Phiếu bé ngoan cuối tuần
Hiện nay, các cháu học sinh mẫu giáo ít nhiều cũng bị tác động của “bệnh thành tích”
Hiện nay, các cháu học sinh mẫu giáo ít nhiều cũng bị tác động của “bệnh thành tích”. Đặc biệt, các cháu đang trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách, nếu việc làm của người lớn không công tâm sẽ rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, tạo “vết lằn” sâu trong tiềm thức trẻ thơ.
Chiều cuối tuần vừa rồi, đứa cháu gái của tôi đang học lớp 5 tuổi đi học về với vẻ mặt buồn rười rượi. Bước chân xuống xe, bé không cười nói, đùa nghịch như mọi khi, mà thay vào đó cháu chạy thẳng vào nhà. Thấy có chuyện lạ, bố đẻ cháu hỏi con: “Hôm nay con gái bố có chuyện gì thế? Trên lớp có bạn nào trêu con à?”
Cháu tôi không giấu được cảm xúc, mếu máo: “Tuần này con không được nhận phiếu bé ngoan bố ạ”
Con vừa dứt lời, bố cháu xoa đầu con bé nhẹ ngàng nói: “Chắc là tuần này con chưa ngoan thì làm sao có phiếu bé ngoan được chứ?”
Lấy tay gạt nước mắt thật nhanh, con bé thật thà nói: “Con vẫn ngoan đấy chứ, nhưng do hôm qua bữa trưa trời nóng con ngại ăn, nên ăn không hết suất, bị cô giáo phê bình trước lớp học”. Rồi sau đó cháu gái tôi thản nhiên nói với bố: “Mà con thấy tuần này nhiều bạn được phiếu bé ngoan có ngoan hơn con đâu, như bạn Bình nhà bác Lan ở cuối ngõ nhà mình ấy, bị cô giáo nhắc nhở nhiều, đi lại tự do trong giờ học mà vẫn được biểu dương đó thôi ”
Sau khi ngọn ngành câu chuyện từ phía con gái, bố cháu vỗ về động viên: “Thôi không sao đâu con, tuần này không được phiếu bé ngoan thì tuần sau con phải ngoan, ăn hết suất và nghe lời cô giáo nhé…”
Được chứng kiến câu chuyện nhỏ của hai bố con người anh họ, tôi thực sự băn khoăn không kém. Hiện nay, ngay từ thời tấm bé, các cháu học sinh mẫu giáo ít nhiều cũng bị tác động của “bệnh thành tích” ngay từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Chiếc phiếu bé ngoan cuối tuần của các cháu học sinh mầm non đơn thuần chỉ là những phần quà nhỏ để cổ vũ, động viên và ghi nhận kết quả học tập của các cháu trong một tuần; thế nhưng vô hình trung nó đã tạo ra áp lực cho các cháu trong học tập tại nhà trường. Nhưng nếu ghi nhận, đánh giá các cháu theo kiểu “phương phưởng” ít nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của trẻ thơ, tạo sự ganh đua, tị nạnh không cần thiết cho các cháu. Đặc biệt, các cháu đang trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách, nếu việc làm của người lớn không công tâm sẽ rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý, tạo “vết lằn” sâu trong tiềm thức trẻ thơ.
Chép lại câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” trên, các bậc phụ huynh mỗi sáng trước khi đưa con đến trường cần phải xây dựng cho các cháu tinh thần ý thức học tập tốt, thật sự luôn đoàn kết, yêu thương bạn bè của các bé trên lớp. Đối với các nhà giáo (nhà quản lý giáo dục) những người trực tiếp giảng dạy, phải thực sự “sáng giáo đức, sâu giáo lý, sắc giáo pháp” mẫu mực, tiêu biểu, đánh giá chất lượng học tập của học sinh công bằng, khách quan. Để thực sự, mỗi buổi đứng lớp các thầy cô vừa “tỏa sáng về tri thức, vừa sưởi ấm niềm tin” để “búp trên cành” không còn băn khoăn, vô tư trong sáng. Để đến buổi chiều về, các bậc phụ huynh lại được đón những đứa con thân yêu, biết vâng lời bố mẹ và thầy cô, như thế còn giá trị hơn nhiều phiếu bé ngoan!