Để Nghị định 71 đi vào lòng dân: Đơn giản thay vì phức tạp hóa vấn đề!

(Dân trí) - Về tình thế “chóng mặt vì văn bản” của đa số người dân khi được biết về Nghị định 71, Nguyễn Xuân Nam nguyenxuannam_1948@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Không biết ở những nước văn minh khác có nơi đâu lại để xảy ra tình trạng như VN mình thế này không ?” (Chắc là không rồi!)

Kiểm tra giấy tờ xe (ảnh minh họa, nguồn: Lao động)
Kiểm tra giấy tờ xe (ảnh minh họa, nguồn: Lao động)

 

Đường thẳng, đường vòng và đường tắt

 

Sự rắc rối, dài dòng, khó hiểu… của các văn bản hành chính lại một lần nữa như đưa những người dân bình thường vào mê hồn trận. Hơn thế nữa, mỗi văn bản được các giới chức chuyên môn viện dẫn ra dường như lại càng khiến người dân cảm thấy… khác nhau, khiến người nghe không biết đâu mà lần. Nhìn chung tình hình liên quan tới chuyện "phạt xe theo Nghị định 71"có lẽ đúng như Hoàng Quốc Thuận Thuanegac@gmail.com nhận định và tóm lại:

 

“Hiện nay đại bộ phận người dân đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm "sở hữu phương tiện" và "mượn phương tiện" khi tham gia giao thông. Luật Dân sự quy định hình thức của giao dịch "mượn tài sản" nói chung và "mượn phương tiện giao thông" nói riêng không bắt buộc phải lập thành văn bản (trừ những tài sản có quy định hình thức). Việc cho mượn phương tiện cũng không bị giới hạn trong gia đình hay cùng hộ khẩu, mà điều kiện không vi phạm pháp luật là sự tự nguyện của các bên và không giao phương tiện cho người không có giấy phép lái xe phù hợp.

 

Do vậy đối với hành vi điều khiển phương tiện mang tên người khác, nhưng là trường hợp "mượn phương tiện"  đầy đủ giấy tờ theo quy định về phương tiện và người điều khiển (tại nghị định 34 và 71) thì không có lý do gì lo phải lo ngại. Đối với trường hợp điều khiển phương tiện do mình nhận tặng, cho, nhận chuyển nhượng (sở hữu) nhưng chưa làm thủ tục sang tên mình, thì đương nhiên vi phạm quy định của pháp luật (xin lưu ý là quy định này có từ lâu).

 

Người dân không nên quá lo lắng khi nhận thức rõ các quy định của pháp luật. Trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan chức năng làm sao để xác định được đâu là phương tiện người dân mượn hợp pháp, đâu là phương tiện cho, tặng, mua bán chưa sang tên? Trách nhiệm chứng minh vi phạm thuộc cơ quan chức năng, nhưng không được đòi hỏi thêm bất cứ loại giấy tờ gì (hộ khẩu, giấy kết hôn, hợp đồng...) khi chưa có quy định. Như vậy vấn đề ở đây là cần sửa luật sao cho người dân thấy thuận lợi nhất để tự nguyện làm các thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện của mình”.

 

Vậy cách nói theo kiểu văn bản có lẽ chỉ  phức tạp hóa vấn đề, trong khi có thể hiểu nôm na theo cách của nhiều người dân như Nguyễn Quang Trung trungobama@yahoo.com “lược dịch”?

 

“Cuối cùng chốt lại là vẫn không được đi xe 'không chính chủ', khác nhau chỉ sớm hay muộn (bị phạt mà thôi). Với cơ quan quản lý nhà nước phải công nhận nó là công cụ quản lý hữu ích, nhưng với nhân dân thì nghe chưa hợp lý lắm. Cần nghiên cứu làm sao để dân muốn sang tên đổi chủ chứ không nên mang nặng tính chất bắt buộc, mà dân vẫn nghe thì mới là cách khó nhưng hợp lý. Điều đó thể hiện tính chất của một xã hội văn minh phát triển khi ai cũng tự giác tuân thủ pháp luật mà không cần bắt ép. Là một người dân đi xe cũng nhiều lần 'không chính chủ', tôi nghĩ mình cũng sẽ tuân thủ quy định. Nhưng mong rằng Đảng, Nhà nước có được những quyết sách mà đông đảo người dân thấy được là thật sự hợp lý. Còn trong trường hợp mượn của người thân quen như bạn của bạn bạn mình chẳng hạn (mấy khi được cầm luôn giấy tờ xe), cũng mong cơ quan chức năng nghiên cứu thêm để xem xét sao cho vừa hợp tình, vừa hợp lý thì mới có được tính khả dụng tốt”.
 
(minh họa, nguồn: PLTPHCM)
(minh họa, nguồn: PLTPHCM)
 

Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng

 

Mỗi quy định đưa ra dù mới đầu có thể vấp phải phản ứng (vì tâm lý, vì thói quen, vì cả sự bảo thủ nữa chẳng hạn của một số bộ phận nào đó trong dân), nhưng nếu các ban ngành chức năng liên quan làm cho người dân thấy rõ được ý nghĩa thiết thực của nó với đời sống xã hội. Đồng thời đảm bảo cả sự thực thi nghiêm minh trước hết từ chính các cấp quản lý, các lực lượng chức năng, không có “ngoại lệ” nào thì trước sau gì người dân cũng hiểu ra được và tuân thủ nghiêm túc.

 

“Người dân mua xe (cũ là chủ yếu) thì cần phải sang tên đổi chủ, vậy xe của bộ ngành hữu quan cấp cho lực lượng chức năng thì ai đứng tên và có cần sang tên đổi chủ hay không? và ai sẽ là người kiểm tra việc này?... Theo tôi, nên quy định là: Tất cả các xe mua chưa sang tên đổi chủ mà không tìm được chủ xe trước đây, thì cơ quan chức trách xác minh giấy tờ xe và thấy xe đúng của chủ hiện tại thì làm thủ tục đơn giản nhất cho dân (ví dụ như xe tôi mua qua nhiều chủ khác nhau, giờ tìm không ra chủ trước đây thì chỉ cần xác minh của địa phương và cam kết đúng xe của chủ hiện tại - chỉ cần có cavet xe hợp lệ - thì khi đó cơ quan chức năng làm thủ tục cho người dân đổi tên chủ xe. Có vậy mới đỡ phiền hà, rắc rối được cho dân” - Ba: thanhthanh@yahoo.com

 

“Tôi thấy Nghị định 71 có lẽ chỉ là cái vỏ, nói là phục vụ lợi ích cho nhu cầu và lợi ích của người dân nhưng dân phản ứng mạnh mẽ vì thấy thực chất vẫn là để thu tiền của dân thì đúng hơn. VN còn là nước nghèo, nhiều người dân nghèo làm sao đủ tiền để mà mua những chếc xe mới giá đắt để lưu thông và làm ăn.  Vì vậy họ phải mua lại những chiếc xe rẻ tiền. Hơn nữa, xe cũ thường không biết đã qua bao nhiêu đời chủ rồi, nếu làm lại giấy chính chủ thì không biết họ phải chạy vạy thế nào để tìm được đúng chủ sở hữu cần thiết. Buộc dân phải làm vậy thì có khác gì chúng tôi phải… mò kim đáy bể. Mà không phải nói đâu xa, liệu ngay cả những người ra quy định này và lực lượng kiểm tra thực hiện theo nghị định đó chắc gì đã đi xe chính chủ. Dân muốn được biết là ai  sẽ đứng ra kiểm định chính các vị ấy để làm những tấm gương đầy sức thuyết phục với dân đây?” - Dương Nhật Nam:  duongnhatnam@gmail.com

 

“Ở đây phản ứng của người dân đa số không phải là với mức phạt nặng hay nhẹ, với mục đích phạt để làm gì... vì những cái đó chắc có những chuyên gia của nhà nước xem xét, tính toán cả rồi. Mà điều khiến người dân phản ứng nhiều nhất là tại sao không xử lý từ cái gốc làm nảy sinh vấn đề? Rồi để tình trạng xe không sang tên đổi chủ nhiều như vậy mới đề xuất thực thi biện pháp phạt và tiến hành ngay, mà không khảo sát xem có bao nhiêu phương tiện không sang tên đổi chủ, bao nhiêu phương tiện/người trong độ tuổi tham gia giao thông, khi tiến hành kiểm tra xử phạt sẽ gặp khó khăn như thế nào… Do vậy khi thực hiện rồi gặp vướng mắc thì mới không biết cách xử lý như thế...” - Tam:  tam98@gmail.com

 

“Việc xử phạt không đội mũ bảo hiểm, đua xe trái pháp luật bị xử phạt nặng làm gương để răn đe, để người dân thực hiện đúng pháp luật, rõ ràng là ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn của việc ra quyết định. Nên càng được sự đồng tình của đông đảo người dân. Nhưng quy định phạt khi điều khiển xe không sang tên đổi chủ, tức là xe chính chủ mới không bị phạt, thì ai cũng thấy là chưa thực sự khả thi. Vì chủ trương chung của nhà nước ta là đang cố gắng hạn chế phương tiện giao thông kia mà, bởi nói gì thì cuối cùng vẫn là mỗi người 1 xe mới là thuận tiện nhất (để tránh phải trình bày, giải thích, chứng minh… mỗi khi ra đường)? Sao không tính cách nào thuận tiện nhất cho dân trước đã thì dân mới ủng hộ được chứ?” - Đặng Xuân Thai: xuanthaibigsea@gmail.com

 

Lo tốn kém 1, sợ bị… hành 10

 

Vâng nếu cái gì chúng ta cũng làm đúng, làm nghiêm và đồng bộ được thì dù dân có “bảo thủ” đến đâu cũng không thể không chấp hành theo quy định được. Nhưng ở đâu và có thể nói là cứ có việc phải đụng đến cửa công nào thì người dân đều phải ca thán ở đó, bởi gần như gặp cán bộ ở cửa nào cũng có thể bị “hành” ở cửa đó (kể cả chỉ là 1 cửa). Vậy sao phía chức năng không chủ động đơn giản hóa vấn đề cho dân bằng cách dỡ đi những rào cản chẳng có gì là khó nhìn thấy, khó thực hiện…(có chăng chỉ vì dỡ đi thì các vị ấy lại...mất "màu"?)

 

“Hãi với thủ tục hành chính như hiện nay. Thế thì việc sang tên đổi chủ với cách làm thủ tục vẫn như này thì các cơ quan hành chính họ lại hành cho dân phải biết. Đơn giản xin con dấu xác nhận lý lịch để xin việc mà còn phải chực từ sáng sớm đến tận hôm sau mới xong. Nản!” - Chí Thành:  phaocoi@hotmail.com

 

“Lập luận trên của các nhà quản lý là không đủ căn cứ và thiếu tính hiệu quả và thực tế… Theo tôi người tham gia giao thông chỉ cần xuất trình đủ các giấy tờ xe, đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm dân sự bắt buộc hợp lệ và giấy phép lái xe của người điều khiển xe là được. Còn muốn theo dõi, kiểm soát xe trấn lột, ăn cắp, hoặc giấy tờ giả... chỉ cần các vị đầu tư mua thiết bị quét thẻ. Tiến hành đổi đăng ký xe và bằng lái xe theo hình thức mới để phục vụ cho việc dùng máy quét thẻ là ổn. Khi cần kiểm tra, cảnh sát chỉ cần quét bằng và giấy phép là biết ngay thật giả, đơn giản và văn minh mà đầu tư chắc chắn là ít tốn kém…Chứ nếu vẫn áp dụng máy móc như các vị nói thì bất cập, bất cập quá!!!!” - Nguyễn Thu:  thunguyenvan2@gmail.com

 

“Theo tôi, trước khi áp dụng phạt hành vi không sang tên đổi chủ sở hữu xe theo NĐ 71, chúng ta phải cần làm ngay những việc sau:

 

+ 1. Giảm thuế trước bạ xuống 1% hay thấp hơn. Cần có quyết định giảm ngay chứ không phải là "CÓ THỂ GIẢM".

 

+ 2. Cho một thời gian đủ để các phương tiện có thể hoàn thành việc sang tên đổi chủ, nếu không khi lệ phí trước bạ giảm sẽ rất nhiều (hàng chục triệu người) đổ xô đến các văn phòng công chứng, cục thuế => lãng phí thời gian, của cải của xã hội => Các cơ quan cần phân luồng, tổ chức sang tên đổi chủ cho từng nhóm xe theo năm SX xe. VD: tháng 1: tiến hành thủ tục cho các xe SX trước 2005, tháng 2: 2006-2008, tháng 3: 2008-2010, tháng 4: 2010-2012. Như vậy đến khoảng giữa năm 2013, tôi tin rằng phần lớn các xe đều được đăng kí chính chủ, ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt không xác định được chủ cũ sẽ giải quyết theo hướng dẫn riêng của CA. Đến khi ấy thì các cơ quan CA tha hồ áp dụng NĐ71 mà dân chả có ý kiến gì nữa” – nick GIẢM lệ phí trước bạ, chứ không phải CÓ THỂ GIẢM:  jalincoraline@gmail.com
 
(minh họa, nguồn: PLTPHCM)
Nhiều người dân lo ngại việc phải chứng minh xe đi mượn, xe của người thân...lại thêm sự phiền hà, rắc rối (ảnh minh họa: Lao Động)

 

Nhưng để được đi theo những con đường thẳng ngắn nhất xem ra cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng đâu, vì cái chính là nhiều khi chúng ta vẫn bị chỉ dẫn theo đường vòng, để rồi chẳng còn cách nào khác là…  lại phải tính cách “đi tắt”. Cực chẳng đã nhưng còn cách nào hơn???

 

Cái Xe đỡ cho người dân bao nhiêu nặng nhọc, nhưng hình như nó đang gây nên sự chướng tai gai mắt nên lâu nay cứ thấy hết quy định này, dự thảo khác nhằm vào Xe. (Nói trộm vía…nếu cái Xe hoặc các khoản tiền Phạt mà biết nói năng nhỉ…)

 

Kiều Anh