Bạn đọc viết
Qua vụ IS hành quyết con tin, khâm phục nhân cách người Nhật Bản
(Dân trí) - Vì thế đất nước Nhật Bản chỉ mấy chục năm sau chiến tranh đã vươn lên là nước phát triển hàng đầu thế giới mặc dù tài nguyên nghèo nàn.
Những ngày qua cả thế giới đều hồi hộp theo dõi diễn biến tình hình vụ bắt giữ con tin của phiến quân IS gồm hai nhà báo người Nhật và một viên phi công người Jordan. Bọn khủng bố bắt giữ con tin không nhằm mục đích đòi tiền chuộc và đòi thả nữ tù nhân Al-Rishawi, một trùm khủng bố với tội dạnh âm mưu đánh bom tự sát hiện đang bị giam giữ tại Jordan. Nhân dân cả thế giới ai cũng đều kịch liệt phản đối hành động vô nhân đạo của bọn khủng bố đã bắt giữ và xử tử những người vô tội.
Vấn đề càng được đẩy lên cao trào khi lần lượt từng con tin bị hành quyết khi những yêu sách của bọn khủng bố không được đáp ứng. Ở đây tôi không dám bình luận về những quyết sách, hành động của Chính phủ hai nước Nhật Bản và Jordan mà chỉ luận bàn xung quanh phản ứng của gia đình các nạn nhân bị bắt cóc.
Cha của viên phi công người Jordan, ông Safi al-Kasaesbeh đã kêu gọi Chính phủ Jordan mau chóng thực hiện yêu cầu trao đổi con tin mà IS đưa ra. Phát biểu trước báo giới, ông Safi al-Kasaesbeh cho rằng: “Al-Rishawi đã phạm tội và bây giờ cô ta đang ở trong tù, việc giam giữ cô ta ở Jordan là vô nghĩa. Trao đổi con tin sẽ là giải pháp. Con trai tôi là tài sản của đất nước và chúng ta cần phải nỗ lực để cứu Al-Kassasbeh”.
Thật sự khó khăn cho bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh khi người thân của mình bị bắt cóc và luôn cận kề cái chết. Việc cha viên phi công yêu cầu Chính phủ thả nữ khủng bố cũng là điều dễ hiểu khi mà thực tế khi gặp nguy cấp ai cũng nghĩ ngay đến người thân của mình đầu tiên.
Con trai ông Safi al-Kasaesbeh là một sỹ quan quân đội làm việc phục vụ đất nước, khi có rủi ro xảy đến với anh thì Chính phủ Jordan phải có trách nhiệm, điều đó là hoàn toàn đúng đắn. Chẳng có ai trách được ông Safi al-Kasaesbeh vì ông chỉ hành động như một bản năng để cứu đứa con của mình.
Trái ngược với ông Safi al-Kasaesbeh, cha của con tin người Nhật bản (anh Haruna Yukawa) là ông Shoichi Yukawa đã có những phát biểu làm cả thế giới không khỏi xúc động. Khi biết con trai mình đã bị hành quyết vì Chính phủ Nhật Bản từ chối nộp 200 triệu USD tiền chuộc, mặc dù rất đau đớn nhưng ông đã không có bất cứ một lời trách móc nào đối với Chính phủ và ông cũng không yêu cầu gì hay kêu gọi ai làm bất kỳ điều gì mà chỉ cầu xin tất cả các bên hãy ngừng chiến đấu.
Trong hoàn cảnh đó, ông lại tỏ ra rất áy náy vì đã làm liên lụy đến nhà báo Kenji Goto – con tin thứ hai mà IS bắt giữ. “Goto đã mạo hiểm tính mạng của cậu ấy để đến Syria vì lo lắng cho con trai tôi. Tôi cảm thấy rất áy náy về điều đó” – ông Shoichi phát biểu khi trả lời phỏng vấn tại nhà riêng.
Thật bất ngờ khi biết tin con trai mình đã bị hành quyết, người cha già 74 tuổi dù đau đớn tột cùng vẫn có thể nghĩ tới nạn nhân là con tin thứ 2 bị bắt cóc cùng con trai ông. Ông cảm thấy “áy náy” vì đã làm liên lụy đến anh Goto, chỉ vì con trai ông mà anh Goto mới liều mình sang Syria và bị bọn IS bắt giữ.
Trong chúng ta liệu có mấy người suy nghĩ được như vậy, liệu có mấy người đủ bản lĩnh nén đau thương để lo cho người khác, hay điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới là trách móc, là đổ trách nhiệm lên người khác, là yêu cầu cứu người bằng mọi cách dù cái giá phải trả là vô cùng đắt.
Chưa dừng lại ở đó, những phát biểu tiếp theo của ông Shoichi Yukawa đã làm cả thế giới kinh ngạc và kính phục. Trước báo giới, ông phát biểu: “Tôi rất xin lỗi vì con trai mình đã gây rắc rối cho chính phủ và mọi người. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ to lớn của họ”. Hóa ra ông Shoichi Yukawa coi việc con trai ông bị IS bắt cóc là việc riêng của gia đình ông và chuyện của gia đình ông đã “gây rắc rối” cho Chính phủ và mọi người.
Bọn khủng bố IS hết yêu cầu tiền chuộc lại đòi thả tù nhân khủng bố nhưng Chính phủ Nhật Bản đều từ chối đáp ứng yêu cầu. Ông Shoichi Yukawa hiểu rõ số tiền 200 triệu USD là quá lớn, số tiền đó có thể giúp được rất nhiều người nghèo khó, xây được nhiều trường học, bệnh viện, giúp ích được rất nhiều cho đất nước, cho người dân Nhật Bản. Ông cũng hiểu việc thả nữ trùm khủng bố Al-Rishawi là rất nguy hiểm, bởi rất có thể sau khi được thả, nữ khủng bố này sẽ tiếp tục đánh bom cảm tử gây chết chóc cho những người dân vô, tội mặc dù những người dân đó chẳng có quan hệ gì với ông.
Thực sự khi đọc xong bài trả lời phỏng vấn của ông Shoichi Yukawa, tôi đã rất xúc động và kính phục ông, kính phục tinh thần của người Nhật Bản. Ngay từ xưa, người Nhật đã nổi tiếng với tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai, đó là tinh thần luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, sẵn sàng dùng tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ giống nòi. Ông Shoichi Yukawa chỉ là một người dân hết sức bình thường mà đã có được những suy nghĩ như vậy, qua đó cho chúng ta hiểu hơn về con người đất nước Nhật Bản. Cũng chính vì thế đất nước Nhật Bản chỉ mấy chục năm sau chiến tranh đã vươn lên là nước phát triển hàng đầu thế giới mặc dù tài nguyên nghèo nàn.
Nước Việt Nam chúng ta tự hào là Con rồng cháu tiên, chúng ta có rừng vàng biển bạc, vậy mà cũng đã sau mấy chục năm sau chiến tranh, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Chúng ta cũng nên phấn đấu vượt mọi khó khăn tiến lên như Nhật Bản. Nhưng trước tiên chúng ta hãy biết học hỏi tinh thần tự tôn dân tộc của ông Shoichi Yukawa, của người dân Nhật Bản. Vì mọi đường lối, mọi chính sách đều cần con người thực hiện, nếu con người thực hiện không tốt thì chẳng bao giờ đường lối, chính sách đó thành công được!
mai van chien
maivanchien01@gmail.com