Quà biếu có phải là động cơ của các bị cáo?

Đã là cố ý làm trái, các đối tượng phải có mục đích nào đó. Vậy, ngoài bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã chiếm đoạt tài sản, thì các bị cáo khác có mục đích gì?


Ông Đinh La Thăng nói: PVN “gả đi một cô gái đã có chồng”

Ông Đinh La Thăng nói: PVN “gả đi một cô gái đã có chồng”

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia góp vốn vào Ngân hàng Ocenbank đã mất trắng 800 tỉ đồng góp vốn (đã được chia cổ tức hơn 200 triệu đồng) – đây là điều không còn phải bàn cãi.

Trong 8 bị cáo, chỉ riêng mình bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu phó tổng giám đốc PVN) bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Do đó, dư luận vẫn chưa hiểu nổi, ông Đinh La Thăng và các bị cáo còn lại khác vì mục đích gì khi phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bởi, đã là cố ý làm trái, các đối tượng phải có mục đích nào đó. Vậy, ngoài ông Quỳnh với mục đích chiếm đoạt tài sản, thì các bị cáo khác có mục đích gì?

Tại tòa, ông Nguyễn Xuân Sơn khai rằng, đã đưa ông Quỳnh (khi làm kế toán trưởng PVN) khoảng 180 tỉ đồng để chăm sóc khách hàng (thực chất là lãi suất ngoài), nhưng ông Quỳnh chối, mà cho rằng chỉ nhận có 20 tỉ đồng. Dù dư luận chưa biết thực hư số tiền đó là bao nhiêu, nhưng qua đó thấy rõ rằng, số tiền “chăm sóc” khách hàng là cực kỳ lớn.

Hiện, gia đình ông Quỳnh đã khắc phục toàn bộ 20 tỉ đồng vì bản thân ông Quỳnh đã tự nhận mình đã hưởng toàn bộ số tiền đó.

Dù vậy, nhưng dư luận vẫn không thể không đặt câu hỏi: Liệu một mình ông Quỳnh có thể “nuốt” nổi số tiền đó không?

Câu hỏi này đặt ra bởi lẽ, ông Xuân Sơn khai rất rõ, tiền đưa cho ông Quỳnh để ông Quỳnh chia lại lãi ngoài lãi suất cho lãnh đạo PVN. Lẽ nào ông Quỳnh dám qua mặt các xếp? Đó là điều không thể xảy ra.

Nếu như vậy, tại sao ông Quỳnh không khai những khoản tiền mà mình có nhiệm vụ chuyển hộ để giảm nhẹ việc khắc phục hậu quả?

Bởi có lẽ, ông Quỳnh cũng thừa biết, nếu có khai ra ai đó thì Hội đồng xét xử cũng không thể chấp nhận vì không có đủ bằng chứng.

Ví dụ này thấy rất rõ ngay trong vụ án Hà Văn Thắm, ông Xuân Sơn cũng từng khai rất rõ, những khoản tiền phải đưa cho các lãnh đạo của PVN, nhưng một số người ông không nêu cụ thể tên, vì “nhạy cảm”, vì được “biếu các anh đó ngày lễ tết là quý lắm rồi”. Ông Sơn cũng khai phải “biếu quà” cho một số vị lãnh đạo bộ, ngành nhưng tất cả những người có tên đó đều chối bay một cách… thành công.

Do đó, trong vụ án làm mất trắng 800 tỉ đồng ở PVN này, dư luận cảm nhận được (nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được), chắc rằng không chỉ một mình ông Quỳnh phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Và nếu như vậy, đương nhiên sẽ lọt tội danh “lạm dụng…” với một số đối tượng và không làm rõ được động cơ phạm tội của các bị cáo.

Những người lãnh đạo PVN thời điểm đó phải là người chịu trách nhiệm chính. Vậy lý do gì khiến ông họ vẫn cố tình rót vốn vào Ocenbank cho đủ 20% trong khi các văn bản pháp quy trước đó đã quy định không được phép vượt quá 15%?

Những giả thiết có thể đặt ra.

Phải chăng, họ tự tin đầu tư mạo hiểm để sau đó có thể dần dần “nắm” chắc được ngân hàng này? .

Giả thiết khác, do dòng tiền về quá nhiều, lượng tiền phải quản lý quá lớn, họ đã lúng túng trong việc sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả?

Cũng không loại trừ khả năng, vì được hứa hẹn dòng tiền chăm sóc của Ocenbank không chỉ rất lớn và tưởng chừng rất hợp pháp, quá an toàn cũng là một động cơ khiến những người trong cuộc cũng mạnh dạn hơn khi thực hiện chủ trương của mình.

Vậy, liệu hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” này có phải là động cơ của hành vi “cố ý làm trái…” hay không?

Vương Hà