Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa
(Phần cuối) Trở lại quê hương miền Bắc
(Dân trí) - Tôi nằm điều trị tại ban dân y và chờ ra Bắc điều trị tiếp. Lần này đi theo tuyến bệnh viện có má ba Trầu và cháu Hằng - con chị Sáu cùng đi, má ra thăm miền Bắc và thăm Ba. Bố Quý đến tiễn hai mẹ con…
Hai vợ chồng đều cố giấu nước mắt dù chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Bé Liên cứ ôm lấy bố, lúc xuống xuồng nổ máy chạy đi, bé khóc to gọi ”Ba ơi.. “ mãi rồi bé đòi ngồi với các chú, chắc vì nhớ bố quá.
May là đường ra Bắc lần này không phải đi bộ mà được ngồi trên ô tô, nhưng là xe tải làm tôi lại say lết bết. Đường bụi kinh khủng, bụi tung lên lút gần hết bánh xe. Mấy má con toàn phải ăn cơm trước khi đi khoảng 2 tiếng, nếu không sẽ nôn hết không còn sức đâu mà chịu đựng đường trường. Thế mà tới mỗi trạm nghỉ, hai bé Hằng và Hoài Liên vẫn líu lo hát cho các chú bộ đội xem. Hằng lớn hơn thuộc nhiều bài nên được các chú cho nhiều lương khô 702. Còn bé Liên cứ lên xe là đòi ngồi với các chú và bảo: - Tí nữa mẹ cháu lại say xe đấy. Tối đến đi ngủ không có nước rửa chân, bé đã học được cách lấy bít tất đi vào cho khỏi bẩn võng.
Hành trình ra Bắc cũng rất gian khổ. Thương nhất là xe chở thương binh có nhiều anh bị tâm thần, đến trạm nghỉ lại phải trói lại, nếu không các anh chạy vào rừng hô xung phong ầm ĩ…
Xe đi gần đến khu vực quân ta đánh Buôn Mê Thuột, bầu không khí rộn rã, tưng bừng hẳn lên bởi ai cũng háo hức trước viễn cảnh đã gần giải phóng Sài Gòn rồi.
Xe đến Quảng Bình đúng dịp mưa phùn lâm thâm. Trời ơi, bảy năm rồi mới lại được hưởng mưa phùn miền Bắc, chúng tôi ai cũng sung sướng ngửa mặt lên hứng nước mưa rất lâu.
Về đến Hà Nội, xe tập kết tại trạm đón tiếp ở Hà Đông, lại được phát chăn màn và quần áo mới.
Một tháng sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975 Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui khải hoàn, không hiểu sao tôi lại chợt liên tưởng và nhớ đến những vần thơ của thi hào Nga Lermontov:
Khi em đi trong đoàn quân chiến thắng
Hãy nhớ về các bà mẹ mang khăn trắng…
Để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình cũng tôi đã góp phần xương máu… Anh trai thứ ba của chồng tôi - anh Ngô văn Đa đã hy sinh tại Đồng Tháp năm 1972. Em Phạm Hữu Nghị - con trai chú ruột tôi đã hy sinh tại Gia Lai. Cháu Nguyễn Văn Thành - con chị gái thứ hai của tôi cũng hy sinh tại miền Nam. Độc lập tự do đã phải trả bằng bao máu xương của các thế hệ người Việt Nam để các thế hệ hôm nay được hưởng hoà bình hạnh phúc. Công ơn đó chúng tôi và mong rằng mọi thế hệ Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên...
Người thứ hai tôi gặp là em gái Ngọc Anh đang là sinh viên trường Đại học Tổng hợp, và em trai Phạm Hữu Đức đang là sinh viên trường Đại học Sư phạm. Các em kể: Chị đi xa không ai dám nhắc đến tên chị vì sợ Thầy Mẹ buồn. Thấy các em đều đã trưởng thành, giỏi giang… tôi rất vui. Về đến nhà gặp lại người thân càng mừng mừng tủi tủi, mừng hơn là thấy Thầy tôi vẫn khoẻ. Thấy khoe hàng năm vẫn nhận được thiệp chúc Tết của Bộ Giáo dục gửi cho tôi, Thầy đều cất kỹ. Bấy nhiêu đó cũng đủ là niềm an ủi khi tôi đi xa...
Bao năm đã trôi qua mà trong tôi vẫn vẹn nguyên xúc cảm cùng niềm thương nỗi nhớ suốt một thời hoa lửa. Nhớ nhất là những dòng tâm sự đồng đội viết về mình:
...Lần đầu anh Tám Nghinh gặp Ấm tại Tà Nu bên bờ sông Trăng, anh Tám tự hỏi: Nghị lực nào đã giúp cô gái bé bỏng kia dám đi vào vùng đất khốc liệt khu Trung Nam bộ? Và làm thế nào để vượt qua khốc liệt mà tồn tại? Thực tế cô gái ấy vẫn tồn tại cùng mọi người và đã trưởng thành cùng người chồng, dám chấp nhận sự khốc liệt của chiến trường khu Tám!...
Gặp em
Gặp em giữa chiến trường khói lửa
Biết quê em nơi rừng cọ đồi chè
Cọ che nắng, che mưa, tâm hồn trong sáng
Hoa cọ hương chè, ngan ngát hương bay
(Năm 1970)
Tặng em
Cuối Kỷ Dậu đầu xuân Canh Tuất
Đã yêu em rồi, anh phải xa em
Sáng ngày mai anh vào trận đánh
Ác liệt chiến trường Tà Lúa, CPC
Phải đương đầu với ba sư đoàn xe bọc thép
Bom pháo rền trời, vẫn chiến đấu hiên ngang
Quân ta đã tiêu diệt hàng ngàn tên giặc
Xe chỉ huy cũng phải cháy thành than
Quân ta vẫn bảo toàn lực lượng
Chiến thắng trở về anh lại đến bên em
(Trận càn giữa năm 1971)
Anh yêu em với cả tấm lòng
Em lại bảo: anh còn trẻ quá
Em yêu ơi, đời phải qua sóng gió
Song tình yêu anh vẫn quá vụng về
Em cười thầm mà trái tim rung động
Đó là người để em chọn yêu thương
Em yêu ơi xuân còn dài lắm
Gánh nặng tình đời vẫn trĩu trên vai
(Năm 1971)
Ơn Cha Mẹ
Ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục
Để cho con có hạnh phúc lứa đôi
Công Cha như trời cao núi thẳm
Tình Mẹ kính yêu như biển rộng sông dài