Phạt và phạt - Thanh gươm Damocles vẫn... lửng lơ
(Dân trí) - “Tóm lại từ đầu tới cuối, với dân vẫn chỉ là luôn thấy 1 từ PHẠT treo lơ lửng trên đầu. Vậy thì có lẽ từ Phạt theo tiếng Việt hiện giờ, dân nên hiểu là "quan tâm đến thu nhập" chăng?” - Minh Hien: hientv.acc@gmail.com nói thay bao nỗi niềm về Nghị định 71.
Cơ hội nào cho tự nguyện
Qua hơn con số “khủng” phá mọi kỷ lục trước đó về lượng phản hồi của bạn đọc liên tiếp gửi tới trong mấy ngày qua, chúng tôi nhận thấy điều băn khoăn của Minh Hiền có lẽ đang là rào cản chính khiến Nghị định 71 - chủ đề vẫn đang tiếp tục làm dậy sóng dư luận – chưa "thông được đường đi" vào công chúng.
Nói “theo sách” thì luật pháp phải nghiêm, mọi người dân ai cũng phải tuân thủ. Nhưng thực tế của VN ta thì sao nhỉ? Thời trước đây (chiến tranh, bao cấp…) đời sống còn khó khăn hơn bây giờ nhiều, nhưng dân luôn tin vào cán bộ vì cán bộ đại đa số giữ được nếp sống và làm việc gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi khó khăn. Ra đường ai không may bị lạc, bị mất tài sản… đều có thể tìm gặp hoặc tới đồn công an hỏi han, nhờ vả bởi đáp lại đúng là những tấm lòng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Nay đời sống khá lên rất nhiều, cũng vẫn còn nhiều người tốt trong đó có cả những cán bộ liêm khiết, chí công vô tư, hết lòng vì công việc…Nhưng cách làm việc “hành dân là chính” hay nói cách khác là tệ tham nhũng, thái độ hạch sách, tư tưởng tư lợi…đã ngấm vào máu quá nhiều cán bộ của ta. Khiến dân từ chỗ bị bức xúc nhiều quá dẫn tới ác cảm, mất hết lòng tin.
Bởi thế, không chỉ với một việc làm rõ ràng là đúng và cần thiết theo tinh thần Nghị định 71, mà với nhiều quyết định bị coi là “trên mây, xa rời thực tế, không tính đến quyền lợi của dân…” dư luận luôn phản ứng lại rất mạnh. Có lẽ cốt lõi vấn đề ở đây là thuận lợi đã và đang vẫn chỉ nghiêng về một phía có quyền ban hành và thực thi các quy định pháp lý. Còn phía người dân mặc dù luôn được cho là cũng “hưởng lợi”, nhưng khi bị ép buộc, bị “hành” thì chẳng ai còn muốn tự nguyện và chung quy lại vẫn chỉ là lợi bất cập hại mà thôi.
“Sang tên đổi chủ (với các phương tiện tham gia giao thông để “chính chủ”) đúng là một việc nên làm, vì nó có lợi cho dân và việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: Tại sao lại có ít xe được sang tên đổi chủ? Vậy việc sang tên đổi chủ như thế nào mà có ít người thực hiện? Theo tôi, sang tên đổi chủ là việc cần, nhưng để nó được thực hiện rộng rãi không nên cư thông qua cách phạt thật cao. Mà cần có chính sách tạo điều kiện cho dân được sang tên đổi chủ một cách thuận lợi nhất, thời gian ngắn, chi phí nên bằng 0 hoặc nhỏ nhất....
Làm như thế người dân sẽ tự nguyện đi sang tên đổi chủ, chứ không cảm thấy bị bắt buộc phải sang tên chỉ vì sợ bị Phạt. Và như thế mới có thể thực hiện được cái gọi là "của dân, do dân và vì dân". Nếu thủ tục đơn giản như đi làm lại cái "chứng minh" thì tôi nghĩ rằng không ai không muốn sang tên đổi chủ để tài sản của mình được đứng tên mình cả. Tôi rất mong Dân trí chuyển mọi phản ánh của các tầng lớp nhân dân tới các cơ quan chức năng, để có thể tạo ra sự thuận lợi nhất cho không chỉ nhà nước mà cả cho nhân dân nữa” - Hoàng Thành: hoangthanh2207@yahoo.com
Vận dụng vào tình hình thực tế của nước ta hiện nay, nhất là từ sự thực thi chưa thể nói là luôn nghiêm minh và gương mẫu từ chính các cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ nhà nước, tuyệt đại đa số người dân càng thấy cái việc chỉ có Phạt và Phạt dân làm đầu là vô lý, bất bình đẳng và sẽ không thể có tính khả thi cao.
“Tôi cũng là một người làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi nghĩ các quy định nhằm giúp cho công tác quản lý được tốt hơn, nhưng cũng phải đem lại lợi ích cho người dân chứ không thể cứ ở trên phán xuống như thế nào cũng được. Không thể chỉ vì lợi ích nhỏ của bộ ngành hoặc lĩnh vực nào đó, mà hi sinh lợi ích lớn hơn của đại đa số người dân được. Các nhà làm luật nên nhìn nhận thực tế cuộc sống để đề ra luật. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó người dân có quyền tham gia xây dựng pháp luật. Nhưng thực tế ở ta, cái quyền này của người dân vẫn chưa được tôn trọng. Thay vì đẩy mạnh và tăng cường công tác quản lý sao cho tốt, thì các bác ở trên lại thường nhằm vào dân để… “hành”. Quy định luật này không sai, nhưng có nhiều điều chưa phù hợp với thực tế nên rất cần xem xét lại” - Lê Phương: phuong.555@gmail.com
“NĐ 71 vẫn chưa hợp lý và chưa thực sự phù hợp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Các phân tích của các vị thuộc Ủy ban An toàn giao thông QG, các Đại biểu Quốc hội và những người tham gia nghiên cứu chính sách ở các lĩnh vực khác đã phân tích trên các trang báo, các phương tiện thông tin rõ như vậy. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn và phải có chiều sâu lý luận tại các văn bản, sao cho phù hợp với thực tế, thời điểm thi hành nói chung và NĐ 71 nói riêng. Tránh gây xôn xao trong dư luận nhân dân, làm giảm lòng tin đối với luật pháp và gây tốn kém cho xã hội” - Nguyễn Quang Thảo: quang_thao_vinaconex@yahoo.com
“Chuyện không có gì mà ầm ĩ…”
Bao nhiêu lời kêu ca cũng là bấy nhiêu đề xuất, hiến kế… được người dân nêu lên. Nhưng xem ra tiếng nói nhân dân vẫn chẳng có được bao nhiêu trọng lượng, vì chắc là các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn tự tin mình có chuyên môn hơn thì phải làm tốt hơn. “Hàng nội” không ăn thua, người dân đành xoay sang khuyến cáo cho... “hàng ngoại” vậy.
“Các vị giới chức các bộ, ngành tư vấn cho Chính phủ quyết định các chính sách quan trọng liên quan tới quyền và lợi ích của người dân, chắc đều là những người được đi nhiều nước văn minh trên thế giới để HỌC HỎI kinh nghiệm quản lý của họ. Vậy với bài toán quản lý phương tiện giao thông cá nhân, tại sao các đồng chí không áp dụng cách quản lý của một số nước tiên tiến như sau:
1. Với mỗi cá nhân sở hữu phương tiện GT, các cơ quan quản lý cấp cho họ biển số quản lý phương tiện cá nhân. Con số này là không đổi trong suốt cuộc đời của người chủ phương tiện.
2. Giấy đăng ký phương tiện sẽ có khoản mục ghi lịch sử mua/bán/sử dụng phương tiện (giống như Giấy CN Quyền sở hữu BĐS).
3. Mỗi khi mua/bán/cho/ tặng thì người chủ sở hữu chỉ cần tháo chiếc biển số đó giữ lại và mang Giấy đăng ký phương tiện tới các cơ quan chức năng ghi nhận quy trình mua/bán/cho/tặng trên vào lịch sử của Giấy.
Với cách quản lý trên thì cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo được việc quản lý chặt chẽ phương tiện, đồng thời người dân cũng rất thuận tiện trong việc mua/bán/cho/tặng/cho mượn. Trân trọng góp ý” - Hoàng Trường: hoanghp2000@yahoo.com
“…Tôi xin góp ý thêm. Ở CHLB Đức việc sang tên đổi chủ xe diễn ra hết sức đơn giản. Người muốn sang tên xe (ôtô, xe máy) chỉ việc mang giấy đăng ký xe là ‘lý lịch’ xe ra cơ quan đăng ký xe, nộp một khoản lệ phí nhỏ là xong. Không cần giấy bán xe hay thêm loại giấy tờ nào khác. Mà lệ phí của họ rất hợp lý: chỉ là số tiền (thật sự chi cho) giấy tờ, tiền công kiểm tra xe, tiền biển số. Kính mong các cấp liên quan của VN tham khảo áp dụng, để vừa thuận tiện cho công tác quản lý xe, vừa tạo điều kiện cho chủ phương tiện làm đúng thủ tục theo quy định pháp luật một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất” - Vu Van Tuan: vuvantuan1948@yahoo.com
“Theo tôi thì VN chỉ cần tham khảo kinh nghiệm ngay của TQ thôi. Đó là cấp cho mỗi người một biển số (duy nhất) là hay nhất” - Cao Quyết Chiến: caoquyetchiendbp@gmail.com
“Chào bạn đọc Dân trí. Tôi là một người rất ít khi bình luận chuyện xã hội, tuy nhiên hôm nay thấy vấn đề "xe chính chủ" mà ức chế với mấy bác làm quy định này. Tại sao phải quản lý kiểu đó cho mệt? Theo tôi biết, có một số nước trên thế giới họ quản lý việc "xe chính chủ" không bằng cách người đi xe phải chứng minh là xe của mình hay xe mượn hợp pháp, mà họ quản lý bằng việc xử lỗi chủ xe. Cụ thể như sau:
Anh A mượn của anh B một chiếc xe ô tô/xe máy để đi, nếu việc tham gia giao thông bình thường thì Ok, không cần bàn. Nhưng nếu anh A gây ra sự cố giao thông thì cảnh sát giao thông sẽ ghi giấy phạt bằng tên người chủ sở hữu và như vậy anh B sẽ phải đi nộp phạt, thậm chí phải ra tòa nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc mượn xe là hiếm khi xảy ra và người bán xe khi bán cũng phải yêu cầu người mua xe sang tên ngay. Vì vậy ở họ rất ít tình trạng đi xe không chính chủ. Chỉ cần làm nghiêm thế thôi!” - Brother: anh.dah@hotmail.com.vn
“Tôi thấy quyết định về việc về xử lý xe không sang tên chính chủ là không hợp tình, hợp lý và cũng chẳng theo một thông lệ quốc tế nào. Tôi đã từng sống, công tác nhiều năm ở nước ngoài mà không thấy nước nào áp dụng như thế cả. Họ chỉ đòi hỏi người điều khiển phương tiện giao thông phải có bằng lái thích hợp (với từng loại phương tiện đòi hỏi bằng lái) và xe có đầy đủ điều kiện để lưu hành (giấy tờ xe, đăng kiểm...) Còn khi tham gia giao thông mà vi phạm thì sẽ bị xử theo Luật giao thông, chứ không ai cấm đoán theo dạng đó cả…” - Lê Nam: lenam1160@yahoo.com
“Tôi là công dân Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi đã xem qua NĐ 71 và thấy rằng: Mục đích chính của NĐ 71 là nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị. Đây cũng là bài toán khó mà ngành GTVT cùng các bộ ngành khác đã triển khai giải quyết. Nhưng ở đây tôi thấy tính khả thi của NĐ 71 rất ít, ngược lại bất cập rất lớn, ảnh hưởng tới quyền con người và quyền lợi riêng của mọi người dân. Theo tôi, NĐ 71 chỉ gây thêm sự phức tạp với người dân, đồng thời tạo ra nhiều kẽ hở để người thực thi lợi dụng hưởng lợi riêng… Tôi cũng đồng ý với đa số đề nghị của người dân là trong quá trình chuẩn bị thực hiện NĐ 71, ngành GTVT và các bộ liên quan cần nghe ngóng và kiểm tra sát sao. Nếu thấy quá bất hợp lý thì cần hủy bỏ ngay để đảm bảo sự công bằng xã hội, nhất là đảm bảo quyền công dân. Xin cảm ơn!” – Chinh Nguyen Van: nhathoang@yahoo.com
Việc lẽ ra rất đơn giản, nhưng lại bị phức tạp hóa lên quá nhiều khiến dân không thể không bất an, lo lắng, phản ứng…
“Đọc xong các bài báo về vấn đề này, tôi thấy vừa vui vừa buồn mà có lẽ buồn vẫn nhiều hơn. Vui là cuối cùng những người trong cuộc chắc đã nhận ra những cái dở, cái chưa đúng và (tạm) dừng lại. Còn buồn, mà phải nói là 1 nỗi buồn miên man là vì ngày càng thấy có nhiều quyết định quá vội vàng của các cơ quan chức năng được ban hành, để rồi lại… đắp chiếu hoặc treo lơ lửng (như “thanh gươm Democles”) khiến cho người dân chúng tôi luôn phải trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc: từ thấp thỏm đến hoang mang, thậm chí là sợ hãi và cuối cùng lại là những tiếng thở dài ngao ngán….Chúng tôi lại phải đặt câu hỏi: Không lẽ ở cấp quản lý nhà nước mà các vị lại…nghĩ ngắn vậy sao? Trong khi chính các vị, gia đình các vị, bạn bè các vị cũng là những người dân cơ mà? TẠI SAO?” - Phu Thanh: pth1996@gmail.com
Ai trả lời được nhanh, ngắn gọn và xác thực nhất hai chữ TẠI SAO đó thì chắc ý thức của toàn dân ta sẽ tự được nâng cao lên ngay thôi.
Khánh Tùng