Bạn đọc viết:

Phân làn đường tại Đà Nẵng: Góp ý từ kinh nghiệm thực tế

(Dân trí) - Với tất cả tấm lòng của một công dân hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng, tôi xin góp ý thêm với UBND TP. Đà Nẵng một số giải pháp sau nhân dịp TP chuẩn bị tổ chức phân làn lại trên một số tuyến đường.

Đây là những giải pháp không mới mà chắc nhiều người cũng biết, nhưng ở đây có tính tới hiện trạng thực tế tại ĐN. Và tôi cũng không đi vào những giải pháp chung chung như kêu gọi nâng cao ý thức người tham gia GT hay rà soát quy trình cấp phép GPLX...mà đi vào những vấn đề cụ thể "người thật việc thật" tại ĐN. 
 

1. Hạn chế chỗ quay đầu xe trên một tuyến đường có dải phân cách cố định. Nếu có, thì chỉ mở tại nhưng nơi đường rộng và tại các ngã tư có đèn tín hiệu. Tại vị trí đó cần làm một làn đường ngắn dành riêng cho các phương tiện rẽ trái. Những người chờ ở làn đường này không cản trở các phương tiện đang đi thẳng trên tuyến đường đó.

 

2. Đối với xe bus: không được lưu thông trên làn đường ngoài cùng bên trái (ngoại trừ khi rẽ trái tại nhưng nơi được phép), chỉ được lưu thông ở làn giữa và làn bên phải vì loại phương tiện này thường xuyên phải dừng đón trả khách ở những điểm dừng quy định. Xe bus bắt buộc phải dừng đón trả khách ở làn đường ngoài cùng bên phải. Tại mỗi điểm dừng xe bus phải có thông tin chi tiết về thời gian và hành trình của các tuyến xe để ai muốn đi có thể dễ dàng tra cứu thông tin. Niêm yết rõ giờ xe đến tại mỗi điểm dừng và phải thực hiện nghiêm chỉnh.

 

Thực tế hàng ngày đi làm tôi chứng kiến xe tuyến ĐN - Tam Kỳ ở đường Nguyễn Tri Phương, sáng sáng chạy còn chậm hơn cả rùa bò làm cản trở lưu thông của các phương tiện khác. Đi chậm để đón thêm vài khách chỉ là cái lợi trước mắt nhưng họ lại đánh mất cái lợi rất lớn là niềm tin của dân (anh đi không đúng giờ giấc, làm người dân không chủ động được thời gian đi lại của mình, nên bị xa lánh là phải). Thêm nữa do không có niêm yết giờ giấc rõ ràng nên tài xế cứ bắt khách tràn lan dọc đường sau đó "đạp bù", nên mới có hiện tượng sáng ra đường qua khu CN Điện Ngọc dù rất nhỏ, lưu lượng đông do gần KCN, nhưng xe bus tuyến Đà Nẵng – Hội An vẫn cứ phóng "bạt mạng" bất chấp sự an toàn của mọi người.

 

3. Tại những tuyến đường giao cắt với đường tàu có một bấp cập là: khi chờ tàu mọi người đứng dàn hàng ngang hết ra đường, đứng sang hết cả làn đường bên trái. Thành ra khi tàu qua thì cả hai bên đều chật cứng, không còn khoảng trống nào mà lưu thông nữa, dẫn đến tắc đường là điều đương nhiên. Rõ ràng vấn đề tắc đường ở đây do đường nhỏ hẹp cũng có, nhưng cái chính vẫn là ý thức của mọi người khi đứng “dàn hang ngang” ra chờ tàu như thế.

 

Kiến nghị của tôi là thành phố nên đặt dải phân cách cứng cố định ở hai bên đường tàu để phân thành hai làn riêng biệt. Cụ thể: ví dụ tại đường Hà Huy Tập, lắp một bên qua đường vào bệnh viện Thanh Khê, bên kia lắp tới chỗ rẽ qua đường Thái Thị Bôi. Đồng thời giao cho nhân viên gác tại đó nhắc nhở ngay những trường hợp cố tình đứng chờ tàu không đúng làn đường, cản trở người khác lưu thông khi tàu qua. Nếu làm được thế, theo tôi, sẽ giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn trầm trọng mỗi khi tàu qua các đường này vào giờ cao điểm.
 

4. Luật giao thông đường bộ của ta đã quy định rất rõ là: tại các vòng xoay thì phải nhường đường cho các phương tiện đi từ bên trái qua. Nhưng thực tế thì mạnh ai người nấy đi, không ai nhường ai cả. Một phần do ý thức chấp hành luật, nhưng theo tôi có nguyên nhân khác quan trọng hơn là tại những vòng xoay này không hề thấy có bất kỳ một vạch kẻ đường nào để người lưu thông trên đường biết là làn này rẽ trái, làn kia đi thẳng…Tôi để ý thấy rằng từ các vòng xoáy nhỏ đến lớn ở Đà Nẵng, không một vòng xoáy nào có vạch phân làn. Và tôi nghĩ chắc ĐN không phải là ngoại lệ, mà nhiều nơi khác cũng như thế.

 

Kiến nghị của tôi là: tại các vòng xoáy lớn ví dụ như cầu Sông Hàn bên phía Ngô Quyền, hai bên cầu Tuyên Sơn, Nguyễn Hữu Thọ - 30.4… cần đặt dải phân cách cứng hoặc kẻ vạch sơn để phân riêng biệt làn rẽ phải. Đồng thời làn đi thẳng và rẽ trái cũng có vạch sơn phân làn và mũi tên chỉ hướng rõ ràng. Để người dân biết đi thẳng thì đi làn nào, rẽ trái thì đi làn nào. Đồng thời có vạch tạm dừng (giống như vạch chờ đèn tin hiệu) để các phương tiện tạm dừng tại đó, ưu tiên cho các phương tiện lưu thông từ bên trái qua.

 
Phân làn đường tại Đà Nẵng: Góp ý từ kinh nghiệm thực tế - 1
Đường Điện Biên Phủ là một trong 18 tuyến đường của Đà Nẵng sẽ được phân làn cho ôtô, xe máy (ảnh: Công Bính)
 

5. Đèn điều khiển giao thông ở Đà Nẵng chủ yếu là loại hai pha, loại này chỉ thích hợp khi lưu lượng ít, mọi người có thể nhường nhau. Nhưng khi lưu lượng lớn, nhất là giờ cao điểm thì loại này không thích hợp vì nó tạo ra xung đột giao cắt, dễ dẫn đến tình trạng ách tắc ngay giữa ngã tư do người đi thẳng phải “tranh” đường với người phía làn đối diện rẽ trái qua…

 

Kiến nghị của tôi là: tại những ngã tư lớn, lưu lượng nhiều như tại vị trí cầu Sông Hàn phía Lê Duẩn hay Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập… nên thí điểm lắp loại đèn điều khiển ba pha.

 

Khi lắp loại đèn ba pha này thì:

 

- Làn rẽ phải được kẻ vạch riêng, có dải phân cách cứng cố định thì càng tốt. Làn rẽ phải này không chịu sự điều chỉnh của đèn tín hiệu, nhưng người tham gia vẫn phải đi theo nguyên tắc “nhường đường cho người đi từ phía trái mình qua”.

 

- Làn rẽ trái được làm riêng một đoạn hoặc có vạch sơn rõ ràng. Làn rẽ trái này phải đảm bảo nguyên tắc: phương tiện đứng chờ rẽ trái không được cản trở người đang lưu thông trên làn đi thẳng.

 

Trên đây là một số ý kiến góp ý của tôi, rất mong Dân trí đăng tải để mọi người cũng bàn luận và nếu được xin gửi những ý kiến này của tôi tới UBND TP Đà Nẵng. Xin cảm ơn.

 

Phạm Thân

email:  pv.than@yahoo.com.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm