Bạn đọc viết:
Phân làn đường cho xe buýt – giải pháp duy nhất chống kẹt xe
(Dân trí) - Phân làn đường ưu tiên riêng cho xe buýt theo chiều ngược lại, nghĩa là mở một làn đường cho riêng xe buýt tại các con đường ngược chiều. Việc phân làn cho xe buýt lưu thông riêng theo chiều ngược lại là giải pháp duy nhất chống kẹt xe...
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
Giải pháp gốc, chính nhất, sợi chỉ đỏ của cuộc cách mạng này vẫn là phải dựa trên nền tảng và nguyên tắc ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng nhằm tạo ra hệ thống vận tải công cộng có tốc độ nhanh hơn và tiện lợi hơn hiện nay. Nếu chúng ta có được một hệ thống giao thông công cộng văn minh, an toàn, tiện lợi thì khi đó không cần cấm xe cá nhân, không cần thay đổi giờ làm để gây xáo trộn cuộc sống, người tham gia giao thông sẽ tự từ bỏ xe cá nhân, bộ mặt giao thông các thành phố lớn sẽ thay đổi. Trên thực tế ở Hà Nội, TPHCM đã thực hiện những ưu tiên này như đã phân làn cho xe buýt lưu thông ở làn trong cùng với xe máy nhưng rõ ràng là chưa có hiệu quả. Xe buýt vẫn di chuyển rất chậm cùng dòng xe các loại vô cùng đông đúc, xe buýt khi vào bến và ra bến vẫn phải đánh võng gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, gây mệt mỏi cho tài xế và hành khách trên xe.
Cuộc cách mạng ở đây là phải làm cách nào đó để giải phóng đường cho xe buýt, dành cho xe buýt lưu thông riêng trên một làn đường. Để thực hiện cuộc cách mạng này không còn con đường nào khác là chúng ta phải: Phân làn đường ưu tiên riêng cho xe buýt theo chiều ngược lại, nghĩa là mở một làn đường cho riêng xe buýt tại các con đường ngược chiều. Việc phân làn cho xe buýt lưu thông riêng theo chiều ngược lại có các ý nghĩa như sau:
1. Xe buýt lưu thông trên làn đường dành riêng sẽ rất thuận lợi vì cùng loại phương tiện, cùng tốc độ. Sẽ chấm dứt tình trạng lấn đường của các loại phương tiện khác đối với xe buýt. Do đó có thể tăng tốc độ, tăng tần xuất và tăng số lượng phương tiện phục vụ. Đó chính là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển giao thông công cộng.
2. Các phương tiện khác sẽ bị giảm phần đường nhưng lưu thông cũng không khó khăn hơn mà còn thuận lợi và an toàn hơn vì không phải đi cùng chiều với mấy cái xe buýt to đùng thỉnh thoảng lại chạy vào chạy ra để đón trả khách. Giảm sự xung đột giữa các loại phương tiện.
3. Làn đường dành cho xe buýt chỉ vừa đủ cho một xe buýt lưu thông an toàn nên các xe buýt sẽ không thể đánh võng, vượt nhau tranh tài, không phải chạy ra chạy vào mà hầu như là chạy trên một đường thẳng. Các xe buýt sẽ chạy nối đuôi nhau với cùng tốc độ nhanh và đều như những đoàn tàu trong nội đô. Sẽ không cần bấm còi nữa…
Thực hiện giải pháp này tất nhiên sẽ còn có rất nhiều việc kèm theo phải triển khai vì đây thực sự là cuộc cách mạng để thực sự thay đổi bộ mặt văn hóa giao thông ở nội đô như:
1. Đối với ông tác vận động, tuyên truyền: Đây là công việc quan trọng nhất và đầu tiên phải triển khai rộng khắp, phải tạo ra một làn sóng tuyên truyền bền bỉ và hiệu quả đến mọi người dân vì muốn làm cách mạng là phải dựa vào dân.
2. Đối với luật pháp: Sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của hệ thống luật pháp và văn bản dưới luật liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông công cộng, trật tự đô thị và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm gây cản trở giao thông công cộng theo hướng nghiêm khắc, thiết thực và hiệu quả hơn.
3. Đối với các nhà xe: Nhà nước cả trung ương và địa phương cần áp dụng chính sách ưu đãi thuế, lãi vay cho các nhà xe để nâng cấp đầu tư cải thiện chất lượng xe buýt cả về phương tiện và thái độ phục vụ. Khi thị trường phát triển tốt chắc chắn sẽ có lãi. Nhưng cũng chỉ cần lấy lãi vừa đủ để tái đầu tư. Mục đích đầu tư dịch vụ vận tải công cộng không phải là để làm giàu.
4. Đối với công tác tổ chức giao thông: Phải tổ chức lại bến bãi xe ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng lưu thông một cách hợp lý, thuận tiện. Tổ chức lại một số tuyến đường trong nội đô một cách khoa học và tiện lợi cho người sử dụng phương tiện công cộng. Trong trường hợp đường hai chiều hẹp có thể tổ chức một làn đường riêng cho xe buýt theo cách của tàu điện ở Hà Nội ngày xưa… Tại các điểm giao cắt, vành xuyến có đèn hoặc không có đèn cần kẻ vạch sơn cấm dừng xe trên phần đường dành cho xe buýt và triển khai điều tiết, chỉ huy giao thông.
5. Đối với hành vi vi phạm gây cản trở giao thông công cộng: Phải coi đây là hành vi nghiêm trọng vi phạm an ninh quốc gia. Cần tập trung xử lý phạt thật nặng, nghiêm khắc đối với mọi hành vi gây cản trở giao thông công cộng như: xử lý hành chính, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, gửi thông tin về địa phưong, lưu hồ sơ nếu tái phạm thì phạt cải tạo không giam giữ, lao động công ích, nếu nghiêm trọng hơn thì xử lý hình sự. Tịch thu mọi phương tiện vi phạm, phát mãi sung công quỹ (kể cả ôtô và hãy nhớ lại câu chuyện có một Ông Thị trưởng ngồi xe thiết giáp nghiền nát một cái xe ôtô đậu sai quy định).
6. Đối với lề đường: Tuyệt đối dành lề đường cho người đi bộ. Do đó phải biết hy sinh quyền lợi nhóm ở các cấp quận, phường trong việc lập bãi trông giữ xe. Tất cả các loại xe cá nhân phải để trong nhà. Tất cả các nhà hàng, dịch vụ, chợ, trường vv… phải có chỗ đậu xe riêng, coi đây là tiêu chí bắt buộc để cấp phép đăng ký kinh doanh. Khi đó mọi người đi mua sắm, ăn uống sẽ vào trong các siêu thị, trung tâm thương mại... Văn hóa mặt tiền sẽ dần biến mất.
7. Đối với các cổng trường, nơi công cộng: Tổ chức phương thức lưu thông đưa đón tại các cổng trường một cách khoa học hơn. Đó là áp dụng lưu thông liên tục thuận chiều tại trong trường và các cổng trường, nơi công cộng để không gây ách tắc lưu thông. (Nghĩa là chỉ được dừng đón con và đi ngay, cấm dừng đậu xe để chờ, cấm tuyệt đối tụ tập mua bán trước cổng trường).
8. Và các biện pháp khác…
Thực ra các giải pháp trên đây không mới mà đã được áp dụng ở Bangkok -Thái Lan từ thế kỷ trước (năm 1993 tôi có đi Bangkok), khi đó Bangkok cũng kẹt xe khủng khiếp, ở TPHCM chưa kẹt xe nghiêm trọng nên tôi chẳng hiểu được ý nghĩa của việc tổ chức giao thông như vậy, bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao họ tổ chức giao thông như vậy. Băngkôc bây giờ đổi thay rất nhiều, lâu rồi tôi không đi nên không biết có còn áp dụng không…
Làm cách mạng là phải kiên nhẫn, quyết liệt, nắm chắc thời cơ và phối hợp sử dụng tốt các nguồn lực. Chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ thành công nếu có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự ra quân đồng loạt của mọi lực lượng, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và sự ủng hộ của nhân dân. Kết quả là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về bộ mặt văn hóa giao thông trong nội đô. Suy cho cùng cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng về văn hóa giao thông đô thị.
Trong một bài viết nhỏ chỉ đủ để diễn đạt ý tưởng, khi thực sự đi vào triển khai sẽ gặp vô vàn vấn đề cụ thể cần trao đổi, bàn luận, tôi sẵn sàng tiếp tục bàn luận về những vấn đề chi tiết hơn.
Phạm Văn Tùng
phamvantung59@yahoo.com