Phòng chống trộm cướp, đừng quên "thế trận lòng dân”!
(Dân trí) - Không chỉ cử tri TPHCM hoang mang trước nạn cướp giật quá táo tợn, mà nỗi lo tình trạng bất an nói chung về trật tự trị an vẫn thường trực trong nhiều người dân trên cả nước, khiến gánh lo toan cuộc sống thời giá cả leo thang đã nặng càng thêm quá tải.
Một thời đi dân nhớ, ở dân thương
Dù có cố gắng nghĩ theo cách tích cực, cố gạn lọc chỉ chọn lấy những mặt tốt để khỏa lấp đi mặt xấu của các tệ nạn, hiện tượng tiêu cực…thì đa số người dân vẫn chẳng thể lạc quan trước những sự phức tạp ngày càng gia tăng trong cộng đồng và xã hội hiện nay.
Thời còn chiến tranh, chẳng cứ ở nông thôn mà ngay tại thủ đô Hà Nội, nạn trộm cắp tuy vẫn có nhưng phải công nhận thường chỉ là trộm vặt và kẻ trộm bao giờ cũng sợ người ngay. Cướp giật càng ít hơn, khi bị phát hiện thì toàn dân đều nhiệt tình tham gia truy bắt kẻ gian, đồng thời giúp đỡ nạn nhân.
Mức sống chung ngày đó thấp hơn bây giờ nhiều, đồ đạc trong nhà đa số người dân cũng chẳng có mấy thứ đáng giá. Tuy nhiên mất đi cái nào (ví dụ như xe đạp, chiếc radio, cái chăn, cái màn… thôi) thì gia chủ cũng đủ điêu đứng vì không biết bao giờ mới sắm nổi đồ thay thế.
Thời đó có những lần vì chúng tôi còn nhỏ, mải chơi rồi ngủ quên không đóng cửa. Cha mẹ đi họp, đi học bổ túc văn hóa về muộn (tối mới họp, mới học) tá hỏa thấy xe đạp vẫn dựng bên ngoài, đèn sáng trưng, con cái ngủ say tít. Thế nhưng kiểm lại đám đồ đạc ít ỏi vẫn thấy không hề suy suyển.
Anh công an phụ trách khối phố nhà tôi còn trẻ, nhưng lời ăn tiếng nói rất nho nhã, tính tình xởi lởi, quan tâm và luôn giúp đỡ mọi người. Cả phố quý mến anh vì cứ nhà ai có chuyện gì là anh có mặt, hết nhu lại cương tìm cách khuyên nhủ, một tay anh đã giúp tháo gỡ bao khúc mắc trong cộng đồng cư dân chật chội nơi xóm lao động ven đê sông Hồng của chúng tôi thời ấy. Hỏi anh: - Sao như ma xó, cái gì cũng biết? Anh cười hiền: - Dân thương, mình được nhờ thôi…
So sánh đúng là rất khó, nhưng bỗng dưng tôi lại nhớ về anh cảnh sát Vũ năm xưa khi đọc thông tin về anh cảnh sát trẻ Deprimo tặng giày cho một người vô gia cư trên quảng trường Thời Đại của nước Mỹ. Hai người ở hai thời kỳ khác nhau, tại hai đất nước rất xa nhau, nhưng họ vẫn thật gần nhau bởi cùng là những tấm gương sáng đáng để mọi người bất kể là công dân Mỹ hay VN đều có thể “soi” mỗi ngày để noi theo mà làm những điều tốt.
Giá trị tiền thuế
Đọc bình luận của bạn đọc, ngàn người như một đều bày tỏ mong muốn lớn nhất rằng: Người dân đóng thuế để được hưởng những tiện ích và dịch vụ xứng đáng dành cho mình, vậy thì các lực lượng chức năng nói chung và ngành cảnh sát nói riêng lẽ nào không nghe được bao tiếng kêu ca của cư dân về tình trạng trật tự trị an đã tới mức quá đáng lo ngại hiện nay? Mà như các cụ xưa đã nói, có an cư dân mới lạc nghiệp được.
“Ở đâu bây giờ cũng có hiện tượng như thế, chứ không gì riêng ở TPHCM đâu. Dân rất lo lắng” – Hieu
“Báo chí, truyền hình hàng ngày cập nhật những thông tin về vấn nạn cướp của, giết người… Và cũng có cả những tấm gương các chiến sỹ và người dân vì sự bình yên của nhân dân mà hi sinh. Tôi nghĩ, tình hình như thế là do chế tài xử lý tệ nạn này vẫn không đủ mạnh. Nên chưa thể làm giảm tệ nạn hoặc hạn chế được những mất mát, đau thương khiến tình trạng trộm cướp trở thành vấn nạn của xã hội. Lỗi lớn ở đây là các cơ quan chức năng và có thể nói trước hết là của những người đứng đầu các ngành chức năng đó. Phải chăng lãnh đạo các ngành hữu quan vẫn đang quá tập trung vào mục tiêu chống, giảm bội chi ngân sách thông qua chính sách thu phí, thu thuế và vô vàn các dự tính thu khác nhằm vào người dân?” - Phạm Hữu Nguyện
“Thấy nạn cướp giật ở TP HCM quá "công khai", quá dễ với chúng cứ như… đi chợ mua mớ rau. Bản thân người viết bình luận này cũng 1 lần bị trở thành nạn nhân của 1 vụ cướp giật và nhận thấy chúng làm việc rất "chuyên nghiệp". Tôi càng không hiểu sao ở 1 thành phố văn hóa, kinh tế phát triển nhất nhì cả nước mà người dân đi ra đường cứ nơm nớp lo sợ như… thời chiến tranh lo bom rơi, đạn lạc? Không hiểu các chú Công an hàng ngày làm gì bận quá? Có khi phải mời các chú ra ngoài Hà Nội hoặc các địa phương khác để học tập thêm kinh nghiệm. Hoặc có khi các chú ấy vì công việc quá bận rộn nên không có thời gian về thăm các tỉnh thành khác, nên cứ nghĩ ở TPHCM của mình tình hình thế đã là nhất? Xin các chú Công an bớt chút thời gian làm việc của mình, để ít nhất đi tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác làm tốt hơn TPHCM nhé. Xin cảm ơn!” – nick Không biết các chú CA bận gì?
“Lực lượng công an cần can thiệp mạnh để an dân. Đây là lúc nhân dân cần họ nhất. Bất kỳ ai đã hưởng lương thì đều cần phải làm việc để phục vụ nhân dân chứ, như thế chúng tôi mới thấy việc đóng thuế có giá trị thiết thực. Thay vì làm việc vẫn theo kiểu “hành là chính” chỉ làm khổ dân, các vị hãy tập trung trước hết vào giải quyết những vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội, để cho người dân còn thấy rõ được rằng các vị biết làm việc. Mà dù là nhân viên ngành chức năng thì cũng là những người dân, biết đâu không may có lúc chính họ hoặc người thân của họ cũng là người bị hại thì sao?” - Le Tran
Nói cách khác nếu chúng ta không thoát được cái tư duy luẩn quẩn “hành vẫn là chính”, thì pháp luật có “rắn” bao nhiêu cũng chẳng thể đem lại hiệu quả gì nhiều hơn. Ý thức của đa số dân ta rõ ràng là cần phải nâng lên có lẽ chỉ cần bằng… ngày xưa thôi, nhưng nâng cho dân rồi còn các giới chức thì sao nếu họ…vẫn tự cho mình được hưởng nhiều sự ngoại lệ…như cũ??? Ví dụ mới nhất là trong các đề xuất thu phí, nâng mức phạt… mới vẫn có điều khoản “ngoại trừ”. Người dân đã bao lần lên tiếng khẳng định: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.
“Theo tôi cốt lõi vấn đề là do giáo dục. Hệ thống giáo dục của VN vẫn chưa thể làm tròn sứ mạng của mình đến mọi người dân, từ đó dẫn đến nhận thức kém thì làm sao không phát sinh tội phạm. Bên cạnh đó tệ nạn bài bạc, lô đề, cá độ bóng đá...không được giải quyết triệt để. Có những nơi ghi đề, chứa bài, cá độ mà cả làng cả xã đều biết, nhưng cảnh sát khu vực vẫn… không biết??? (Dân “tố” họ để vậy mới kiếm thêm thu nhập được). Bởi thế giới trẻ hiện nay nghiện bài, lô đề, cá độ...không còn là chuyên hiếm nữa mà phải nói thật là rất rất nhiều .Hy vọng các ngành, các cấp từ TW đến địa phương nên quan tâm đến vấn nạn này hơn nữa để kiên quyết xóa bỏ” – Anh Tran
“Đề nghị chấn chỉnh lại việc tuần tra giao thông ở những điểm trọng yếu như dưới chân cầu vượt An Sương. Có cái dở là từ xưa giờ khi lên báo chí thì lúc nào cũng than là "lực lượng mỏng" - cái câu nói muôn thuở. Mỏng tại sao không tăng cường???” – Nguyen Sy
“Phường khóm cần thâu tóm lý lịch mỗi thanh niên sống trong khu phố. Trong đó nghề nghiệp giữ vai trò chính yếu, hàng ngày làm việc ở đâu hay lang thang cướp giật. Lưu tâm theo dõi cách hành nghề đi lại, là có thể truy tìm ra cướp giật dễ dàng. Đề nghị này nhiều lần nhưng chưa thấy thực hiện, vì thế cướp giật ngày ngày tăng thêm vì vô nghề nghiệp mà lại nghiện hút.. v..v…” – nick Lý lịch
“Tình báo” nhân dân, khu xóm, tổ dân phố đâu? Rất hiệu quả đó...mà hình như xã hội lại quên mất lực lượng rất lớn này rồi?” - Do Minh
“Đề nghị Công an TPHCM lập các đội đặc nhiệm như kiểu đặc nhiệm 141 của Hà Nội để trấn áp các đối tượng trộm cướp. Có vậy mới đảm bảo tốt an toàn cũng như tính mạng cho nhân dân” - Hoang Viet
“Tôi được các bạn ngoài HN kể rằng ngoài đó rất nhiều cảnh sát cơ động, nên trộm cướp không hoành hành như trong TPHCM. Những đoạn đường hay được cảnh báo trên các trang mạng XH như: đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 10; vòng xoay Lý Thái Tổ, 3/2.... hay bị cướp giật, thủ đoạn ngày một tinh vi, nhưng hầu như đi không thấy cảnh sát cơ động. Liệu có cần điều thêm cảnh sát cơ động thường xuyên tuần tra cho TPHCM???” - Trần Thị Hiền
“Tôi thấy Công an VN (ngoại trừ CSGT) toàn ngồi một chỗ, đến khi có chuyện dân thông báo mới chạy đến hiện trường… Thế thì làm sao răn đe được ý định tham lam của con người từ khi bắt đầu được nhen nhóm? Còn tôi thấy bên Thái Lan, cảnh sát của họ thường xuyên đi tuần khắp nơi, khắp các con đường, khu phố đều thấy có cảnh sát nên hiệu quả ngăn chặn của họ tốt hơn hẳn” - Nguyên
“Tôi đề nghị ngành Công an TP Hồ Chí Minh nên tích cực truy bắt tội phạm và xử lý triệt để, nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho người dân thành phố. Tôi nhận thấy cũng có một số công an phường chưa làm hết trách nhiệm, còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Vì vậy tình hình trộm cướp ngày càng gia tăng và liều lĩnh, dã man hơn” – Mai
Thực sự là hàng ngày đọc phản hồi của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều lời kêu ca phàn nàn về các tệ nạn XH, bao gồm cả từ chính khá nhiều nhân viên… lực lượng chức năng. Thế đấy! Cái thời "đi dân nhớ, ở dân thương" xem ra đã xưa rồi...
Khánh Tùng