Phòng còn yếu, chống chưa quyết liệt

Có thể thấy rõ rằng phòng, chống tham nhũng ở nước ta mới có chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, nếu không được đôn đốc quyết liệt, thường xuyên thì chỉ sau một thời gian ngắn lắng xuống, nạn tham nhũng sẽ lại tiếp tục hoành hành với những mưu mô, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.

Vấn nạn tham nhũng gây mất niềm tin trong nhân dân, tổn thất lớn cho xã hội. Vì vậy, hai năm nay, phòng chống tham nhũng đã liên tục được Bộ Chính trị và Quốc hội quan tâm, tìm biện pháp khắc phục. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được thành lập, là cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đây, Ban này thuộc sự quản lý của Chính phủ, nhưng do hoạt động chưa hiệu quả, đặc biệt là sau những vụ bê bối về tham nhũng ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Ban này được chuyển về Bộ Chính trị, theo các quyết định của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Đó chính là thể hiện mạnh mẽ và quyết tâm hơn trong cuộc chiến với vấn nạn xã hội này.
 

Thời gian đầu, tình hình chưa có gì chuyển biến, dư luận đã nghi ngờ về hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Những vụ tham nhũng được xử lý chỉ là những vụ án nhỏ. Thực tế những vụ án nhỏ thì dễ xử lý nên xử lý nhanh hơn, còn vụ án lớn và phức tạp thì phải mất nhiều thời gian hơn nên người dân có cảm giác chỉ phát hiện và xử lý những vụ án tham nhũng nhỏ, chỉ đánh ở cấp xã. Nhưng điều đáng mừng là vừa qua, chúng ta cũng đã phát hiện và tập trung nhiều vào các vụ án lớn. Gần đây nhất, qua thanh tra Ngân hàng NN&PTNT cơ quan chức năng phát hiện sai phạm trong việc cho Công ty Liên doanh Lifepro Vietnam vay vốn, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và đã chuyển ngay cho cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam nguyên tổng giám đốc và một số đồng phạm khác. Hoặc trong vụ Vinalines, liên quan tới Dương Chí Dũng, cơ quan thanh tra cùng cơ quan điều tra phối hợp rất chặt chẽ ngay từ đầu, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và khởi tố ngay.

 

Phòng còn yếu, chống chưa quyết liệt

Năm nay, với sự vào cuộc quyết liệt hơn, 10 vụ án trọng điểm đã được đưa ra ánh sáng, đã và đang được xét xử. Nói như Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thì “chúng ta đã đánh đến cấp trên rồi, cỡ tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn... cũng đã xử lý tới rồi…”.

 

Năm 2013 là năm đầu thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Luật đã tạo điều kiện cho ngành thanh tra cũng như các ngành chức năng khác xử lý vi phạm tham nhũng hiệu quả hơn. Nhiều quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng có tiến bộ hơn. Đơn cử trước đây bản kê khai tài sản, thu nhập chưa được công khai rộng rãi thì nay đã được công khai tại cơ quan nơi người đó thường xuyên công tác, làm việc.

 

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra đã phát hiện 319 vụ, 517 người có dấu hiệu tham nhũng với hơn 489 tỉ đồng; 9,4ha đất; kiến nghị thu hồi 485,5 tỉ đồng; 6,3ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 17 tập thể, 218 cá nhân, xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận: Công tác phòng, chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo nhận xét: “Lâu nay “phòng” chúng ta cũng yếu, “chống” cũng chưa quyết liệt. Khâu điều tra, khâu giám định tham nhũng dễ có tiêu cực, án treo cũng nhiều”. Chính vì vậy, Tổng Bí thư hoàn toàn ủng hộ quan điểm của các cử tri rằng, “chống tham nhũng phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, làm nghiêm hơn chứ không thể để xử lâu, xử nhẹ, án treo nhiều. Các cơ quan phòng chống tham nhũng nói vừa vừa thôi, nói nhiều mà không làm được sẽ mất uy tín”.

 

Đối với 10 vụ án trọng điểm thì qua đôn đốc cho thấy, các cơ quan chức năng tích cực hơn, trong tháng 11 vừa qua đã đưa ra xét xử 2 vụ với những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, được dư luận đồng tình. 8 vụ án còn lại sẽ khẩn trương đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất và cố gắng dứt điểm trong quý I và quý II/2014.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên nhận xét rất chân thành: “Ngành thanh tra có những mục tiêu chưa đạt, ngay cả chính các đồng chí cũng chưa thấy hài lòng. Khi phát hiện sai phạm tại một đơn vị, tôi hình dung phải có chuyển biến ngay, nhưng tôi thấy còn ít. Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, điều đó nói lên khâu quản lý Nhà nước có vấn đề. Khiếu nại, tố cáo nhiều, phức tạp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính sách chưa phù hợp, cơ quan quản lý Nhà nước làm sai”.

 

Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng cảnh báo nạn tham nhũng đã ăn sâu trong tư tưởng tầng lớp cán bộ có chức, quyền; biểu hiện phổ biến ở hành vi hối lộ. Phải chú ý hơn nữa đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong công tác này. Vì vậy, Tổng Bí thư đã khá thẳng thắn cho rằng,“đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước Phật đã hối lộ… Cho nên chúng ta phải xem xét, bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt...”.

 

Có thể thấy rõ rằng, phòng, chống tham nhũng ở nước ta mới có chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, nếu không được đôn đốc quyết liệt, thường xuyên thì chỉ sau một thời gian ngắn lắng xuống, nạn tham nhũng sẽ lại tiếp tục hoành hành với những mưu mô, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.

 

Theo Đức Minh

PetroTimes