuống, đó cũng là biện pháp đỡ áp lực cho BHXH...  

Còn nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ làm lãng phí nguồn nhân lực trẻ của đất nước do không có cơ hội được sử dụng, vì cứ chờ có cán bộ về hưu thì mới có chỗ cho người trẻ vào làm. Như vậy là không hợp lý! 

Trần Thị Lan: lan70@gmail.com

Thời gian gần đây Bảo hiểm xã hội (BHXH)  và Bộ LĐTB&XH luôn "thông báo" rằng quỹ Bảo BHXH có thể bị vỡ do nguồn thu không kịp nguồn chi, vì vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo an sinh xã hội.
 
Lấy lý do đó, hai cơ quan này tham mưu đề xuất: Giảm mức chi trả cho người lao động khi về hưu; tăng tuổi làm việc; vân vân và vân vân...
 
Phải chăng những đề xuất này là hoàn toàn chính xác?
 
Tôi nhận thấy khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng yếu kém trong việc quản lý và điều hành quỹ BHXH
xảy ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó là trình trạng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cho người lao động đã lên tới con số hàng chục ngàn tỷ đồng.
 
Nhưng việc khắc phục những vi phạm này đã tốt chưa? Số tiền chưa thu được này có ý nghĩa như thế nào trong việc bù đắp vào nguồn thu để cân bằng hai nguồn thu-chi, và có được các cơ quan tham mưu làm rõ đúng mức cũng như xác định rõ trách nhiệm này thuộc về ai chưa?

 

Sao không lo khắc phục những yếu kém trong quản lý, lại đề xuất những những điều chỉ tạo thêm “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội? Đó là việc làm tôi thấy hoàn toàn không ổn trong tình hình hiện nay.

 

Rất mong các cơ quan tham mưu, đặc biệt các cấp có thẩm quyền chọn ra giải pháp đúng để giải quyết vấn đề này.

 

Minh Bạch: nmthanh@cantho.gov.vn