Phòng dịch nhưng học sinh cũng phải được nghỉ hè
Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2.2020.
Sau nhiều thông tin khác nhau về lịch nghỉ học để phòng dịch Covid-19 của các địa phương, ngày 14.2, Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị xem xét tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2.2020.
Nhưng để chủ động hơn, cho các trường, cho phụ huynh và học sinh, Bộ GDĐT phải xây dựng kịch bản liên quan đến phòng dịch và học tập, thi cử và nghỉ hè của học sinh.
Nhà trường, thầy cô giáo phải biết học sinh nghỉ học đến hết tháng hai, sau đó tổ chức dạy học trở lại để chuẩn bị. Phụ huynh biết chắc chắn nghỉ học hết tháng hai để thu xếp chuyện nhà, lo cho con cái.
Thứ hai là nghỉ học đến hết tháng ba như đề nghị của TPHCM. Nếu đồng ý thì lý do vì sao, không đồng ý cũng trả lời cho rõ. Nhưng phải trên cơ sở, không nhất thiết phải nghỉ quá dài khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Chủ động trong tổ chức phòng dịch và sắp xếp lịch học là trách nhiệm của Bộ GDĐT. Chủ động có nghĩa là kiểm soát được thông tin, ra quyết định chính xác, phù hợp với thực tế, không phải từ sức ép của dư luận.
Học sinh phải được nghỉ hè đúng với nghĩa của hai từ này. Cho nên, sự chủ động còn là xem xét cắt bớt những môn học phụ, để rút gọn chương trình, dành thời gian nghỉ hè cho học sinh. Thời gian nghỉ do dịch hiện nay là giải quyết tình thế, không phải là một kỳ nghỉ hè của học sinh.
Nghỉ hè là thời gian dành cho học sinh vui chơi, đi du lịch, giao lưu, khám phá, trải nghiệm, còn nghỉ học vì phòng dịch thì không có điều kiện để thực hiện những chương trình đó. Vì vậy, có thể so sánh về thời gian nghỉ bằng nhau, nhưng hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Trong bài “COVID-19, cơ hội để giáo dục nhìn lại và thay đổi” ngày 15.2, Báo Lao Động đặt vấn đề rằng, “ngành giáo dục cần xem xét cắt giảm chương trình, những nội dung không thực sự cần thiết, hàn lâm, để phù hợp với tình hình dịch bệnh bất thường”.
Không chỉ cắt giảm chương trình, mà thay đổi cách dạy và học, khai thác học trực tuyến là xu thế không thể khác. Tận dụng “cơ hội dịch” để thay đổi chính là chủ động, là sáng tạo, ngành giáo dục ra tay đi cho dân nhờ.
Học sinh được nghỉ hè cũng chính là nuôi dưỡng nguồn lực khác của đất nước. Phụ huynh cùng con cái đi du lịch, thầy cô giáo được nghỉ ngơi tham quan, trải nghiệm. Nhà hàng, khách sạn, các công ty vận tải, hàng không được tiếp sức, kinh tế đất nước mới hồi phục.
Đừng tưởng du lịch ngã ngựa thì chỉ ông nhà hàng khách sạn chết. Xin hỏi, nhà hàng không có khách thì nông dân, ngư dân bán hàng hóa sản phẩm cho ai?
Theo Lê Thanh Phong
Báo Lao động