Phép lạ là có thật

Cứ nghĩ mẹ chúng tôi sẽ bất động trên giường trong suốt phần đời còn lại/ Cứ nghĩ chúng tôi sẽ phải chứng kiến mẹ rên rỉ đau đớn cho đến tận lúc bà ra đi/ Và, cứ nghĩ mẹ chúng tôi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa…/ Nhưng rồi, phép lạ đã đến…

51535115_2236970119955645_917290858489839616_n.jpg

Mẹ tôi 97 tuổi. Trước Tết khoảng 3 tháng bị ngã rạn xương cổ chân. Trước Tết 3 tuần, một cú ngã nữa khiến mẹ tôi gẫy xương đùi và khớp háng. Đưa mẹ đến bệnh viện tỉnh, sau khi hội chẩn các Bác sĩ e ngại lắc đầu. Gặng hỏi, họ bảo: “Cụ đã 97 tuổi, nếu bó bột thì cơ hội là 50/50, nếu mổ không đảm bảo sẽ vận động được, thậm chí có thể tử vong trên bàn phẫu thuật…” Bác sĩ đã tiên lượng như vậy, và 50% kia cũng là một tỷ lệ đáng hy vọng nên chúng tôi đành đưa mẹ về nhà đắp thuốc…

Vốn là một phụ nữ có sức chịu đựng cao, vậy mà lần này mẹ tôi rên suốt ngày đêm, bà bảo chỉ muốn chết. Thuốc giảm đau cũng không thể uống mãi vì bà ăn rất ít, thậm chí là không ăn. Đề nghị tiêm giảm đau, Bác sĩ nhất định từ chối vì sợ thể trạng của người già không chịu nổi. Đến một ngày sự đau đớn hình như càng tăng nhiều hơn cộng với những cơn sốt triền miên khiến cả nhà tôi đứng ngồi không yên. Chúng tôi lại đưa mẹ đến bệnh viện. Lần này, sau khi hội chẩn, các Bác sĩ khuyên nên ra Hà Nội điều trị. Tuy nhiên cũng có ý kiến rằng đã giáp Tết rồi lại không phải trường hợp cấp cứu, hết Tết hãy tính. Nhưng chẳng đứa con nào có thể cam lòng nhìn mẹ vật vã trong đau đớn. Vì vậy, chiều 26 Tết gia đình chúng tôi quyết định thuê xe cứu thương chở bà đến Khoa Phẫu thuật khớp – Bệnh viện Quân y 103.

Tại khoa Phẫu thuật khớp, sau khi hội chẩn, các Bác sĩ cho biết vết gãy của mẹ tôi ban đầu ở thể gãy cắm gắn nhưng sau đó ổ gãy bị di lệch thứ phát, vết gãy để quá lâu nên rất khó xử lý và dễ dẫn đến nguy cơ chảy máu nhiều. Mẹ tôi còn mang các bệnh lý mãn tính của người già nên việc phẫu thuật càng khó khăn hơn những bệnh nhân khác. Tuy nhiên, để phục hồi chức năng vận động, chống loét, viêm phổi cho bà, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật thay khớp bán phần. Và ngay chiều 27 Tết, mẹ tôi được đưa vào phòng mổ. Bác sĩ Vũ Nhất Định phụ trách mổ chính.

Sau hơn 3 tiếng (từ khi mẹ tôi được đưa vào phòng mổ đến khi được đưa về khoa điều trị), ca phẫu thuật của mẹ tôi kết thúc. Không cần hỏi, chỉ cần nhìn khuôn mặt hài lòng của ê kíp các Bác sĩ tham gia, chúng tôi biết ca phẫu thuật đã thành công. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm.

Niềm vui vì mẹ may mắn vượt qua lần đại phẫu nhanh chóng trôi đi vì hồng cầu của mẹ tôi nhanh chóng giảm xuống. Nhưng các Bác sĩ khẳng định sẽ không sao cả, thể trạng của người già sau phẫu thuật luôn luôn gặp tình trạng ấy. Chỉ cần truyền đủ máu, huyết tương… và đặt chế độ theo dõi nghiêm ngặt thì bệnh nhân sẽ ổn định và sớm phục hồi.

Mọi chuyện diễn ra đúng như tiên lượng của các Bác sĩ điều trị. Chưa đầy 2 ngày cơn đau của mẹ tôi giảm dần, 4 ngày mẹ tôi ngồi được và 7 ngày sau bà đã tập đi bằng khung. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, ngỡ như mẹ tôi đã gặp được phép lạ. Có thể với các Y, Bác sĩ đó là chuyện bình thường, nhưng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì điều ấy vô cùng kỳ diệu. Bởi lẽ chúng tôi cứ nghĩ mẹ mình sẽ bất động trên giường trong suốt phần đời còn lại. Bởi lẽ suốt mấy tháng rồi chúng tôi bất lực nhìn mẹ rên rỉ trong đau đớn và nghĩ bà sẽ chẳng thể sống được nữa. Bởi lẽ mẹ chúng tôi đã gần 100 tuổi nên mọi hy vọng đều rất mong manh nếu không muốn nói là tuyệt vọng… Hóa ra phép lạ trong cuộc đời này là có thật. Phép lạ ấy không phải đến từ những đấng linh thiêng nào đó mà là từ chính những đôi bàn tay quý giá của các Y, Bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật khớp, Bệnh viện Quân y 103.

Không chỉ riêng mẹ tôi mà nhiều bệnh nhân khác cũng được hưởng phép lạ này. Cùng phòng điều trị với mẹ tôi, cụ Đỗ Thị Hồng ở Thanh Trì cũng là một ca khó. Cụ Hồng 90 tuổi, bị gãy cổ xương đùi. Dù vết gãy của cụ Hồng mới nhưng thể trạng cụ tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm, huyết áp rất cao, mạch rất nhanh. Sau phẫu thuật, lượng dịch truyền vào cơ thể của cụ phải được tính toán chính xác vì truyền nhiều sẽ phù phổi, truyền ít thì hồng cầu và sắc tố giảm nhanh chóng. Trước Giao thừa, tính mạng của cụ Hồng vô cùng nguy kịch, song nhờ “chiến thuật” điều trị chính xác của các y, Bác sĩ, cụ đã vượt qua cửa tử và phục hồi nhanh một cách kỳ lạ. Mùng 5 Tết gặp tôi, cụ vui vẻ khoe: “Chiều mai bà được xuất viện rồi cháu ạ. Thật như có phép tiên, đang đau tưởng chết đi được thế mà giờ gần như không còn đau nhiều nữa”. Anh Nguyễn Gia Tiến (con cụ Hồng) cũng vô cũng cảm kích trước sự tận tình của tập thể các y, Bác sĩ ở đây. Anh bảo: “Cứ phải đưa mẹ đi bệnh viện thôi chứ thực sự chẳng có một chút hy vọng nào. Không ngờ mẹ tôi lại vượt qua bạo bệnh trong một thể trạng không lấy gì làm khỏe mạnh. Gia đình tôi vô cùng cảm động và biết ơn các Bác sĩ”.

Vâng, niềm vui của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi được cứu chữa thì nhiều vô kể. Song, thử hỏi có bao nhiêu người nghĩ đến những áp lực mà các y, Bác sĩ phải đối mặt(?) Chia sẻ về điều này, Bác sĩ Phan Ngọc Thắng cho biết: “Chúng tôi làm nghề cứu người nhưng nhiều lúc cũng thấy cái nghiệp của mình nó bạc lắm. Mỗi khi…” Anh chợt dừng lại, cho dù tôi có gặng thế nào anh cũng nhất định không nói nữa. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình có thể hiểu được những điều sau cái dấu ba chấm kia. Là Bác sĩ nghĩa là ngày ngày phải đối mặt với tính mạng, sức khỏe của những con người rất cụ thể. Không có bất cứ Bác sĩ nào muốn bệnh nhân phải chịu đau đớn. Càng không có Bác sĩ nào muốn bệnh nhân bị tử vong. Và khi bệnh nhân tử vong, nỗi đau buồn của Bác sĩ chắc chắn không ít hơn người nhà bệnh nhân, thế nhưng mấy ai hiểu cho họ, và lỗi sẽ luôn luôn thuộc về các Bác sĩ, thuộc về bệnh viện…

51735353_571973876613451_3930703947030855680_n.jpg

Các bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân

 

Thực trạng ở nhiều bệnh viện vẫn diễn ra các vấn đề tiêu cực, vẫn có những Bác sĩ vi phạm lời thề Hippocrates. Song, tôi luôn tin rằng hầu hết các Bác sĩ đều giữ được đạo đức nghề nghiệp. Những ngày vào thăm mẹ ở Bệnh viện Quân Y 103, tôi càng thấm thía điều này. Mẹ tôi là một nông dân từ tỉnh về Hà Nội điều trị. Anh chị em chúng tôi cũng chẳng quen biết ai ở bệnh viện, thế nhưng mẹ tôi vẫn được y, Bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo. Tôi đã gặp Bác sĩ Thắng, Bác sĩ Hùng, Bác sĩ Bình và nhiều y, Bác sĩ khác. Họ hầu hết còn rất trẻ nhưng ở họ toát lên sự tự tin, bản lĩnh và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Chỉ cần tiếp xúc với họ một vài lần, chúng ta có thể cảm nhận được điều này. Họ chính là những người mang niềm tin, mang phép lạ đến cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân. Họ xứng đáng với danh xưng LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU.

Phong Lan