Qua ruộng dưa, chớ buộc dây giày
Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Trị vừa có phản hồi đến một số cơ quan báo chí, yêu cầu kiểm tra làm rõ thông tin sau khi vài bài báo đề cập câu chuyện con trai của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị là Nguyễn Đức Thiện (SN 1989) liên tục được thăng chức "thần tốc". Câu chuyện này hiện nay phổ biến, không riêng gì Quảng Trị, Quảng Nam.
Trả lời một tờ báo, ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở TT-TT nêu rõ: “Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, khẳng định việc bổ nhiệm ông Thiện là đúng quy trình; phóng viên khi viết bài phản ánh, cần liên hệ với đơn vị bị phản ánh để có thông tin hai chiều...”.
Sở Ngoại vụ (đơn vị ông Thiện công tác) đã có báo cáo giải trình, trong đó khẳng định việc bổ nhiệm ông Thiện là phù hợp. Sở Nội vụ Quảng Trị đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị có cùng quan điểm chuyện bổ nhiệm là đúng theo chủ trương thu hút nhân tài của địa phương, phù hợp với các điều kiện, tiêu chuẩn...
Ngay liền đó, ở Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã thông báo thu hồi tất cả các quyết định bổ nhiệm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo - con trai của nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh. Theo đó, anh ta trở về lại với vị trí công chức tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, nơi trước đó anh làm giám đốc.
Đối với Hoài Bảo và Nguyễn Đức Thiện, gần đây nhiều ý kiến có quan điểm đồng tình “quy trình bổ nhiệm”, với lý do cả hai đều là học sinh giỏi, được đào tạo bài bản, lớp lang từ nước ngoài; ngoại ngữ nói như gió; bỏ thu nhập chuyên gia hàng chục triệu/ tháng để về nhận đồng lương bèo bọt vài triệu của anh công chức. Chung quy cũng vì lý tưởng phục vụ quê hương...
Đây cũng là tâm lý chung, tuy vậy, với trường hợp cụ thể này, ta chọn “quy trình” hay chọn “tài đức”? Với trình độ trên, cả hai có thể có khả năng, nhưng trên thực tế, các “quý tử” này đã có công trạng gì xuất sắc, góp phần làm phát triển xã hội trong phạm vi mình phụ trách trước khi được đề bạt, thì không thấy được đề cập, để chứng minh cho quy trình bổ nhiệm đó là đúng.
Việc bổ nhiệm đúng hay sai trong trường hợp này là quan trọng nhưng quan trọng hơn là hợp cảnh, hợp người để tránh bị dư luận suy diễn là vì thân tình mà nâng đỡ cho nhau, làm tổn hại uy tín cá nhân (nếu có năng lực thực sự) và tổ chức (nếu đúng quy trình, đúng người, đúng việc).
Trong bộ Gia Huấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần Chí Thiện có dạy kẻ hậu sanh rằng: “Qua ruộng dưa chớ sửa giầy, dưới gốc mận chớ giơ tay sửa tóc”.
Ý bảo, ở vị trí nào đó thì đừng nên có hành vi, làm người khác hiểu lầm. Trong trường hợp này, người làm cha như nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị cần phải cân nhắc trong việc bổ nhiệm con mình, dù là cả hai có thể xứng đáng.
Theo Nguyễn Trung Hiếu
Báo Lao động